Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đảo TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 ngày 10/4 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý chính quyền phải gần dân, trọng dân.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chính quyền phải cầu thị, lắng nghe ý kiến người dân như lời dạy của Bác Hồ, việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì không có lợi cho dân thì hết sức tránh.
"Tôi đề nghị các đồng chí luôn phải đặt người dân ở vị trí trung tâm. Người dân phải được hưởng lợi nhiều nhất từ thành quả phát triển. Chính vì vậy mà trong mọi hoạch định về kinh tế xã hội phải chú trọng mọi tầng lớp, đặc biệt là giới trẻ, đồng thời tạo điều kiện cho người dân khởi nghiệp”. - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.
Từ xa xưa, tư tưởng nhân văn “khoan sức cho dân, để làm kế sâu rễ bền gốc,”“việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,” “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”... đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là truyền thống văn hiến trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Cho dù ở bất cứ thời điểm, hoàn cảnh lịch sử nào, quyền độc lập của dân tộc gắn liền với tự do, dân chủ, hạnh phúc của nhân dân trở thành kim chỉ nam trong mọi hành động của Đảng, Nhà nước.
Lịch sử hàng nghìn năm của nước Việt Nam cho thấy, các triều đại hùng mạnh ghi dấu son lên những trang vàng vẻ vang cho dân tộc đều khởi nguồn từ tư tưởng “dân là gốc”.
Cụ thể, trong Bộ Hình luật công bố năm 1042, Nhà Lý đã lần đầu tiên pháp điển hóa tư tưởng trọng dân bằng các quy định cụ thể chăm lo đời sống trăm họ. Việc chỉnh đốn pháp luật được thực hiện sao cho giảm bớt nổi khổ của dân, xóa bớt bất công trong thiên hạ và ngăn chặn nạn quan lại lạm quyền.
Nhà Trần tiếp tục sự nghiệp Nhà Lý đã phát triển tư tưởng “dân là gốc” thành các định đề mang tính nguyên tắc. Ở Đền Trần (Nam Định) ngay tại cổng Ngũ Môn nay còn ghi khắc câu đối: “Dân vi bang bán thiên niên sách, Công tại nhân tâm vạn cổ trường” (Lấy dân làm gốc, đó là sách lược ngàn năm; Công lao ở lòng người sẽ ghi tạc muôn thuở).
Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn trước khi lâm chung còn nhắn gửi lại với nhà Vua và triều đình rằng: “Nên khoan thư sức dân và lấy việc bồi bổ sức dân làm kế sách lâu bền cho xã tắc”.
Nhà quân sự lỗi lạc, đại thi hào Nguyễn Trãi từng giúp Lê Lợi dẹp tan quân Minh xâm lược, khởi nghiệp Nhà Hậu Lê cũng bắt đầu từ tư tưởng “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Bởi theo Nguyễn Trãi: “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân. Thuận lòng dân thì sống, nghịch lòng dân thì chết”...
Trong cuộc đời, sự nghiệp của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu tinh hoa tư tưởng “dân là gốc” từ hàng nghìn năm lịch sử, đã để lại trong di sản của Người rất nhiều phát biểu, bài viết có liên quan tới quyền của dân trong một Nhà nước dân chủ, của dân, do dân và vì dân.
Từ quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra sức mạnh của nhân dân trong sự gắn kết với cộng đồng dân tộc, với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người.
Do đó, có dân là có tất cả đã trở thành phương pháp luận trong tư tưởng Hồ Chí Minh: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức mạnh của Đảng nằm trong mối quan hệ giữa Đảng với dân và dân với Đảng.
Người khẳng định: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân, trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng việc phục vụ cho lợi ích của nhân dân. Khi sức dân được huy động, được tổ chức, được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng thì tạo thành sức mạnh vô địch”.
Và, trong nhiều năm qua, Đảng ta chủ trương học tập và làm theo gương Bác, hệ thống chính trị các cấp như gần dân hơn. Các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã có nhiều chuyển biến, tiến bộ về xây dựng phong cách làm việc trọng dân, gần dân, vì dân. Các cấp chính quyền với người đứng đầu đã thực hiện quy định tiếp dân một cách thường xuyên, nề nếp.
Các cơ quan công quyền trong tỉnh đều đã và đang thực hiện cải cách thủ tục hành chính một cửa, thông thoáng, nhanh chóng, thuận lợi hơn cho nhân dân và được nhân dân đồng tình.
Nhiều lãnh đạo các cấp của Đảng và Nhà nước đã công bố địa chỉ facebook và thư điện tử (email) công khai để Nhân dân trao đổi thông tin khi cần. Cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước đã nở những nụ cười tươi khi Nhân dân đến công sở giải quyết công việc và đã biết xin chào, xin phép, xin cảm ơn và xin lỗi dân...
Tuy nhiên, hiện tượng quan liêu, cửa quyền, gây phiền hà, sách nhiễu, ức hiếp quần chúng nhân dân, vô cảm trước nỗi đau của dân vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi và gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Thực tế vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên ngại gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với dân; nếu có gặp thì cũng qua loa, đại khái, làm cho chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước khó đến được với nhân dân; đồng thời những thông tin cũng như tâm tư, nguyện vọng của người dân cũng không đến được với Ðảng và chính quyền. Đó là hành vi của những cán bộ, đảng viên xa dân, quan liêu, thiếu trách nhiệm, chưa làm tròn bổn phận là công bộc của dân.
Trở lại với chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đảo TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 ngày 10/4 vừa qua, có thể thấy, tinh thần trọng dân, gần dân mà Chủ tịch nước lưu ý với TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 không chỉ là câu chuyện của riêng các địa phương này, mà còn là câu chuyện chung của các cấp chính quyền trong toàn hệ thống chính trị của Việt Nam.
Nhìn lại năm 2020, một năm đầy khó khăn khi đại dịch COVID-19 ập đến, thế nhưng ngoài những chủ trương, quyết sách sáng suốt của Đảng, Nhà nước thì chính sự đồng lòng của toàn dân đã giúp Việt Nam chiến thắng dịch bệnh. Câu chuyện toàn dân Việt Nam đồng thuận, đồng lòng dập dịch COVID-19, tạo nên sức mạnh thần kỳ đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn thách thức đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và bày tỏ sự khâm phục.
Lâu nay, chủ trương dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra đã hóa giải nhiều mâu thuẫn trong cộng đồng cũng như giúp cho các công trình tại địa phương đạt chất lượng. Khi tiếng nói của người dân được lắng nghe, được tôn trọng thì chuyện to thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành không có gì, việc khó đến mấy cũng làm xong.
Do đó, như lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cần đặt người dân là trung tâm. Dân có giàu thì nước mới mạnh, đó là chân lý. Đây phải là điều tâm niệm của những người trong vị trí công bộc của dân, những người nhận lãnh trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước thì trước tiên phải là lo cho dân.
Thực tế đã có những bài học đắt giá từ chỗ thiếu tôn trọng dân, chủ quan, duy ý chí là rất rõ ràng. Trong quá trình phát triển, chỉ vì lợi ích cục bộ, địa phương chủ nghĩa, lợi ích nhóm, gạt lợi ích của người dân ra ngoài đã dẫn tới những vụ khiếu kiện kéo dài, có khi rất gay gắt.
Đặc biệt, trong lĩnh vực đất đai, đã có rất nhiều vụ giao đất cho doanh nghiệp nhưng đền bù cho dân rất thấp, có khi còn ở mức vô lý, khiến người dân bức xúc. Như vụ Thủ Thiêm đã kéo dài hơn 20 năm, nhiều quan chức mắc sai phạm tại Thành phố Hồ Chí Minh đã bị kỷ luật, bị đi tù nhưng cũng vẫn còn đó nhiều hộ dân không thể có cuộc sống an bình...
Xin hãy nhớ, quần chúng nhân dân chỉ quý trọng những người có đức, có tài, hết lòng phụng sự Nhân dân. Do đó, phải yêu dân, kính dân thì dân mới dành sự yêu kính cho mình.
Và, để làm được điều đó, cán bộ, đảng viên phải thật sự sâu sát, gắn bó với quần chúng nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng cũng như những bức xúc của Nhân dân để kịp thời giải quyết hợp lòng dân.
Đồng thời phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm trước quần chúng nhân dân; nghiêm túc, trân trọng và chân thành tiếp thu góp ý của Nhân dân để khắc phục hạn chế, khuyết điểm.
Bài học dân là gốc, vì dân, dân là trung tâm thiết nghĩ không bao giờ cũ.
Có thể bạn quan tâm
12:46, 27/01/2021