Niềm vui thoát khỏi vùng nguy hiểm vừa qua thì nỗi lo tới liền hiện hữu, sắp tới phải làm gì, làm như thế nào để ổn định, duy trì cuộc sống.
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã bước sang ngày thứ 22, cả hai bên đều gia tăng mức độ, cường độ giao tranh, sự khốc liệt của cuộc chiến ngày càng leo thang, chưa hề có dấu hiệu giảm nhiệt. Đàm phán đi vào ngõ cụt, bế tắc đến từ cả hai phía, khi chưa thể tìm được tiếng nói, hướng giải quyết chung.
Bài học từ lịch sử cho thấy chỉ bên nào dành ưu thế tuyệt đối trên chiến trường, mới có quyền ra điều kiện trên bàn đàm phán. Nên với cục diện như hiện nay, khó có thể dự đoán được hồi kết của cuộc xung đột này. Trái với dự đoán, quân đội Nga không ồ ạt tấn công đồng loạt, mà sử dụng chiến thuật “trăn quấn, vây lấn” mở lối cho dân thường di tản, sau đó mới tiến công, phá hủy.
Cuộc chiến không có cách nào kết thúc nhanh chóng được với hiện trạng chiến trường như bây giờ. Tiếp đó sau cuộc chiến, việc tái thiết, xây dựng lại thể chế chính trị, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo người dân được sống yên ổn làm ăn, còn là câu chuyện rất dài.
Trên 8.000 Việt kiều sinh sống, học tập, lao động ở Ukraine, những người mà coi Ukraine là quê hương thứ hai nhận ra ngày trở lại căn nhà của mình là ngày vô hạn định.
Tuy đáng buồn nhưng sự thật số Việt Kiều tại Ukraina phần lớn ra đi từ những vùng quê nghèo khó, đem sự cần cù chịu khó xây dựng giấc mơ đổi đời cho mình, giúp đỡ, san sẻ gánh nặng kinh tế cho đại gia đình. Công việc mà họ lựa chọn phần lớn là lao động phổ thông, buôn bán nhỏ… Tầng lớp tinh hoa đi học tập, nghiên cứu, kinh doanh chỉ chiếm một phần rất nhỏ.
Chiến sự bùng nổ, dòng người tị nạn tránh chiến tranh di tản đến các nước láng giềng, ngoài những người khỏe mạnh còn có cả người già, trẻ nhỏ, bệnh nền, phụ nữ… Nhờ sự quan tâm từ lãnh đạo cấp cao của nhà nước, sự chung sức đồng lòng từ doanh nghiệp, hội nhóm, cá nhân, họ đã được lên chuyến bay nghĩa tình đồng bào về với bình an nơi đất mẹ. Bên cạnh đó, có người vẫn cố bám trụ lại hy vọng có ngày được quay lại làm việc, kiếm sống dù hết sức mong manh.
Các nước châu Âu cho tị nạn chiến tranh cũng chỉ mang tính tạm thời, việc nhập tịch, kiếm việc làm tại các vùng đất mới là việc vô cùng khó khăn. Nếu không đầy đủ điều kiện, giấy tờ hợp pháp cùng sự bảo lãnh của người thân, nguy cơ bị trục xuất, không có trợ cấp, việc làm... là điều có thật.
>>Chiến sự Nga - Ukraine: Máu đỏ, da vàng xin đừng rơi trên tuyết trắng
Tương lai của Việt Kiều Ukraine bây giờ cũng mờ mịt chả khác nào màu màn khói bốc lên từ các đám cháy của các tòa nhà, nhà máy nơi họ từng làm việc. Quân đội Nga khép chặt vòng vây, coi những người ở lại là có tư tưởng chống đối, nên thẳng tay nã pháo, ném bom, bắn tên lửa…, biến thành phố trở thành đống đổ nát. Cơ sở hạ tầng bị tàn phá, chung cư, căn nhà ấm áp ngày nào thành đống hoang tàn lạnh lẽo trên tuyết lạnh. Của cải, tài sản của bao nhiêu năm làm lụng, dành dụm “một bàn tay đầy, hai bàn tay vơi”’ của Việt Kiều tan tành theo tiếng nổ của đạn bom.
Niềm vui thoát khỏi vùng nguy hiểm vừa qua thì nỗi lo tới liền hiện hữu, sắp tới phải làm gì, làm như thế nào để ổn định, duy trì cuộc sống khi mà vừa từ cõi chết trở về, nụ cười chưa kịp tắt, nỗi lo đọng thành hình trong mắt, hằn lên nếp nhăn trên trán Việt kiều.
Khi bế tắc cả đường đi lẫn nẻo về, có lẽ chỉ quê hương là nơi giang rộng vòng tay đón đợi, tiếp nhận cho Việt Kiều Ukraine. Ở đó còn gia đình, người thân chấp nhận mở lòng đón người con xa trở lại, dù thất bại hay thành công. Lòng bao dung sẽ xóa nhòa các khoảng cách, lẫn cả bất đồng.
Có lẽ từ lúc này, sau khi các hoạt động giải cứu, hỗ trợ, thiện nguyện qua đi, điều Việt kiều cần là bản kế hoạch với hành động cụ thể chi tiết có thể tạo được công ăn, việc làm, tạo ra hướng đi dài hơi, ổn định cho dòng người tị nạn vừa khốn khổ thoát ra khỏi cuộc chiến tranh. Hỗ trợ, cứu trợ bên cạnh các hoạt động ngay tức thời thì còn cần sự dài hơi ổn định cuộc sống, giúp vơi đi nỗi khiếp sợ chết chóc, cùng nỗi lo khi chỉ còn có đôi bàn tay trắng.
Tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” tốt đẹp, quý báu của dân tộc xin hãy hóa thành các hành động cụ thể. Ổn định chỗ ở, hỗ trợ giới thiệu công ăn việc làm, phát huy khai thác hết được thế mạnh của Việt kiều khi về nước làm ăn, là bài toán đặt ra cho các cấp lãnh đạo, chính quyền.
Ra đi là lựa chọn còn trở về là tình thế, hãy làm cho tình thế chuyển thành cơ hội, động lực, nguồn lực xây dựng đất nước. Hãy để cho Việt Kiều trở về từ Ukraine có cơ hội để cống hiến cho tổ quốc, xây dựng Việt Nam giàu mạnh, to đẹp bằng vốn kiến thức, kinh nghiệm quý giá tích lũy được từ nước ngoài.
Cuộc sống nhiều khi như con sóng trên măt biển, nhấp nhô lên xuống theo hình vòng cung, “tái ông mất ngựa”, ở đời phúc họa nối tiếp nhau “trong nguy có cả cơ”. Những Việt Kiều từ Ukraine trong tương lai rất có thể lại có những đóng góp cống hiến cho thành tựu xây dựng đất nước. Có thể Việt Nam sẽ lại có thêm những tỉ phú như Phạm Nhật Vượng - người từng bắt đầu khởi nghiệp từ Nga và Ukraine.
Nguyện cầu cho cuộc chiến mong chóng kết thúc, trả lại hòa bình, bình an cho nhân loại.
Có thể bạn quan tâm
06:22, 16/03/2022
05:15, 16/03/2022
04:30, 16/03/2022
09:59, 15/03/2022
05:15, 15/03/2022
03:23, 15/03/2022
01:16, 15/03/2022
10:15, 14/03/2022
04:22, 14/03/2022
02:36, 14/03/2022
04:55, 13/03/2022
04:00, 13/03/2022
03:11, 11/03/2022
01:47, 11/03/2022