Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định cho phép bố trí 4.069 tỷ đồng từ khoản 10.000 tỷ đồng để bố trí cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng của Bộ Giao thông vận tải.
Chính phủ vừa có báo cáo tóm tắt Tờ trình phân bổ dự phòng chung vốn Ngân sách Trung ương trong nước còn lại và 10.000 tỷ đồng từ nguồn vốn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định cho phép bố trí 4.069 tỷ đồng từ khoản 10.000 tỷ đồng để bố trí cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng của Bộ Giao thông vận tải. Đây là khoản nợ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Thực hiện Nghị quyết số 71/2018/QH14, phương án phân bổ nguồn vốn này của Chính phủ đã ưu tiên bố trí cho các dự án phòng, chống, khắc phục thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, gia cố đê, kè, xây dựng hồ đập, phòng, chống, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển... Bên cạnh đó, những năm qua, Chính phủ đã ưu tiên sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương hằng năm để hỗ trợ các địa phương cả nước, nhất là khu vực ĐBSCL, miền Trung, miền núi phía Bắc, thực hiện các dự án thuộc tiêu chí này.
Riêng trong hai năm 2017, 2018, số vốn hỗ trợ các địa phương từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương đạt trên 12,5 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, theo tờ trình của Chính phủ, việc dành một phần vốn ngân sách Trung ương từ nguồn 10.000 tỷ đồng để thanh toán nợ hỗ trợ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng cho dự án Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo cam kết trước đây của Chính phủ “là khả thi”, “thuộc nghĩa vụ của ngân sách trung ương”, phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội và nhằm triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về Đề án Tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng mức đầu tư 45.487 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD). Tuyến đường có quy mô 6 làn xe chạy, 2 làn dừng khẩn cấp, mặt đường rộng từ 32,5 - 35m, tốc độ tối đa cho phép 120 km/h. Cao tốc đi qua 4 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng với chiều dài 105,5 km. Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) được Thủ tướng Chính phủ giao là chủ đầu tư Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo hình thức hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT).
Tại Quyết định số 746/QĐ-TTg ngày 29/5/2014, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư cho Dự án.
Theo số liệu cập nhật của VIDIFI và Ngân hàng Phát triển Việt Nam, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng của Dự án khoảng 4.069 tỷ đồng.
Phần lớn vay vốn lãi suất thương mại dao động 10,5-11,4% trong thời gian 30 năm. Theo phương án tài chính, dự kiến dự án sẽ thu phí hoàn vốn trong khoảng 28 năm 8 tháng. Cũng theo dự kiến, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ mãn tải sau 18 năm khai thác.
Tháng 6/2018, trong văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam về tình hình kinh doanh, khai thác Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng của VIDIFI cho hay, dự án này đang bị lỗ trung bình 2,5 tỷ đồng/ngày.
Cụ thể, doanh thu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ của 7 trạm thu phí dịch vụ trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2017 chỉ đạt 1.258 tỷ đồng, bình quân mỗi ngày đạt 3,4 tỷ đồng. Doanh thu thu phí dịch vụ tại 2 trạm thu phí Quốc lộ 5 trong năm 2017 đạt 832,9 tỷ đồng. Với tổng doanh thu thu phí toàn dự án đạt 2.091 tỷ đồng. Tính bình quân, doanh thu mỗi ngày của đơn vị này đạt khoảng 5,7 tỷ đồng/ngày.
Trong khi đó, theo VIDIFI, mức thu này chưa tính các chi phí thu mà doanh nghiệp phải bỏ ra để vận hành 9 trạm thu phí cùng với công tác bảo trì 2 tuyến đường thuộc dự án. Hiện, nhà đầu tư đang phải trả khoảng 8 tỷ đồng tiền lãi vay mỗi ngày. Như vậy, số tiền thâm hụt mỗi ngày là 2,5 tỷ đồng (tương đương khoảng 900 tỷ đồng/năm).