Tinh thần 30/4 đang cổ vũ chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay.
>>Hào khí Ngày thống nhất đất nước
PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính chia sẻ với DĐDN nhân Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).
-Ngày 30/4 là một mốc son chói lọi, ngày đánh dấu đất nước Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới. Ông có thể chia sẻ về ngày lịch sử trọng đại này?
Ngày 30/4 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là biểu tượng sáng ngời của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ của con người Việt Nam.
Với mỗi người Việt Nam, ngày 30/4/1975 là một ngày lịch sử trọng đại. Đó là ngày mà chiến tranh dần đi vào dĩ vãng, đất nước sạch bóng thù xâm lược, hoà bình trở lại trên đất nước Việt Nam. Ngày 30/4 là ngày hoà hợp dân tộc, từng gia đình và cả dân tộc sum họp dưới mái nhà Việt Nam, người một nước cùng nhìn về một hướng, cùng chung một con đường.
Hoà hợp dân tộc đã hoá giải xung đột, xoá bỏ hận thù, giải phóng nội lực để cùng nhau bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên hoà bình, thống nhất, độc lập, tự do cùng đi lên Chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Có trải qua những năm tháng chiến tranh, chứng kiến cảnh đất nước hai miền chia cắt mới thấy ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30/4, mới cảm nhận hết giá trị của những năm tháng hoà bình và sự thống nhất, toàn vẹn Tổ quốc. Vì cuộc sống hoà bình và toàn vẹn lãnh thổ mà cả dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến 30 năm.
Chiến tranh càng lùi xa, chúng ta càng gìn giữ và phát huy tối đa giá trị tinh thần mà ngày chiến thắng 30/4 mang lại, để dân tộc mãi mãi hoà bình và thịnh vượng. Tinh thần 30/4 đang cổ vũ chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay. Ý chí quyết chiến quyết thắng thôi thúc chúng ta không cam chịu cảnh nghèo nàn lạc hậu, chậm phát triển.
>>47 NĂM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC: Mạch nguồn của người Việt
>>47 NĂM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC: Nội lực niềm tin
- Thống nhất, hòa bình và ổn định đã mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội hợp tác quốc tế, thưa ông?
Hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, làm tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tranh thủ được khối lượng lớn vốn đầu tư, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý và các nguồn lực quan trọng khác, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao dân trí và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Việc thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới sẽ tạo ra cơ hội mở rộng, đa dạng hóa thị trường với mức ưu đãi cao, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, mạng lưới sản xuất toàn cầu, góp phần tích cực vào quá trình đổi mới đồng bộ và toàn diện, khơi dậy tiềm năng của đất nước và sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao trình độ phát triển, giảm dần tỉ trọng gia công lắp ráp của nền kinh tế.
Nước ta cũng có cơ hội tham gia chủ động và sâu hơn vào quá trình định hình và cải cách các định chế, cơ chế, cấu trúc khu vực và quốc tế có lợi cho ta và có điều kiện thuận lợi để đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm độc lập, tự chủ, củng cố và duy trì môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội để phát triển mạnh hơn, sáng tạo hơn và có sức cạnh tranh hơn. Người tiêu dùng có thêm cơ hội lựa chọn hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao, giá cả cạnh tranh, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, môi trường.
- Đất nước đã hội nhập sâu, rộng với nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, đi cùng cơ hội sẽ là thách thức, vậy theo ông cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp cần phải làm gì để tận dụng tốt cơ hội và vượt qua thách thức?
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với nền kinh tế đang được xếp hạng cao trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế toàn cầu khó khăn và đầy thách thức hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong tương lai.
Một số điều kiện bất lợi có thể gặp phải bao gồm giảm nhu cầu và khó khăn trong nhập khẩu nguyên liệu, cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ trong khu vực và trên thế giới, cùng với các rủi ro liên quan đến thị trường tài chính và biến động giá cả.
Các doanh nghiệp Việt Nam có thể vượt qua những thách thức này bằng cách tập trung vào các lĩnh vực có thể tăng trưởng trong thời gian tới, như sản xuất các sản phẩm tiêu dùng và dịch vụ có nhu cầu cao, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy đầu tư nước ngoài.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng có thể đầu tư vào công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh để cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng hiệu quả sản xuất. Điều này có thể đóng góp vào việc giảm chi phí sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn và nhiều thách thức, dự báo về nhu cầu vốn của các doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp, quy mô và mức độ phát triển, cũng như các chính sách hỗ trợ và điều kiện thị trường.
Dù bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai vẫn được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng để đáp ứng yêu cầu của việc mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, cũng như mở rộng thị trường và đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.
Để đáp ứng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trong tương lai, Chính phủ cần tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và các chính sách hỗ trợ phù hợp để họ có thể tiếp cận được các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần phải nâng cao năng lực quản lý tài chính và sử dụng vốn hiệu quả để tăng cường sức cạnh tranh và phát triển bền vững trong tương lai.
-Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
11:00, 30/04/2023
21:13, 24/04/2023
16:00, 30/04/2022
15:00, 30/04/2022
14:30, 30/04/2022