Nghị quyết số 105/NQ-CP yêu cầu doanh nghiệp vận tải biển niêm yết công khai, minh bạch về giá cước vận tải biển, doanh nghiệp cho rằng cần cơ chế quản lý cao hơn đó là cơ chế kê khai giá.
Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh Covid-19 được Chính phủ ban hành trong đó Chính phủ nêu rõ nhiệm vụ với Bộ GTVT là yêu cầu các doanh nghiệp vận tải biển niêm yết công khai, minh bạch về giá cước vận tải biển, tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp vận tải biển, chống tình trạng lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để tăng giá cước vận tải bất hợp lý, tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, Hợp tác xã, Hộ kinh doanh.
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Công Thương, các hiệp hội, đơn vị liên quan nâng cao năng lực đàm phán, công khai, minh bạch về giá cước và giá phụ thu ngoài giá cước dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.
Trên thực tế, tình hình giá cược vận tải mà đặc biệt là vận tải biển “leo thang” đã tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực của kinh tế. Thị trường giá cước Giá cước vận tải hàng hóa bắt đầu có dấu hiệu tăng từ tháng 10/2020, đặc biệt là các tuyến vận tải đi Châu Âu, Châu Mỹ, cụ thể: Giá cước trước thời điểm tháng 10/2020, từ Việt Nam đi Châu Âu (UK) khoảng 1.500 USD/cont 20’; Từ Việt Nam đi Mỹ (cảng Log Angeles): 700-1.000 USD/cont20’. Giá cước thời điểm tháng 12/2020; Từ Việt Nam đi Châu Âu (UK): 5.400 USD/cont 20’. Từ Việt Nam đi Mỹ (cảng Log Angeles): 5.000 USD/cont20’. Giá cước tại thời điểm hiện tại, tùy theo quy định của từng hãng tàu, hiện lên cao nhất tới USD14.000/40’ Việt Nam đi bờ Đông Mỹ.
Hiện có khoảng 38 hãng tàu container nước ngoài đang hoạt động vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, đảm nhận 95% sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển của Việt Nam.
Mặc dù Cục Hàng hải Việt Nam cho biết đã nhận được thông báo niêm yết giá của tất cả các hãng tàu, tuy nhiên việc niêm yết vẫn tồn tại nhiều vấn đề như giá cước niêm yết không phản ánh giá cước thực tế, niêm yết các loại phụ thu không nêu rõ lý do thu, không lưu lại thời gian niêm yết và các lần thay đổi niêm yết, hình thức xử lý đối với hãng tàu nước ngoài niêm yết giá muộn hoặc chậm cũng chỉ là xử phạt hành chính với mức phạt rất thấp, không đáng kể so với mỗi lần tăng giá, phụ thu của hãng tàu… Vì vậy mà có tình trạng tháo túng giá cước xảy ra khiến hàng loạt ngành hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hiện hữu với nhiều ngành hàng.
Ông Phùng Văn Sâm, Giám đốc Công Ty cổ phần Tập Đoàn Hanfimex Việt Nam cho rằng, thời gian qua, Công ty nhận thông báo của hãng tàu về việc tăng giá vận chuyển một container 40feet đi châu Âu, Địa Trung Hải,… từ 2.000-2.500USD lên 6.000-8.000USD. Đà tăng của giá cước vẫn chưa dừng lại khi mới đây nhất, hãng tàu tiếp tục thông báo tăng giá cước vận chuyển container thêm 1.000USD.
“Với giá cước này, chi phí cho xuất hàng hóa của Công ty phát sinh khoảng 6-8 tỷ đồng/tháng. Đối với những hợp đồng đã ký (cung cấp hàng cho siêu thị), doanh nghiệp buộc phải chấp nhận giá ‘trên trời’ để đảm bảo thời gian cam kết”, ông Phùng Văn Sâm chia sẻ.
Trao đổi với DĐDN, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) nhận định, phương hướng chỉ đạo, hỗ trợ của Chính phủ về gía cước vận tải quy định tại Nghị định 105/NQ-CP đã cụ thể hoá các kiến nghị của các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp thời gian qua.
Theo đó, để chống tình trạng lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để tăng giá cước vận tải bất hợp lý, tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, Hợp tác xã, Hộ kinh doanh, cần minh bạch về niêm yết gía cước và phụ phí của các hãng tàu.
Thậm chí, theo Chủ tịch VLA cần thiết phải ban hành cơ chế quản lý cao hơn cơ chế niêm yết giá. “Cần ban hành cơ chế kê khai giá với quy định cụ thể, chi tiết về giá cước trên từng tuyến cụ thể và các loại phụ thu ngoài giá, thời gian niêm yết, giải thích lý do thu các loại phụ thu ngoài giá, thời gian bắt đầu thu và kết thúc thu một cách rõ ràng, minh bạch”, ông Lê Duy Hiệp nhấn mạnh.
Đồng thời, có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong tăng cường công tác theo dõi, quản lý. Cục Hàng hải Việt Nam cần thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi tham vấn giữa các chủ hàng, các Hiệp hội chủ hàng, Hiệp hội kinh doanh dịch vụ liên quan và các nhà cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam với đại diện các hãng tàu chuyên chở hàng hóa cùng với đại diện các cơ quan quản lý như Bộ Công thương, Bộ Tài chính để tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Thành lập tổ công tác liên ngành thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát các vấn đề liên quan đến giá cước vận tải và các loại phụ thu ngoài giá, nguyên nhân của việc tăng giá cước phi mã đối hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là tuyến vận tải đi Châu Âu, Châu Mỹ như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
06:00, 10/09/2021
17:49, 08/08/2021
04:15, 17/07/2021