Theo đánh giá xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, chỉ số thuận lợi về tiếp cận tín dụng của Việt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Ngày 20/4, Báo DĐDN - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với các đơn vị chuyên môn của NHNN tổ chức hội thảo “Cải cách thủ tục hành chính – Cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng”.
Nỗ lực cải cách thủ tục hành chính
Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, ngành ngân hàng đã có đóng góp to lớn vào ổn định kinh tế vĩ mô, cùng với đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ sự phát triển cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho thấy, môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2017 tăng 14 bậc, từ 82 lên 68. “Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Và Việt Nam hiện cũng chỉ có 2 chỉ số nằm trong top này”, TS Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Do đó, Chủ tịch VCCI khẳng định, điều mà ngành ngân hàng làm được đối với nền kinh tế còn hơn cả những con số. Hiện nay có 80% nguồn vốn tín dụng đang dành cho khu vực sản xuất kinh doanh, nguồn cung ứng tín dụng cho BOT ổn định và có xu hướng giảm.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, ở các quốc gia trên thế giới, nguồn vốn trung và dài hạn được cung ứng bởi thị trường vốn, chứ không chỉ từ ngân hàng. Trong khi đó, ở Việt Nam 55% vốn trung và dài hạn do ngân hàng cung ứng.
Theo số liệu của VCCI, trong số hơn 500.000 doanh nghiệp hiện nay ở Việt Nam, 97% là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong số này có đến 85 – 90% là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nguồn vốn ngân hàng đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 1 số doanh nghiệp gặp khó trong việc tiếp cận vốn.
Trong khi đó, trong chiến lược của các nền kinh tế APEC thì các động lực được xác định là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Cùng với đó, hai lĩnh vực được các nền kinh tế APEC đặc biệt quan tâm và xác định định là động lực, cũng phù hợp với kinh tế Việt Nam, đó là nông nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo. “Khi các nhà lãnh đạo APEC đặt hai lĩnh vực này là động lực phát triển, thì câu hỏi đầu tiên được đặt ra là vấn đề tài chính cho các khu vực này. Chính vì vậy trong Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC, chúng tôi có một nhóm nghiên cứu về tiếp cận tài chính cho nhóm đối tượng này”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Chủ tịch VCCI còn cho biết, hiện nay, trong ngôn ngữ của APEC chỉ có chữ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thậm chí có cả hộ kinh doanh, mà không còn chữ doanh nghiệp nhỏ và vừa. "Với định hướng như vậy, cần có những nỗ lực cải thiện thủ tục hành chính để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Bên cạnh đó là vấn đề cho vay lĩnh vực nông nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp. Bởi thực tế cho vay hai lĩnh vực này còn đang khó khăn", TS Vũ Tiến Lộc nói và đề nghị cần có một khung khuôn khổ pháp lý để có cơ chế phát triển 2 khu vực này, và để làm được điều đó không chỉ là trách nhiệm của ngành ngân hàng, mà còn của Quốc hội, Chính phủ.
“Gánh nặng” của các ngân hàng Việt Nam
Đồng quan điểm, TS. Đào Minh Tú – Phó Thống đốc NHNN cho biết, đánh giá khách quan của WB cho thấy, Việt Nam đã có chỉ số Tiếp cận tín dụng 29/190 quốc gia.
“Điều này có được là do chúng ta đã tạo dựng được một hành lang pháp lý để quan hệ tín dụng thực sự bình đẳng giữa doanh nghiệp và ngân hàng. Không phải là quan hệ như trước đây là một người cần đi vay và một người xem xét cho vay, mà nay là quan hệ bình đẳng giữa người cần cho vay và người xem xét để đến vay vốn”, TS. Đào Minh Tú nhấn mạnh và cho biết, hành lang pháp lý đã được thực hiện trên cơ sở Luật tổ chức tín dụng sửa đổi, Nghị quyết 42, Thông tư 39/TT-NHNN và đặc biệt là cơ chế do NHNN ban hành.
Hiện nay, hệ thống thông tin tín dụng do NHNN đang chỉ đạo điều hành có kho dữ liệu lớn, giúp đánh giá được tình hình hoạt động của doanh nghiệp, biết được lịch sự, năng lực tài chính của doanh nghiệp. Ngược lại, người đi vay cũng nắm được thông tin ngân hàng. Cùng với đó, các ngân hàng thương mại đã cung ứng rất nhiều sản phẩm đa dạng trên cơ sở cắt bỏ thủ tục rườm rà.
TS. Đào Minh Tú cho biết, xu hướng đặt ra là tăng cường minh bạch hóa các chỉ số hành chính trong tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và ngân hàng, không chỉ riêng gì các doanh nghiệp IPO, doanh nghiệp lên sàn, …
“Trên thực tế, ngân hàng Việt Nam khác với các ngân hàng trên thế giới khi đang phải gánh thêm cả nguồn lực mà đáng lẽ nguồn vốn phải giải quyết trên thị trường vốn, thị trường chứng khoán. Nhưng ở đây, thị trường tiền tệ đã và đang phải gánh chịu”, TS. Đào Minh Tú chia sẻ.