Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về việc nâng cao chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam theo phương pháp đánh giá của Liên Hợp quốc.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai nghiêm túc và hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 9/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thực hiện tại các Bộ, ngành, địa phương năm 2017 và Quyết định số 877/QĐ-TTg ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để các Bộ, ngành, địa phương thực hiện trong các năm 2018 – 2019.
Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó ưu tiên các dịch vụ công thiết yếu; triển khai hiệu quả Nghị định 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm mỗi Bộ, ngành, địa phương chỉ có một Cổng dịch vụ công tập trung, thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp khai thác và sử dụng.
Có thể bạn quan tâm
07:30, 09/08/2018
04:55, 07/08/2018
11:00, 21/07/2018
12:05, 18/07/2018
19:34, 29/06/2018
13:02, 22/06/2018
Trước đó, Liên Hợp Quốc đã phát hành báo cáo Chỉ số chính phủ điện tử hỗ trợ chuyển dịch hướng tới xã hội bền vững 2018. Chỉ số được tính toán dựa trên 3 lĩnh vực quan trọng nhất của chính phủ điện tử, đó là quy mô và chất lượng của dịch vụ công trực tuyến (OSI), chỉ số hạ tầng viễn thông (TII) và nguồn nhân lực (HCI). Theo đó, từ vị trí 89 năm 2016, Việt Nam đã tăng 1 hạng trong báo cáo Chỉ số phát triển chính phủ điện tử 2018 của Liên Hợp Quốc. Việt Nam cũng được Liên Hợp Quốc xếp vào nhóm có chỉ số OSI cao. Chỉ số tham gia điện tử (e-participation index) của của Việt Nam thuộc nhóm cao (từ 0,5 đến 0,75). Trong nhóm nước ASEAN, Việt Nam xếp thứ 6 sau Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Brunei.
Dù đã ráo riết thực hiện Chính phủ điện tử, nhưng có thể thấy việc triển khai Chính phủ điện tử ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Dù được thăng hạng nhưng vẫn ở mức trung bình. Việc xây dựng triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng công nghệ thông tin làm nền tảng phục vụ phát triển Chính phủ điện tử rất chậm so với tiến độ cần có, các hệ thống thông tin dữ liệu còn cục bộ, chưa có kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin. Đặc biệt còn thiếu khung pháp lý đồng bộ về xây dựng Chính phủ điện tử…
Còn nhớ tại cuộc họp về việc thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử hồi giữa tháng Năm vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định rằng, nếu không xây dựng Chính phủ điện tử thì Việt Nam sẽ chậm phát triển. Thông qua Chính phủ điện tử, Chính phủ sẽ cải cách, đổi mới, đặc biệt là cải cách hành chính, một nhiệm vụ rất lớn để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi ở Việt Nam… Và để thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Ủy ban này.