Chính phủ Australia giới thiệu chương trình thúc đẩy Đổi mới sáng tạo và Đầu tư trong Công nghệ Nông nghiệp – “GRAFT Challenge Vietnam 2021”.
Theo đó, GRAFT Challenge Vietnam được thiết kế nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp triển vọng trên toàn cầu tiếp cận thị trường Việt Nam, đưa công nghệ vào ứng dụng thực tiễn và giải quyết những thách thức cấp bách nhất của ngành nông nghiệp thực phẩm.
Chương trình được tài trợ bởi Chính phủ Australia thông qua Chương trình Aus4Innovation kết hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Qua một giai đoạn thử thách và tuyển chọn đã chọn ra được 9 doanh nghiệp nước ngoài có giải pháp công nghệ nông nghiệp đột phá sáng tạo để triển khai các hoạt động hỗ trợ tiếp cận thị trường Việt Nam.
Nằm trong chương trình Aus4Innovation hợp tác 4 năm (2018-2022) với tổng ngân sách 13.5 triệu đôla Úc nhằm củng cố hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam, chuẩn bị cho nền kinh tế và công nghệ của Việt Nam trong tương lai số.
Chương trình Thúc đẩy Đổi mới sáng tạo và Đầu tư trong Công nghệ Nông nghiệp đã nhận được các giải pháp đột phá từ các công ty công nghệ nông nghiệp đến từ 16 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, Hoa Kỳ, Israel, Australia, Ấn Độ và Thái Lan, Indonesia.
Các giải pháp công nghệ được lựa chọn rất đa dạng, từ ứng dụng công nghệ Internet-vạn-vật (IoT) tích hợp để cải thiện chất lượng nước trong hệ thống nuôi trồng thủy sản, các giải pháp vi sinh vật thân thiện với môi trường để quản lý sức khỏe cây trồng, cho tới các hệ thống giám sát và kiểm soát vi khí hậu để tăng cường tính an toàn và tiết kiệm năng lượng trong chăn nuôi.
Tất cả các doanh nghiệp đăng ký tham dự chương trình GRAFT đều đã ở giai đoạn trưởng thành và đang tăng trưởng doanh thu, hoặc đã tốt nghiệp một chương trình tăng tốc khởi nghiệp toàn cầu và đã kêu gọi được vốn đầu tư. Gần 50% số doanh nghiệp được chọn là các doanh nghiệp do phụ nữ sáng lập hoặc tham gia lãnh đạo.
Theo ông Justin Ahmed, Trưởng đại diện Chương trình GRAFT cho biết: “Năng lực của các doanh nghiệp tham gia năm nay vượt xa cả kì vọng vốn đã rất cao của chúng tôi. Các giải pháp đều đã sẵn sàng ứng dụng trên thị trường. Điều này sẽ giúp rất nhiều doanh nghiệp nông nghiệp thực phẩm hàng đầu Việt Nam giải quyết những thách thức khó khăn nhất mà họ đang gặp phải.”
Trước khi khởi động và phát động kêu gọi các giải pháp đổi mới sáng tạo, chương trình GRAFT Challenge Vietnam đã hợp tác với các nhóm công tác ngành liên quan như trồng trọt, thuỷ sản và chăn nuôi, gồm các doanh nghiệp kinh doanh nông sản hàng đầu tại Việt Nam để xác định những thách thức riêng mà mỗi nhóm nganh phải đối mặt. Nhiều thách thức trong đó liên quan tới rủi ro do khí hậu đối với quá trình sản xuất, cải thiện hiệu quả chi phí thức ăn chăn nuôi, giảm thất thoát sau thu hoạch và xây dựng lòng tin của người tiêu dùng.
“Sự thành công của chương trình GRAFT trong việc lựa chọn những doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp hàng đầu mang lại cho Au4Innovation niềm tin mạnh mẽ hơn với quan hệ hợp tác công-tư trong chương trình này. Thực phẩm và nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong hoạt động hỗ trợ phát triển của Chính phủ Australia tại Việt Nam, và chúng tôi tin rằng những doanh nghiệp được chọn này có tiềm năng thúc đẩy một làn sóng đổi mới sáng tạo tích cực cho ngành nông nghiệp Việt Nam,” ông Tom Wood, Giám đốc Chương trình Aus4Innovation chia sẻ quan điểm về các doanh nghiệp được chọn.
Ông Phan Vinh Quang, Giám đốc MBI Innovation cũng chia sẻ: “Ban tổ chức chương trình rất vui mừng khi nhận được số lượng lớn đơn đăng ký với các giải pháp kỹ thuật số và định hướng phân tích dữ liệu cho những bài toán năng suất còn tồn tại ở Việt Nam. Chúng tôi rất mong đợi được hợp tác với các doanh nghiệp này để triển khai những giải pháp phù hợp cho thị trường Việt Nam".
Ông Nguyễn Đức Tùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Nông nghiệp Số Việt Nam (VIDA) cho biết thêm, “Các giải pháp phần mềm độc quyền được các doanh nghiệp tiên phong sử dụng sẽ có khả năng ứng dụng ngay lập tức để đánh giá chất lượng thực phẩm, hiệu quả chuỗi cung ứng và quản lý dự án nông nghiệp tại Việt Nam".
Vào tháng 8 này, 9 doanh nghiệp được chọn sẽ bắt đầu khóa hỗ trợ chuyên sâu kéo dài 15 tuần của chương trình GRAFT. Các doanh nghiệp sẽ được kết nối và nhận được những tư vấn từ mạng lưới các chuyên gia, cố vấn, những người sẽ đưa ra đánh giá kỹ thuật chi tiết về những giải pháp công nghệ khi áp dụng tại thị trường Việt Nam. Chương trình sẽ kết thúc với một chuyến khảo sát thực tế và kết nối hợp tác kéo dài một tuần với các tập đoàn nông nghiệp Việt Nam.
9 doanh nghiệp công nghệ được chọn bởi GRAFT Challenge Vietnam 2021 gồm: AgNext Technologies (Ấn Độ): AgNext xây dựng nền tảng SaaS sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp số hóa việc đánh giá chất lượng thực phẩm. CropIn (Ấn Độ) : CropIn cung cấp các công cụ hỗ trợ đưa ra quyết định và truy xuất nguồn gốc nhằm giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa giá trị. Các công cụ của CropIn được phát triển đa mục đích dành cho mọi đối tượng của hệ sinh thái nông nghiệp, bao gồm các nhà sản xuất hạt giống, nông dân, các cơ sở chế biến, chính phủ và các tổ chức tài chính. EveryPig (Mỹ): EveryPig cung cấp một phần mềm đột phá dành cho các nông trại sản xuất và chế biến thịt heo giúp theo dõi sức khỏe heo theo thời gian thực, theo dõi sức khỏe từ xa và theo dõi điều trị để giúp người chăn nuôi dễ dàng tối ưu hóa các hoạt động. Công nghệ Hillridge (Australia) : Công nghệ Hillridge cung cấp giải pháp dựa trên cơ sở dữ liệu, sử dụng thuật toán độc quyền để tính toán, dự báo bảo hiểm vi mô cho các hộ nông dân sản xuất nhỏ và hỗ trợ phục hồi sau tác động của thời tiết xấu. JalaTech (Indonesia): JalaTech cung cấp một nền tảng quản lý trang trại nuôi tôm dựa trên dữ liệu chính xác để cải thiện hiệu quả sử dụng thức ăn và tình trạng sức khỏe của thủy sản. Koltiva (Indonesia): Koltiva, chuyên gia hàng đầu về hệ thống nông nghiệp, cung cấp các giải pháp và dịch vụ công nghệ thông tin phù hợp để cải thiện quản lý dự án theo chuỗi cung ứng nông nghiệp. Đến nay, các giải pháp của Koltiva đã được khách hàng tại 28 quốc gia sử dụng. ListenField (Thái Lan) : ListenField xây dựng một nền tảng công nghệ nông nghiệp chính xác đã được cấp bằng sáng chế giúp phân tích dữ liệu để giúp nông dân cắt giảm chi phí vận hành, cải thiện năng suất và giảm hiệu ứng nhà kính. Sufresca (Israel): Sufresca đã phát triển lớp bảo quản sinh học dễ ứng dụng, giúp kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm tươi trong nhiều tuần trong điều kiện môi trường bình thường. Tepbac (Việt Nam) : Tepbac đã xây dựng một nền tảng quản lý trang trại nuôi trồng thủy sản với các giải pháp Internet-vạn-vật (IoT) nhằm nâng cao hiệu quả nuôi trồng, kiểm soát chất lượng nước và truy xuất nguồn gốc cho các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam. Nền tảng Tepbac hiện đang được sử dụng tại hơn 1.500 trang trại, tạo tiền đề phát triển để nâng cao năng lực ngành thủy sản Việt Nam. |
Có thể bạn quan tâm