Chi phí vận chuyển cao hết sức vô lý, do có quá nhiều trạm thu phí trong khi hệ thống đường biển không phát huy tác dụng, doanh nghiệp kiến nghị cắt giảm chi phí vận chuyển nội địa.
Chia sẻ tại Hội nghị Giải pháp cắt giảm chi phí logistics - giải pháp tối ưu nhằm nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt do Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) tổ chức, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Minh Phú cho biết, chi phí vận chuyển nội địa quá cao đang cản đường tiêu thụ nông sản của nhiều doanh nghiệp.
Ông Quang lấy ví dụ, chi phí vận chuyển 1 container tôm từ Việt Nam sang Mỹ chỉ 41 triệu đồng, từ Việt Nam sang Nhật Bản là 15 triệu đồng thì vận chuyển 1 container tôm từ TP.Hồ Chí Minh ra Hà Nội mất 80 triệu đồng, tăng gấp đôi vận ra nước ngoài.
Tương tự, một container tôm từ TP.Hồ Chí Minh đến biên giới Trung Quốc mất 100 triệu đồng, trong khi Ecuador cũng vận chuyển sang Trung Quốc nhưng chi phí chỉ bằng một nửa.
"Đây là điều hết sức vô lý, đẩy giá thành lên cao, vì vậy ngành chức năng cần có giải pháp cắt giảm chi phí vận chuyển nội địa, do có quá nhiều trạm thu phí đã đẩy giá lên cao, trong khi hệ thống đường biển, đường sông có nhiều nhưng không phát huy tác dụng do không có cảng nội địa", ông Quang nói.
Cũng gặp khó khăn tương tự về chi phí logistics, “Vua chuối” Võ Quan Huy cho biết năm 2019, doanh nghiệp của ông xuất khẩu khoảng 14.000 tấn chuối đi Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, trong đó, chi phí logistics chiếm khoảng 30% chi phí sau thu hoạch.
"Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2020, chi phí logistics tăng tới 45%, trong đó cước tàu biển tăng tới 40% do những tác động của dịch COVID-19", ông Huy nêu một thực tế.
Cũng theo ông Huy, việc các thị trường xuất khẩu liên tục thay đổi chính sách kiểm dịch thực vật đã tác động lớn đến chi phí logistics.
"Thời gian qua Trung Quốc thay đổi quy trình kiểm dịch thực vật khiến doanh nghiệp mất thêm 5- 7% sản phẩm vì hư hỏng do thời gian chờ đợi được kiểm dịch tăng lên 12 giờ từ lúc hạ đảo chuyến đến lúc mở container kiểm hàng, đồng thời chúng tôi tốn thêm 1 – 2 triệu đồng cho 1 container. Đó là chưa kể, lượng container lạnh đủ tiêu chuẩn xuất khẩu không đủ gây nên tình trạng kẹt chờ lấy container rỗng từ 12 - 24 giờ", ông Huy cho biết thêm.
Trên thực tế, hiện, chi phí logistics chiếm trên 20% GDP trong khi các nước xung quanh chỉ ở mức 12 – 13%. Trong sản xuất nông sản, đặc biệt là những sản phẩm như rau quả, chi phí logistics đang chiếm đến 29,5%.
Đáng nói, đến nay chúng ta vẫn chưa có chiến lược và quy hoạch phát triển logistics Việt Nam, hệ thống văn bản, chính sách logistics chưa hoàn thiện vì thiếu quan điểm, định hướng dài hạn và cơ quan quản lý..., thậm chí còn không thống nhất giữa các văn bản.
Tình trạng xây dựng đường cao tốc, các tuyến quốc lộ nâng cấp, mở rộng nhưng lại không xây dựng các trung tâm logistics, các đường kết nối với hệ thống đường gom và với các phương tiện vận tải khác.
“Hệ thống công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch, phương tiện vận chuyển, kho tàng quá lạc hậu, cảng thiếu đường vào, chỉ sử dụng một loại phương tiện vận tải là ô tô do các cảng không kết nối với đường sắt, khiến chi phí logistics Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước, sản xuất sản phẩm khó tiêu thụ, ứ đọng, giá trị gia tăng thấp..., tất cả làm cho môi trường logistics Việt Nam đang là rào cản đối với sự phát triển kinh tế bền vững”, GS. TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển nhận định.
Từ thực tế đó, doanh nghiệp kiến nghị, Nhà nước, ngành chức năng có giải pháp giảm thời gian, chi phí kiểm dịch.
Đồng quan điểm, ông Trần Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, cần có quy hoạch logistics theo từng vùng, từng loại hình để thúc đẩy liên kết giữa các địa phương để hình thành các trung tâm vận chuyển, logistics hiện đại.
Có thể bạn quan tâm
05:10, 03/07/2020
21:59, 02/07/2020
08:19, 09/06/2020
21:00, 19/05/2020
11:01, 19/05/2020
13:40, 09/05/2020