Nếu dự thảo nghị định thay thế nghị định 46 được thông qua, chỉ cần uống rượu, bia khi lái xe, cả người điều khiển xe máy và ô tô đều bị xử phạt
Bộ GTVT đã xây dựng dự thảo nghị định thay thế nghị định 46 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt , trong đó đề xuất mức phạt nặng với hành vi vi phạm nồng độ cồn.
Điểm mới của dự thảo là chỉ cần có nồng độ cồn trong máu (dưới 50 mg/lít khí thở), người điều khiển xe máy sẽ bị xử phạt; đặc biệt mức phạt có thể lên tới 40 triệu đồng với người lái ô tô.
Hiện Nghị định 46 mới chỉ quy định xử phạt người điều khiển xe máy có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80 mg/100 ml máu, hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 mg/lít khí thở, mức phạt 1 - 2 triệu đồng và tước bằng lái xe 1 - 3 tháng.
Dự thảo sửa đổi theo hướng phạt từ 2 - 3 triệu đồng với người điều khiển xe máy có nồng độ cồn dưới 50 mg/100 ml máu, hoặc dưới 0,25 mg/lít khí thở. Nếu được thông qua, chỉ cần “có hơi rượu, bia”, tức nồng độ cồn lớn hơn 0, người điều khiển xe máy, ô tô đều bị xử phạt.
Có thể bạn quan tâm
15:27, 24/04/2019
13:44, 12/03/2019
09:44, 30/08/2018
10:26, 04/12/2016
Với ô tô, mức phạt tăng gấp 2 - 3 lần so với quy định hiện hành.
Cụ thể, vi phạm mức 1 (chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở) đối với người điều khiển ô tô là 6 - 8 triệu đồng (hiện mức phạt này là 2 - 3 triệu đồng), tăng thời gian tước bằng lái xe lên 10 - 12 tháng so với 1 - 3 tháng hiện nay.
Vi phạm mức 2 (vượt quá 50 mg/100 ml máu đến 80 mg/100 ml máu hoặc trên 0,25 - 0,4 mg/lít khí thở) bị phạt 16 - 18 triệu đồng (hiện nay phạt 7 - 8 triệu đồng), đồng thời bị phạt bổ sung tước bằng lái xe 16 - 18 tháng so với 3 - 5 tháng hiện nay.
Vi phạm mức 3 (vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc trên 0,4 mg/lít khí thở), sẽ bị phạt 30 - 40 triệu đồng (mức phạt hiện nay là 16 - 18 triệu đồng), đồng thời tước bằng lái xe 22 - 24 tháng, thay vì 4 - 6 tháng hiện nay. Đây cũng là mức phạt với người điều khiển xe sử dụng ma túy.
Lý giải việc bổ sung hình phạt trên với người cầm lái xe máy, ban soạn thảo nghị định cho biết Luật phòng, chống tác hại của rượu bia chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Trong đó cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Đồng thời, trong thời gian qua tình hình tai nạn giao thông diễn biến rất phức tạp, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra do người điều khiển xe có nồng độ cồn trong máu còn xảy ra phổ biến.
Vì vậy, cần thiết phải bổ sung quy định xử phạt đối với người điều khiển môtô, xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/l khí thở.