Nhiều khách sạn đang nỗ lực biến mình thành một điểm đến, điểm tụ họp của dân du lịch chứ không đơn thuần là nơi chỉ để ngủ, nghỉ ngơi nữa.
Xu hướng này có thể gọi là xu hướng “khách sạn phong cách sống”. Ở đó, các khách sạn mang đến nhiều hoạt động để khách nghỉ tương tác với nhau, chứ không chỉ cung cấp nơi để ngủ.
Trong thời kỳ du lịch đang ngày càng hồi phục sau giai đoàn đại dịch và dần trở nên quá tải ở nhiều nơi, kéo theo nhiều khách sạn mới được khai trương thì sự cạnh tranh trong thị trường lưu trú đã trở nên gay gắt. Các ông chủ khách sạn “có cá tính” bắt đầu nghĩ ra những điểm độc đáo để thu hút du khách.
Tuần trước, công ty dịch vụ khách sạn Singapore Ascott vừa khai trương khách sạn phong cách sống có tên là lyf tại Shibuya Tokyo. Chỉ cách ga tầu trung tâm Shibuya bảy phút đi bộ, khách sạn có đồ trang trí đầy màu sắc lấy cảm hứng từ kính vạn hoa. 200 phòng của khách sạn chủ yếu phục vụ cho khách lưu trú một mình hoặc hai người, với giá khởi điểm từ 24.000 yên (156 đô la) một đêm chưa kể thuế.
Một trong những đặc điểm chính của khách sạn là đội ngũ nhân viên chịu trách nhiệm tạo điều kiện cho sự tương tác giữa các vị khách. Các sự kiện thường được tổ chức đặc biệt cho mục đích đó. Ví dụ như hội thảo nghệ thuật thủy tinh rêu và nhiếp ảnh mới được tổ chức. Các sự kiện này cũng mở cửa cho những người không phải là khách.
“Xét về mặt doanh thu hoặc lợi nhuận, những điều này có thể không cần thiết. Nhưng chúng tôi coi chúng là thiết yếu khi xem xét vai trò xã hội của một khách sạn”, Eri Inoue, người giám sát bộ phận lyf tại Ascott Nhật Bản cho biết.
Nhiều khách sạn cũng bắt đầu ứng dụng các ý tưởng tương tự. Ví dụ, ở Kawasaki, một thành phố giáp ranh với Tokyo, khách sạn có máy chiếu trong mỗi phòng đã trở nên phổ biến.
Các khách sạn phong cách sống này cũng có không gian chung bao gồm bếp chung (một đặc điểm hiếm có ở hầu hết các khách sạn) được thiết kế để khuyến khích du khách tương tác với nhau.
Mặc dù các nhà nghỉ giá rẻ, các homestay cũng có những đặc điểm là có những khu vực để khách tương tác với nhau, nhưng cách bố trí giường tầng ký túc xá hay tiện nghi chung lại không đáp ứng được các yêu cầu cao về sự riêng tư. Ở các khách sạn phong cách sống, sự riêng tư vẫn được đảm bảo với các phòng riêng trong khi giao tiếp giữa các khách được khuyến khích. Một sự “lai”, nằm giữa của khách sạn và nhà nghỉ.
Công ty lyf cho biết họ sẽ mở nhiều các khách sạn phong cách sống hơn nữa trong thời gian tới.
Một khách sạn theo phong cách sống có tên là Slash Kawasaki, tọa lạc tại thành phố tỉnh Kanagawa, cũng thúc đẩy sự tương tác của khách. Khách sạn cung cấp bia miễn phí tại sảnh đợi như một cách giúp khách hòa nhập. Nhân viên được khuyến khích thân thiện và dễ gần và phần lớn khách ở độ tuổi từ 20 đến 30.
Khách sạn cũng sử dụng công nghệ để làm phong phú thêm thời gian của khách trong phòng. Mỗi phòng đều có iPhone, giường ngả và máy chiếu, biến chúng thành rạp chiếu phim riêng. Bữa sáng có thể được đặt trước trên điện thoại thông minh và được chế biến tại nhà hàng trong mười phút. “Chúng tôi muốn mang đến trải nghiệm lưu trú đầy bất ngờ và khám phá”, một phát ngôn viên của khách sạn cho biết.
Việt Nam cũng có một số đơn vị lưu trú có mô hình hoạt động gần tương tự. Ví dụ có một khu nghỉ ở miền Tây, khách đến là mặc định được tham gia sinh hoạt các hoạt động đặc trưng của vùng đó như là bơi sông, đi ghe vào rừng tràm. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là những đơn vị lẻ tẻ và chưa có mô hình nào thực sự lấy tương tác làm trung tâm như các khách sạn phong cách sống kể trên. Đó có thể là một gợi ý cho các khách sạn, nhà nghỉ, homestay có thêm một hướng để làm lợi điểm cạnh tranh trên thị trường.