Với Dự thảo “Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, chuyên gia cho rằng cần làm rõ hơn về định hướng phát triển vận tải đa phương thức.
>>>Chiến lược phát triển Logistics Việt Nam: Phát triển doanh nghiệp "đầu đàn"
Như DĐDN đã đưa tin, Bộ Công Thương đang xin ý kiến đối với Dự thảo “Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Theo ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, dự thảo Chiến lược cần chỉ rõ phương pháp, cách thức để thúc đẩy việc nhanh chóng ứng dụng công nghệ số trong logistics, tạo đột phá cho logistics Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực vận tải hiện chiếm 60 - 70% chi phí và lộ trình thực hiện.
Bên cạnh đó, cần làm rõ hơn về định hướng phát triển vận tải đa phương thức; xác định cụ thể địa phương nào có đủ lợi thế để phát triển thành các trung tâm dịch vụ logistics của quốc gia, đóng vai trò kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế.
“Cần nhấn mạnh vai trò của vận tải đường sắt, theo đó, đây cũng là hình thức vận tải cạnh tranh và cần đưa vào dự thảo Chiến lược để giảm rủi ro trong vận tải biển trong trường hợp hình thức vận tải này gặp vấn đề như tình hình kênh đào Suez hay, vấn đề Biển Đỏ trong thời gian vừa qua”, ông Phạm Hoài Chung cho hay.
Đồng thời, cần tính toán số liệu về phát triển nguồn nhân lực logistics, nhất là nhân lực chất lượng cao, chuyên nghiệp với kiến thức, kỹ năng quản lý, ứng dụng công nghệ, trình độ ngoại ngữ,… theo chuẩn mực quốc gia, khu vực và thế giới đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu, rộng.
"Bổ sung nghiên cứu về các hành lang Đông – Tây, bởi hiện đang khá mờ nhạt. Chúng ta có bờ biển dài, cần có chiến lược gắn kết các hành lang này trong quá trình phát triển logistics", ông Phạm Hoài Chung lưu ý.
>>>Dự thảo Chiến lược phát triển Logistics Việt Nam: Cụ thể hơn ưu đãi cho doanh nghiệp
Trong khi đó, bà Bùi Linh Chi, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh tới việc hợp tác công – tư trong phát triển hạ tầng logistics.
Theo đó, với các giải pháp chiến lược đưa ra, cụ thể như để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào dịch vụ logistics chiến lược cần đưa các chính sách cụ thể hơn, như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, vốn vay ưu đãi…
Bên cạnh đó, bà Chi cho rằng, trong điều kiện nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước đang ngày càng hạn chế, Chiến lược nên khuyến khích các hoạt động hợp tác công – tư và tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư hạ tầng logistics.
Đối với phát triển thị trường logistics, dự thảo đưa ra giải pháp “xây dựng chính sách hỗ trợ ưu đãi về thuế, vốn, tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp dịch vụ logistics”, song việc hỗ trợ này sẽ dành cho toàn bộ doanh nghiệp hay chỉ một bộ phận doanh nghiệp logistics đáp ứng một số điều kiện cụ thể… Bà Chi cho rằng Chiến lược cần làm rõ để tránh tình trạng một quy định hiểu theo nhiều nghĩa. Đồng thời hy vọng Chiến lược tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp logistics cùng tham gia.
Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp logistics tham gia vào lĩnh vực chuyển đổi xanh, áp dụng khoa học và công nghệ.
“Hơn nữa còn thiếu vắng vai trò của ngân hàng trong hỗ trợ phát triển lĩnh vực logistics. Cần xác định lĩnh vực logitics nào là thế mạnh, trọng tâm của Việt Nam, từ đó có chương trình hỗ trợ đẩy mạnh phát triển tạo đà phát triển chung cho toàn ngành logistics...”, đại diện Ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
03:00, 10/02/2024
01:05, 08/02/2024
06:00, 27/01/2024
16:00, 24/01/2024
12:01, 24/01/2024