Chiến lược marketing siêu đẳng của Kpop

HẢI VY 19/10/2020 05:08

Hallyu - làn sóng văn hóa Hàn Quốc bắt đầu từ những năm 1980 - đã gây nên cơn sốt trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là âm nhạc (Kpop).

Đến hôm nay, Kpop chính thức xâm chiếm nền công nghiệp âm nhạc thế giới bằng những thành tích ấn tượng của BTS trên BXH Billboard Hot 100. Với dân marketing, sự thành công của Kpop là nguồn tài liệu rất đáng cân nhắc, với 5 tuyệt chiêu marketing có thể áp dụng mọi nơi, mọi lĩnh vực.

1. Hình thành cộng đồng fan vững mạnh

Fandom - cộng đồng fan - là nét văn hóa rất điển hình của Kpop. Tính đến thời điểm hiện tại, BTS là nhóm nhạc Kpop sở hữu fandom vững mạnh nhất với tên gọi ARMY. Họ tổ chức các hoạt động riêng cho fan, đồng thời dành tặng nhiều ưu đãi như thẻ thành viên, quyền đặt trước vé concert,... cho các thành viên ARMY chính thức. Ngược lại, ARMY tự nguyện quảng bá concert, thực hiện các chiến dịch từ thiện dưới tên BTS một cách miễn phí. Fandom vững mạnh chính là lý do giúp BTS trở thành boyband nổi tiếng nhất thế giới.

Tương tự vậy, nếu doanh nghiệp có thể xây dựng được thương hiệu riêng biệt, tạo nên một cộng đồng khách hàng trung thành, thì doanh nghiệp sẽ thành công. Một khi khách hàng đã thích sản phẩm của doanh nghiệp, họ sẽ sẵn sàng giúp doanh nghiệp quảng bá một cách miễn phí

2. Marketing khôn khéo trên mạng xã hội

Các sao Kpop sử dụng mạng xã hội khá nhiều, điển hình như Youtube, Instagram, Twitter hoặc Facebook. Tuy nhiên, đa số tài khoản MXH của sao đều bị ảnh hưởng/quản lý từ nhân viên công ty, khiến cho các bài đăng đều nghiêm túc và không cảm xúc.

Ngược lại, BTS sử dụng MXH với phong cách gần gũi hơn. Các thành viên dùng chung một tài khoản Twitter, do đó cả nhóm có thể trực tiếp tương tác với fan. Các bài đăng mang tính thân mật, giản dị, với những bức ảnh phong cách thời trang, cuộc sống hằng ngày. Họ cũng sử dụng các ứng dụng MXH Hàn Quốc khác, chẳng hạn Weverse, để chọc ghẹo lẫn nhau; hoặc VLIVE để tường thuật cuộc sống hằng ngày. Tất cả khiến fan cảm nhận được sự chân thực và gần gũi của thần tượng.

Nguyên lý tương tự cũng nên được áp dụng trong việc quảng bá thương hiệu. Hãy “nhân hóa” thương hiệu, khiến thương hiệu trở nên sống động, gần gũi và kết nối tốt hơn với khách hàng.

3. Thể hiện trách nhiệm xã hội

Ngoài cộng đồng fan lớn mạnh và hàng loạt giải thưởng lớn nhỏ, BTS còn ghi dấu ấn với những hoạt động xã hội tích cực. Họ thực hiện các chiến dịch ngăn chặn bạo lực, cải thiện sức khỏe tinh thần,... trong cộng đồng fan của mình, khởi động chương trình phi lợi nhuận BTS Spark hướng đến những nhà lãnh đạo giáo dục,...

Những hành động này giúp BTS không chỉ giúp đỡ fandom của chính mình, mà còn tạo được thiện cảm trong cộng đồng, nâng cao danh tiếng vượt ra khỏi lĩnh vực âm nhạc.

Tương tự vậy, khi doanh nghiệp thực hiện hiệu quả những hoạt động vì xã hội, danh tiếng của doanh nghiệp sẽ vượt ra ngoài phạm vi lĩnh vực hoạt động, đem đến rất nhiều thiện cảm từ cộng đồng.

4. Miễn phí tài liệu bản quyền cho fan

Có hàng trăm hàng triệu nội dung về Kpop trên MXH, với những chủ đề đa dạng như bí quyết thời trang sao Kpop, các sự kiện mới, các buổi ghi hình trực tiếp,... Các fan thường không lo lắng vấn đề bản quyền. Họ có thể thoải mái chia sẻ hình ảnh, nội dung về thần tượng của mình, chia sẻ với góc nhìn cá nhân, đăng tải công khai trên các trang MXH, thậm chí quay hình - ghi âm các buổi concert.

Với cách thức này, các nhóm nhạc Kpop có thể thu hút sự chú ý của công chúng, nâng cao thương hiệu bản thân và tạo nên cộng đồng fan lớn mạnh. Những điều này sẽ đem đến nguồn doanh thu lớn từ bán vé concert, bán các món hàng liên quan như áo, mũ,...Nói cho cùng, nghệ sĩ Kpop đều biết fan làm ra những nội dung này là vì tình yêu và sự ngưỡng mộ. Vậy nên sao phải khắt khe với fan?

Doanh nghiệp cũng có thể áp dụng nguyên tắc tương tự. Nếu khách hàng thực sự thưởng thức và yêu thích các hoạt động/hình ảnh/nội dung của doanh nghiệp, hãy cho phép họ sử dụng miễn phí. Ngược lại, họ sẽ giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu và xây dựng cộng đồng khách hàng lớn mạnh hơn.

5. Sử dụng kỹ thuật gamification marketing

Trong marketing, gamification là việc ứng dụng những cơ chế trò chơi (như kỹ thuật, cách thức, luật chơi,...) vào các hoạt động để thu hút tương tác. Tại Kpop, những hình thức gamification nổi tiếng như:

  • Các cuộc thi dựa vào bầu chọn của fan
  • Các ngôi sao Kpop xuất hiện trong chương trình thực tế
  • Các website, diễn đàn, ứng dụng về Kpop

Một website về Kpop rất nổi tiếng là Allkpop, với hàng triệu lượt view mỗi tháng. Website này sử dụng cách thức tích điểm và huy hiệu để kích thích người xem bình luận, chia sẻ, nhấn like,...

Với những kỹ thuật gamification này, website sẽ có lượt truy cập cao hơn, xây dựng cộng đồng người theo dõi lớn hơn và tạo nên những trải nghiệm thú vị hơn.

Tương tự vậy, nếu doanh nghiệp muốn tăng tương tác của người dùng, hãy sử dụng những kỹ thuật gamification này, từ đó cải thiện traffic cho website.

Lời kết

Kpop là ngành công nghiệp âm nhạc không sử dụng tiếng Anh, nhưng họ đã chinh phục được người phương Tây. Ngoài tài năng của các ngôi sao, thì những chiến lược marketing trên đây cũng quan trọng không kém. Nếu Kpop đã thành công như vậy, thì cớ gì doanh nghiệp lại không áp dụng để đạt được những thành công cho riêng bản thân mình?

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chiến lược marketing siêu đẳng của Kpop
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO