Chi nhánh Evergrande đệ đơn phá sản tại Mỹ

DIỄM NGỌC 18/08/2023 11:05

Chi nhánh Evergrande tại Mỹ là Tianji Holding and Scenery Journey đã đệ đơn lên tòa án ở New York, xin được bảo trợ phá sản theo Chương 15 luật phá sản tại quốc gia này.

>>Evergrande đề xuất tái cơ cấu nợ: Nhiệm vụ khó khả thi

Động thái trên nhằm bảo vệ những tài sản của tập đoàn tại Mỹ trong khi tìm kiếm một thỏa thuận tái cấu trúc nợ với các chủ nợ. Bản kiến nghị theo Chương 15 của công ty xây dựng nhà ở Trung Quốc đề cập đến các thủ tục tái cấu trúc đang được thực hiện ở Hồng Kông và Quần đảo Cayman.

Evergrande đã nhận được sự chấp thuận của tòa án vào tháng trước để tổ chức bỏ phiếu về kế hoạch tái cơ cấu nợ ở nước ngoài. Ảnh: Reuters

Evergrande đã nhận được sự chấp thuận của tòa án vào tháng trước để tổ chức bỏ phiếu về kế hoạch tái cơ cấu nợ ở nước ngoài. Ảnh: Reuters

Năm ngoái, nhà phát triển Modern Land China Co. có trụ sở tại Bắc Kinh cũng đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 15, sau khi nộp đơn hoàn trả khoản trái phiếu trị giá 250 triệu USD và nói rằng họ sẽ tiếp tục với một thỏa thuận tái cơ cấu nợ ở nước ngoài. Evergrande đã làm việc trong nhiều tháng để hoàn thành kế hoạch đó.

Theo Bloomberg đưa tin, Luật sư của Evergrande đã không trả lời các yêu cầu bình luận xoay quanh sự việc. Hồ sơ công ty được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại, về các vấn đề trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc có thể lan sang các bộ phận khác của nền kinh tế nước này khi tăng trưởng chậm lại. Vụ vỡ nợ vào cuối năm 2021 đã gây ra một loạt vụ vỡ nợ ở các công ty xây dựng khác, dẫn đến hàng nghìn ngôi nhà chưa hoàn thành trên khắp Trung Quốc.

Tháng trước, Evergrande đã công bố khoản lỗ tổng cộng 81 tỷ đô la Mỹ cho năm 2021 và 2022, khiến các nhà đầu tư lo lắng về khả năng tồn tại của kế hoạch tái cơ cấu nợ mà công ty đề xuất vào tháng 3. Đến đầu tuần này, đơn vị xe điện China Evergrande New Energy Vehicle Group đã công bố đề xuất tái cơ cấu của riêng mình để giảm nợ.

>>Cổ phiếu Tập đoàn Evergrande bị tạm ngừng giao dịch tại Hồng Kông

Cùng thời điểm này, Tập đoàn bất động sản Hengda - đơn vị thuộc sở hữu gián tiếp của China Evergrande Group cũng đang bị cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc điều tra vì cáo buộc vi phạm các quy tắc tiết lộ thông tin. Hengda cho biết trong một hồ sơ gửi tới Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải vào tối ngày 16/8 rằng, Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã gửi thư thông báo về cuộc điều tra và công ty đang tích cực hỗ trợ cơ quan quản lý tiến hành điều tra. Việc này diễn ra chỉ vài tháng sau khi Hengda bị hai sàn giao dịch lớn của đại lục khiển trách vì trễ hạn công bố kết quả hàng năm.

Zhou Ling, một nhà quản lý quỹ của Shanghai Shiva Investment nhận xét: “Evergrande và đơn vị con của mình đã rơi vào tình trạng “nước sôi lửa bỏng” sau vụ vỡ nợ năm 2021, gây ra một chuỗi phản ứng tiêu cực. Cuộc điều tra có thể làm tổn thương thêm niềm tin của các nhà đầu tư và chủ nợ đối với nhà phát triển”.

Theo tờ Nhật báo Thông tin Kinh tế, trong số 73 công ty niêm yết ở đại lục đã bị CSRC điều tra tính đến ngày 18/7, có 54 công ty trong số đó bị nghi ngờ có những bất thường liên quan đến việc tiết lộ thông tin. Các doanh nghiệp nhà nước như Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc và Phát triển Thủ đô Bắc Kinh cũng bị cơ quan giám sát nhắm đến.

Vào ngày 17/7, Tập đoàn Evergrande có cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông vốn đã bị đình chỉ giao dịch kể từ tháng 3/2022 cho biết, họ đã lỗ ròng 476 tỷ Nhân dân tệ cho các cổ đông vào năm 2021 và 105,9 tỷ Nhân dân tệ vào năm 2022. Tổng nợ phải trả của tập đoàn ở mức 2.440 tỷ Nhân dân tệ vào cuối năm ngoái. Các khoản vay của công ty đã tăng lên 612,39 tỷ Nhân dân tệ từ 607,38 tỷ Nhân dân tệ vào năm 2021.

Evergrande là nạn nhân chính của cuộc trấn áp của Bắc Kinh đối với thị trường bất động sản, sau khi Chính phủ đưa ra chính sách “ba lằn ranh đỏ” để giảm đòn bẩy của các nhà phát triển.

Có thể thấy, kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ của ngành diễn ra vào giữa năm 2021, các công ty chiếm 40% doanh số bán nhà ở Trung Quốc đã vỡ nợ. Mới đây, cuộc khủng hoảng của Country Garden - nhà phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất Trung Quốc, cũng đang khiến các nhà đầu tư lo lắng sau khi công ty này bỏ lỡ một số khoản thanh toán lãi trái phiếu trong tháng này.

Có thể bạn quan tâm

  • Evergrande đề xuất tái cơ cấu nợ: Nhiệm vụ khó khả thi

    17:21, 25/07/2023

  • Hướng đi mới của Evergrande

    05:00, 25/03/2023

  • Cổ phiếu Tập đoàn Evergrande bị tạm ngừng giao dịch tại Hồng Kông

    10:30, 21/03/2022

  • Cơn "ác mộng" kéo dài của Evergrande

    03:07, 08/01/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chi nhánh Evergrande đệ đơn phá sản tại Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO