Cách đây mấy hôm, Tổng thống Mỹ - Donald Trump ký biên bản ghi nhớ áp thuế nhập khẩu lên số hàng hóa trị giá tới 60 tỷ USD của Trung Quốc. Một ngày sau, thuế nhập khẩu với nhôm thép toàn cầu vào Mỹ bắt đầu có hiệu lực. Cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố áp thuế nhập khẩu với 3 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Động thái trả đũa được đôi bên ban ra nhanh chóng, đủ để xảy ra cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế số 1 và số 2 thế giới. Nhật báo lớn nhất Trung Quốc, tờ China Daily bồi thêm, nước này đang tiến hành nghiên cứu về danh sách các hàng hóa nhập khẩu khác của Mỹ bị áp thuế, bao gồm máy bay, chíp máy tính và ngành du lịch.
Chiến tranh thương mại thường hay xảy ra giữa hai hoặc nhiều nền kinh tế có thực lực, nguyên nhân có thể bắt nguồn từ chính trị, văn hóa hoặc một scandal ngoại giao nào đó khiến bất đồng leo thang.
Con bài "ẩm" của chiến tranh thương mại là thuế - chiêu thức mà D.Trump đang dùng, ngoài thuế còn một con át chủ khác là đặt hạn ngạch (quota).
Chiến tranh thương mại mang lại lợi ích gì cho các nước tham chiến? Xét đại cục chẳng ai có lợi, vì bản chất nó cũng là một cuộc chiến phi súng đạn, tất cả đều thất bại. Vì sao? Hoa Kỳ có thể "đánh" cao hơn 30% thuế vào hàng Trung Quốc, nhưng không thể thu lợi từ đó để bù đắp thiệt hại của những ngành công nghiệp trong nước bị phụ thuộc vào nguyên liệu Trung Quốc.
Năm 2002, Tổng thống Bush "đánh" vào thép nhập khẩu mức thuế 8-30%, lập tức xe hơi, đồ uống Mỹ tăng giá vì bị đội giá thép nguyên liệu đầu vào. Ở mặt trận ngoại giao, Mỹ bị các đồng minh thân cận sản xuất thép từ Châu Âu, Nhật Bản lên án chỉ trích. Và hệ quả, những đơn hàng với Boeing bị thay bằng Airbus, doanh số Iphone tại thị trường đông dân nhất thế giới bị suy giảm, các nước ngưng gửi du học sinh đến Mỹ.
Ngoài ra còn có những tác động lên thị trường lao động. Theo ước tính thuế suất mà Bush áp dụng đã khiến các ngành sử dụng thép nhập khẩu mất đi từ 26.000 đến 200.000 việc làm. Chính sách bảo hộ ngành thép trong những năm 1970 khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả thêm 290.000 USD để bù đắp chi phí tăng thêm để có thể giữ được 1 việc làm.
Đương nhiên, chiến tranh thương mại là cuộc chơi xa xỉ của giới nhà giàu, hay nói cách khác, không phải nền kinh tế nào cũng đủ trình tham chiến. Và cùng có một nguyên tắc là phải phụ thuộc nhau theo tỉ lệ càng lý tưởng càng tốt, tức là: 50-50.
"Vạ lây" của chiến tranh thương mại luôn đổ lên các nước nghèo, nhất là các nước có xu hướng nhập siêu. Ví dụ Việt Nam, nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung càng kéo dài càng bất lợi cho kinh tế Việt Nam. Điều đầu tiên có thể thấy rõ là nhiều mặt hàng tiêu dùng xuất xứ từ Trung Quốc có nguồn gốc nguyên liệu từ Mỹ sẽ tăng tăng giá.
Xung đột thương mại Mỹ - Trung khó xảy ra vì hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới này vẫn rất cần nhau. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Mỹ, ngược lại Mỹ là thị trường mà Trung Quốc đang xuất siêu. Nhiều công ty lớn của Mỹ đang tận dụng tốt nguồn nhân lực tại Trung Quốc, hàng trăm tỷ đô la của Trung Quốc đang tìm đường đầu tư vào Mỹ…
Tờ China Daily cho biết Trung Quốc đang xem xét điền thêm các danh mục hàng hóa như máy bay, chip máy tính vào "danh sách đen". Nhưng có một điều, Trung Quốc sẽ phải vật lộn để tìm nguồn khác khi mà những món hàng nông nghiệp và công nghệ cao từ trước tới nay nước này vẫn nhập từ Mỹ. Hay các bộ phận thay thế cho một chiếc máy bay Boeing không thể mua ở đâu khác ngoài Mỹ.
Bên được lợi nhất trong chiến tranh thương mại có lẽ là những nhà cung cấp đến từ Châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhưng cả Mỹ và Trung Quốc có thừa lọc lõi để nhận thấy mối hại, về cơ bản cuộc chiến tranh thương mại vẫn khó xảy ra như y hệt một cuộc chiến tranh hạt nhân.