Chính phủ “gỡ vướng” cho các dự án đầu tư BT

Diendandoanhnghiep.vn Thủ tướng vừa ban hành Nghị quyết 160/NQ-CP về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao.

Cụ thể, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (Hợp đồng BT) được ký kết theo quy định của pháp luật trước ngày 1/1/2018 mà chưa hoàn thành việc thanh toán thì tiếp tục thực hiện thanh toán theo nội dung Hợp đồng BT đã ký kết, đảm bảo theo đúng quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai, pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan đang có hiệu lực tại thời điểm ký kết Hợp đồng BT.
 
Có thể thấy, Nghị quyết được ra đời ngay sau Hội nghị Chính phủ với địa phương được tổ chức vào ngày làm việc cuối cùng của năm 2018 thể hiện quyết tâm khơi thông nguồn vốn tư nhân vào hạ tầng của Người đứng đầu Chính phủ. Tại Hội nghị này, nhiều địa phương như Hải Phòng, Bắc Giang, TP HCM, Kiên GIang đã có kiến nghị về việc gặp vướng mắc liên quan tới thanh toán tài sản công cho các dự án theo hình thức BT.
 
“TP. Hải Phòng đã ký hợp đồng với một số nhà đầu tư BT để triển khai một số dự án trên địa bàn. Các dự án án đó đã có khối lượng xây dựng hoàn thành khá lớn. Thành phố cũng đã chuẩn bị đất đai để thanh toán. Tuy nhiên, theo quyết định của Bộ Tài chính về việc tạm dừng thanh toán cho các dự án BT, UBND TP. Hải Phòng bị phạt do không thể thanh toán. Mức phạt hợp đồng tương ứng lãi suất 7,8%/năm. Việc không được thanh toán, nhà đầu tư BT cũng xây dựng công trình tốc độ rất chậm, ảnh hưởng sự phát triển của thành phố. Hải Phòng đề nghị Chính phủ sớm quan tâm chỉ đạo cho Hải Phòng và các địa phương khác”, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đề xuất.
 
Khẳng định ngay tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ sớm ban hành nghị định và nghị quyết. “Song là để định hướng các địa phương làm cơ sở triển khai, để một trong những hình thức hợp tác công tư không đi vào bế tắc chứ không có nghĩa là để công nhận sai trái, thất thoát trong các dự án BT trước nay”, Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
 
Theo Nghị quyết 160/NQ-CP vừa được ban hành, với các Hợp đồng BT được ký kết từ ngày 1/1/2018, trong đó có điều khoản sử dụng tài sản công để thanh toán, yêu cầu các Bộ, ngành địa phương rà soát lại nội dung của Hợp đồng đảm bảo tuân thủ Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, pháp luật về đất đai, pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan.
 
Trường hợp nội dung Hợp đồng BT phù hợp với quy định của pháp luật thì tiếp tục thực hiện thanh toán theo quy định của Hợp đồng BT. Trường hợp nếu có nội dung chưa phù hợp với các quy định của pháp luật thì phải đàm phán điều chỉnh lại nội dung Hợp đồng BT cho phù hợp với các quy định pháp luật nêu trên.
 
Đối với các dự án BT đã hoàn thành việc lựa chọn Nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành nhưng chưa ký Hợp đồng BT, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành đàm phán, ký kết Hợp đồng BT đảm bảo tuân thủ Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, pháp luật về đất đai, pháp luật về ngân sách Nhà nước và các quy định của pháp luật có liên quan.
 
Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương (cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án BT) và Nhà đầu tư các dự án BT chịu trách nhiệm rà soát lại các Hợp đồng BT đã ký kết và đang thực hiện, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các sai phạm (nếu có).
 
“Đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật. Không làm thất thoát tài sản công, không để xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm. Trường hợp phát hiện có vi phạm nhưng chưa gây thất thoát tài sản nhà nước thì phải điều chỉnh lại Hợp đồng BT. Nếu phát hiện vi phạm (vi phạm pháp luật về ngân sách nhà nước, xây dựng, quản lý đất đai, đấu thầu, đầu tư công, quản lý tài sản công và pháp luật liên quan khác...) thì phải điều chỉnh hoặc hủy Hợp đồng BT, kịp thời thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát, đồng thời xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm theo đúng quy định của pháp luật”, Nghị quyết nêu rõ.
 
Chính phủ giao Bộ Tài chính có trách nhiệm hoàn thiện dự thảo Nghị định về sử dụng tài sản công để thanh toán cho các Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT theo đúng Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 9/9/2018 của Chính phủ.
 
Trước đó, hồi cuối năm 2017, Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018 nhằm thay thế Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước 2008.
 
Tuy nhiên, đến cuối tháng 3/2018, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các Bộ, UBND thành phố các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu tạm dừng việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018. Nguyên nhân do Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT vẫn chưa có hiệu lực thi hành.
 
Việc luật đã có hiệu lực trong khi chưa có nghị định thi hành khiến nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng các nhà đầu tư tham gia dự án BT sẽ gặp nhiều rủi ro. Đặc biệt là việc khó nhận được bàn giao mặt bằng công trình dự án BT. Cùng với đó là việc chậm nhận được mặt bằng quỹ đất thanh toán đi kèm dự án nhất là trong trường hợp quỹ đất thanh toán chưa giải phóng mặt bằng mà nhà đầu tư đã ứng tiền cho cơ quan Nhà nước để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Chính phủ “gỡ vướng” cho các dự án đầu tư BT tại chuyên mục Kinh tế của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714091961 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714091961 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10