Chia xong thị trường, tài xế hết được nâng niu

BẤT NHỊ 22/08/2020 06:28

Các cuộc “biểu tình” của các tài xế công nghệ gần đây chắc chắn sẽ không phải các cuộc “biểu tình” cuối cùng.

 Hàng chục tài xế xe ôm công nghệ của ứng dụng be đã tập trung trước văn phòng hãng tại Vũ Phạm Hàm (Hà Nội) để phản đối chính sách thưởng mới. Ảnh: Pham.T.

Hàng chục tài xế xe ôm công nghệ của ứng dụng be đã tập trung trước văn phòng hãng tại Vũ Phạm Hàm (Hà Nội) để phản đối chính sách thưởng mới. Ảnh: Pham.T.

Ngày 17-8, nhiều tài xế beBike khu vực Hà Nội đã tắt ứng dụng (app) và đến văn phòng của beGroup để khiếu nại về chính sách chiết khấu và thưởng. Tuần trước, các tài xế của Now cũng tập trung trước trụ sở để phản đối chính sách điểm tích lũy mới của hãng này.

Một thời hoàng kim

Khi cuộc đua “đốt tiền” giành thị phần đến giai đoạn cuối, thị trường đã ổn định, các hãng công nghệ đã không còn mặn mà với cánh lái xe như ban đầu, chiết khấu và hoa hồng, thưởng không còn hậu hĩnh. Các hãng xe công nghệ dần cắt giảm nhiều lợi ích của cánh lái xe.

Trước đây để gia nhập và chiếm thị trường gọi xe, các hãng buộc phải tìm mọi cách thu hút tài xế. Tài xế là động lực chính để các hãng gọi xe phát triển. Tài xế có thể thu hút từ các hãng xe công nghệ khác, từ nguồn mới có thời gian rảnh rỗi,... Và để thu hút được lái xe, chiết khấu, hoa hồng và thưởng phải cao để lôi kéo được dễ dàng. Khi đó, để trở thành lái xe là một việc khá dễ dàng, chỉ cần có điện thoại thông minh và xe sau đó đăng ký với hãng xe với thủ tục cực kỳ đơn giản. 

Tháng 6 năm 2014, hãng xe công nghệ đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam (Uber). Sau Uber, hàng loạt hãng xe công nghệ xuất hiện trên thị trường Việt Nam. Làn sóng trở thành lái xe công nghệ nhanh chóng lan tràn với kỳ vọng thu nhập cao, chủ động thời gian, gia nhập dễ dàng. Không hiếm người thu nhập có thể lên tới 20 triệu một tháng.

Chính vì thu nhập cao và dễ tham gia như vậy, rất nhiều sinh viên, những người thu nhập thấp, hoặc những người nhiều thời gian đã nhanh chóng gia nhập đội ngũ xe ôm công nghệ, giúp những hãng xe công nghệ nhanh chóng có được đội ngũ lái xe hùng hậu, có mặt ở khắp mọi nơi. Người tiêu dùng gọi xe thuận tiện và rẻ sẽ giúp hãng xe nhanh chóng chiếm được thị phần. 

Quay về giá trị thực

Nhưng cuộc vui ngắn chẳng tày gang. Các hãng gọi xe công nghệ sau thời gian tăng trưởng nóng phần vì hết tiền, phần vì đã đủ lái xe, phần vì dịch bệnh, quan trọng nhất là thời điểm này thị trường phân chia xong và ổn định đã dần dần cắt giảm chiết khấu, hoa hồng. 

Sau khi đã có đủ lượng tài xế, tiền đầu tư vào thị trường giảm, dịch bệnh, đối thủ buông bỏ thị trường,... thị trường gọi xe công nghệ gần như đã phân chia xong. Các hãng xe công nghệ không còn thu hút lái xe bằng mọi giá nữa. 

Các hãng gọi xe bắt đầu cắt giảm chi phí, và khoản đầu tiên họ sử dụng là chiết khấu, hoa hồng, thưởng. Điều này dẫn đến các phản ứng liên tiếp của dân lái xe.

Đầu năm 2018, tài xế Grab, Uber đã biểu tình vì hãng giảm chiết khấu. Đến tháng 8 năm 2019 tài xế của Grab lại biểu tình vì hãng thu thuế thu nhập cá nhân. Tháng 7/2019 tài xế goviet xóa app chuyển sang grab vì hãng cắt điểm thưởng. Đến nay tháng 8/2020 nhiều tài xế beGroup đã tắt app để phản đối chính sách chiết khấu và thưởng. 

Các hãng dần dần đẩy mức thu nhập của lái xe về với giá trị vốn có của nghề. Các cuộc “biểu tình” này chắc chắn sẽ không phải các cuộc “biểu tình” cuối cùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chia xong thị trường, tài xế hết được nâng niu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO