Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa có căn cứ pháp lý để triển khai bán đấu giá quyền sử dụng đất sân bay Nha Trang cũ, tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng sân bay Phan Thiết.
Chiều ngày 27/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư Dự án Cảng hàng không Phan Thiết (Bình Thuận) tại trụ sở Chính phủ ở Hà Nội.
Cảng hàng không Phan Thiết được quy hoạch là cảng hàng không quốc nội cấp 4E với vai trò là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự. Nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu khách/năm. Tổng vốn đầu tư sân bay Phan Thiết giai đoạn 2020 - 2021 khoảng 10.272,9 tỉ đồng, và giai đoạn định hướng đến 2030 khoảng 332,5 tỉ đồng.
Thời gian thu phí hoàn vốn của dự án là 69 năm đảm bảo phù hợp Luật Đất đai năm 2013. Đây là một trong 15 cảng hàng không quốc nội trên cả nước và được xem là một trong ba sân bay quy mô nhất miền Trung, chỉ sau sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng.
Được khởi công từ tháng 1/2015, tuy nhiên đã hơn năm năm trôi qua nhưng dự án này vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn chưa thể triển khai xây dựng do điều chỉnh quy hoạch dẫn tới nhiều thủ tục đầu tư phải tiến hành lại.
Theo đó, UBND tỉnh đã đề xuất và đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương nâng cấp sân bay từ cấp 4C lên cấp 4E, kéo dài đường cất hạ cánh từ 2.400 m lên 3.050 m. Căn cứ kết luận Thủ tướng, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ GTVT và các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sân bay Phan Thiết là cảng hàng không quốc nội cấp 4E.
Cùng với đó, ban đầu chủ trương xây dựng sân bay Phan Thiết bằng hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) nhưng sau này Chính phủ không đồng ý và chuyển qua hình thức BOT, do đó phải đấu giá đất theo luật Đầu tư công.
Đặc biệt, tiến độ triển khai thủ tục đầu tư xây dựng hạng mục khu bay quân sự còn rất chậm so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cam kết của Bộ Quốc phòng, mặc dù công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất được tỉnh Bình Thuận thực hiện hoàn thành hơn 5 năm nay, nhưng công trình vẫn chưa được triển khai xây dựng. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh quan điểm cần phải quyết liệt đẩy nhanh tiến độ với tinh thần chủ động.
Bộ Quốc phòng sẽ sớm trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án e920 để Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư. Bộ cũng sẽ làm việc với tỉnh Khánh Hòa để tháo gỡ những vướng mắc, hoàn tất các thủ tục theo quy định pháp luật để bán đấu giá quyền sử dụng đất sân bay Nha Trang nhằm tạo nguồn vốn đầu tư Dự án e920 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Có thể bạn quan tâm
00:00, 04/02/2020
14:30, 30/01/2020
21:51, 26/01/2020
12:28, 14/01/2020
Được biết đến nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã thu hồi tổng diện tích 543 ha và bàn giao toàn bộ mặt bằng Sân bay Phan Thiết giai đoạn đến năm 2030. Trong đó xúc tiến bàn giao 145,6 ha khu hàng không dân dụng cho nhà đầu tư, riêng 397,4 ha là đất quốc phòng thì bàn giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý. Đối với Đài dẫn đường xa phục vụ hoạt động của sân bay (2,56 ha), Khu gia đình quân nhân và nhà công vụ (10 ha) cũng đã triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra Bộ Quốc phòng cũng đã xúc tiến làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa, để bán đấu giá quyền sử dụng đất Sân bay Nha Trang cũ nhằm tạo nguồn đầu tư dự án Sân bay Phan Thiết.
Trước đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Bộ Quốc phòng bổ sung quỹ đất gần 200 ha để đầu tư thêm 1 đường cất hạ cánh vào dự án Cảng hàng không Phan Thiết do Bộ này đầu tư. Đồng thời bổ sung kinh phí (khoảng 386 tỷ đồng) vào tổng mức đầu tư của dự án Khu dùng chung, khu quân sự Cảng hàng không Phan Thiết để tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi đủ điều kiện.
Ngày 18/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né. Theo Quy hoạch, Mũi Né sẽ trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2025, phấn đấu đến năm 2030.
Để đáp ứng chiến lược này, Chính phủ sẽ ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng Phan Thiết. Trong đó, trước mắt Thủ tướng đã đồng ý điều chỉnh quy mô của sân bay Phan Thiết từ hơn 5.000 tỷ lên hơn 10.000 tỷ đồng. Biến sân bay này thành một trong 3 sân bay quy mô nhất miền Trung, chỉ sau sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, sân bay Phan Thiết được điều chỉnh quy hoạch sân bay từ cấp 4C lên cấp 4E để phù hợp với quy hoạch mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc.
Mục tiêu nâng cấp sân bay nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác các chặng bay Nội Bài - Phan Thiết, Vân Đồn - Phan Thiết, Cát Bi - Phan Thiết, với các máy bay code E, trong giai đoạn đến năm 2030, cũng như khai thác được các loại máy bay quân sự hiện đại nhất hiện nay.
Nhà ga hành khách sân bay Phan Thiết được mở rộng từ 5.000 m2 lên 19.200 m2, để đạt công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm.
Với quy hoạch điều chỉnh, sân bay Phan Thiết sẽ được chia làm 3 khu, khu bay dùng chung cho cả mục đích dân dụng và quân sự. Khu phục vụ hàng không dân dụng gồm sân đỗ máy bay hàng không dân dụng, và công trình hàng không dân dụng nằm độc lập; khu quân sự dành riêng đỗ máy bay quân sự, hạ tầng kỹ thuật quân sự.