Ngành ô tô toàn cầu đang phân hóa chiến lược điện hóa giữa đầu tư mạnh vào xe điện thuần túy và lộ trình linh hoạt kết hợp đa công nghệ.
Khi nhiều hãng xe lớn từng tuyên bố mạnh mẽ sẽ chuyển hoàn toàn sang xe điện trong vòng một hoặc hai thập kỷ tới, thì BMW lại đi một hướng khác. Hãng xe Đức không chọn cách "tất tay" với xe điện mà chủ động giữ lại nhiều phương án: từ xe chạy xăng, dầu, đến hybrid, xe điện và cả hydro. Đối với BMW, tương lai di chuyển bền vững không nhất thiết phải đồng nghĩa với việc tất cả đều chạy bằng pin.
Tại cuộc họp cổ đông thường niên năm 2025, CEO Oliver Zipse một lần nữa khẳng định cách tiếp cận này khi gọi chiến lược chỉ tập trung vào xe điện là “ngõ cụt”. Theo ông, chính sách "đơn lối" như vậy không phản ánh đúng thực tế thị trường: “Sự khác biệt là quá lớn, ngay cả trong nội bộ châu Âu”, ông dẫn chứng bằng ví dụ: năm ngoái, xe điện và hybrid chiếm hơn 60% thị phần tại Bỉ nhờ ưu đãi, trong khi ở Ý chỉ đạt khoảng 4%. Với BMW, điều quan trọng không phải là chạy theo một loại công nghệ, mà là giảm CO2 hiệu quả và thực tế hơn.
Chiến lược này có vẻ đang mang lại kết quả bước đầu. Trong quý I/2025, các mẫu xe điện hóa chiếm hơn 25% doanh số toàn cầu của hãng, trong đó gần 1/5 là xe thuần điện. BMW cũng đang phát triển mẫu xe chạy bằng hydro thương mại đầu tiên, dự kiến ra mắt năm 2028 với sự hợp tác của Toyota, một đối tác lâu năm trong mảng công nghệ sạch.
BMW từng bị đánh giá là "chậm chân" trong cuộc đua xe điện so với các đối thủ như Tesla hay Hyundai. Hãng không có các mẫu EV mang tính biểu tượng như Model 3 hay Ioniq 5. Tuy nhiên, thay vì chạy đua theo số lượng mẫu mã EV ra mắt mỗi năm, BMW lựa chọn cách "đi chậm mà chắc", phát triển sản phẩm phù hợp với từng khu vực, từng nhóm khách hàng. Đây là một lựa chọn có phần thực dụng, khi xét đến sự khác biệt về hạ tầng sạc, chi phí pin và mức độ hỗ trợ chính sách giữa các quốc gia.
Trong bối cảnh ngành ô tô toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ, nhiều hãng xe lớn đang điều chỉnh chiến lược điện hóa theo hướng linh hoạt và thực tế hơn. Mercedes-Benz từ năm 2025 sẽ dừng sử dụng tên dòng EQ, quay lại hệ thống đặt tên truyền thống với hậu tố “EQ Technology”, đồng thời chính thức từ bỏ chiến lược chỉ sản xuất xe điện, chuyển sang phát triển song song cả xe điện và xe dùng động cơ đốt trong đến cuối thập kỷ.
Tương tự, Volkswagen cũng điều chỉnh cách tiếp cận khi dự kiến loại bỏ tiền tố “ID” trên các mẫu xe điện từ năm 2026 để tránh gây nhầm lẫn, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng nền tảng MEB Plus và pin LFP nhằm giảm chi phí, tăng độ bền và cải thiện tính cạnh tranh trong bối cảnh nhu cầu xe điện đang chững lại ở nhiều thị trường.
Bên cạnh đó, Toyota tiếp tục duy trì chiến lược phát triển đa hướng, linh hoạt theo từng thị trường. Dù từng đặt mục tiêu bán 1,5 triệu xe điện vào năm 2026, hãng hiện đang xem xét điều chỉnh con số này dựa trên nhu cầu thực tế và diễn biến thị trường. Tại châu Âu, Toyota vẫn giới thiệu mẫu C-HR+ chạy điện, trong khi ở Việt Nam, hãng lại ưu tiên đẩy mạnh các dòng hybrid, được xem là lựa chọn trung gian hợp lý trong bối cảnh hạ tầng sạc chưa phát triển và thu nhập người tiêu dùng còn hạn chế. Cách tiếp cận này cho thấy Toyota không theo đuổi một lộ trình điện hóa cứng nhắc, mà tập trung vào giải pháp phù hợp với điều kiện cụ thể của từng thị trường.
Có thể thấy, các hãng xe không còn đi theo một lộ trình điện hóa giống nhau, mà đang chia thành hai xu hướng rõ rệt. Một số hãng chọn cách đặt cược mạnh mẽ vào xe điện thuần túy, đầu tư sâu vào nền tảng chuyên biệt và công nghệ pin, với kỳ vọng sẽ chiếm lĩnh thị trường sớm khi xu hướng xe không phát thải trở thành chuẩn mực toàn cầu. Đây là hướng đi mang tính tiên phong, nhưng cũng đối mặt với không ít rủi ro khi hạ tầng sạc và hành vi tiêu dùng vẫn đang trong quá trình thích nghi.
Số còn lại lại theo đuổi chiến lược linh hoạt và thận trọng hơn, tiếp tục duy trì và cải tiến các dòng xe động cơ đốt trong hoặc hybrid song song với phát triển xe điện. Nhóm này đặt mục tiêu thích ứng với thực tế thị trường từng khu vực, tránh những cú “chuyển làn” quá gấp khi các yếu tố nền tảng chưa sẵn sàng. Tuy nhiên, sự thận trọng ấy cũng đi kèm nguy cơ bị chậm chân nếu thị trường điện hóa tăng tốc nhanh hơn dự báo.
Rõ ràng, ngành ô tô toàn cầu đang ở giai đoạn bản lề, nơi không có một chiến lược cố định nào là đúng cho tất cả. Sự khác biệt trong cách tiếp cận phản ánh bài toán cân bằng giữa tốc độ đổi mới và tính bền vững, thứ sẽ quyết định vị thế của mỗi hãng trong cuộc đua chuyển đổi dài hạn.