Chính quyền phụng sự Nhân dân

TS NGUYỄN VĂN ĐÁNG - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 02/09/2023 05:00

“Tuyên ngôn độc lập” đánh dấu bước khởi đầu của tiến trình hiện thực hóa khát vọng về một chính quyền phụng sự nhân dân trên lãnh thổ Việt Nam.

>>Người giới thiệu nhân sự phải chịu trách nhiệm trước đảng và nhân dân

Công bố trước quốc dân, đồng bảo cả nước vào ngày 2/9/1945, những lập luận đanh thép trong bản “Tuyên ngôn độc lập” đã khẳng định tính tất yếu phải loại bỏ hệ thống chính quyền thực dân, nửa phong kiến trên lãnh thổ Việt Nam.

 Thủ tướng Phạm Minh Chínhp/trực tiếp thị sát công trường xây dựng và trao đổi chủ đầu tư, đơn vị thi công về dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.p/Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp thị sát công trường xây dựng và trao đổi chủ đầu tư, đơn vị thi công về dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Ảnh: Nhật Bắc

Chính quyền cai trị

Thông điệp quan trọng nhất mà bản tuyên ngôn đã chỉ ra và sẽ mãi vẹn nguyên giá trị, là: một hệ thống chính quyền nếu chỉ tập trung vào chức năng “cai trị” nhằm phục vụ cho lợi ích của thiểu số các lực lượng cầm quyền và thế lực ngoại bang thì không có bất cứ lý do gì để tồn tại.

Tuyên ngôn độc lập đã chỉ ra tính chất “cai trị” của hệ thống chính quyền thực dân, nửa phong kiến, thể hiện rõ nhất ở các chính sách tập trung bảo vệ lợi ích của các lực lượng cầm quyền; phớt lờ các quyền tự do, dân chủ; thực hiện chính sách ngu dân; thả sức bóc lột các nguồn lực của đất nước thông qua hai biện pháp then chốt là vơ vét tài nguyên và đặt ra hàng loạt sắc thuế phi lý.

Trên phương diện quản lý xã hội, chế độ thực đân, nửa phong kiến là hệ thống chính quyền đàn áp, thể hiện qua thực tế “nhà tù nhiều hơn trường học”, sẵn sàng “tắm máu” những người yêu nước. Chính sách thâm độc “chia để trị” của các lực lượng ngoại bang và phong kiến không chỉ ngăn cản sự thống nhất đất nước, mà còn có thể từng bước làm suy yếu sức mạnh đại đoàn kết của cả một cộng đồng dân tộc.

Trên phương diện lợi ích quốc gia, chính quyền thực dân, nửa phong kiến cũng là hệ thống chính quyền ký sinh khi dễ dàng thỏa hiệp với phát xít Nhật, bắt tay nhau để Nhật – Pháp – Phong kiến cùng tiếp tục duy trì địa vị thống trị, bảo đảm lợi ích ích kỷ cho một thiểu số cầm quyền, bất chấp sự trả giá của nhân dân và cả dân tộc.

Hệ quả tất yếu từ một hệ thống chính quyền cai trị, đàn áp, và ký sinh không chỉ là nhân dân bị bần cùng hóa, giống nòi bị suy nhược, đất nước trở nên tiêu điều, xác xơ, mà còn là nguy cơ diệt vong của cả một dân tộc, một quốc gia với lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng.

Bản chất phản động của hệ thống chính quyền thực dân, nửa phong kiến đã đẩy tính chính danh của chính quyền rơi đến điểm tới hạn, và nhân dân không còn thấy lý do nào chính đáng cho sự tồn tại của chính quyền đó nữa. Chính sự cạn kiệt tính chính danh đã trở thành động lực then chốt nhất để nhân dân tự giác tập hợp dưới ngọn cở Việt Minh, kiên quyết hướng tới một hình thái chính quyền mới, có thể gắn bó mật thiết với nhu cầu, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân.

>>Hoàn thiện chính sách và đội ngũ để bảo vệ sức khỏe nhân dân tốt hơn

Chính quyền phụng sự

Phế bỏ chế độ thực dân, nửa phong kiến, “Tuyên ngôn độc lập” đã tuyên bố sự thiết lập hình thái chính thể “Dân chủ cộng hòa” ở nước ta. Đó là hệ thống chính quyền “đại biểu cho toàn dân Việt Nam”, do nhân dân lập ra, tôn trọng các quyền tự do, dân chủ, và hoạt động vì lợi ích của nhân dân và dân tộc. Hẳn nhiên, một chính quyền nhân dân thì sẽ luôn ý thức về sứ mệnh phụng sự, chứ không phải cai trị nhân dân.

Sau khi đất nước được giải phóng và thống nhất, cả hệ thống chính trị vẫn vẹn nguyên khát vọng phụng sự “nhân dân”, thể hiện qua các mục tiêu “xã hội chủ nghĩa”, coi trọng lợi ích của số đông người dân. Dựa trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê Nin, và tư tưởng Hồ Chí Minh, mọi chính sách của Nhà nước đều hướng đến sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của đông đảo các lực lượng xã hội, chứ không phải phục vụ lợi ích vị kỷ của các nhóm thiểu số nào đó.

Tuy nhiên, sau hơn hai thập kỷ đầu đổi mới khá thành công, những dấu hiệu chính quyền “xa dân” cũng bắt đầu bộc lộ, gia tăng từ thập niên thứ nhất của thế kỷ 21. Một trong những biểu hiện “xa dân” nghiêm trọng nhất, tham nhũng, không chỉ làm thất thoát các nguồn lực phát triển đất nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ, mà trên hết là sự phản bội niềm tin về một chính quyền với sứ mệnh phụng sự nhân dân.

Công cuộc phòng, chống tiêu cực, tham nhũng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và thực hiện quyết liệt trong hai nhiệm kỳ gần đây chính là nỗ lực gia cố tính chính danh cho chính quyền. Những cán bộ thoái hóa, biến chất dứt khoát phải bị trừng trị để từng bước khôi phục liêm chính công quyền, vun đắp lòng tin của nhân dân, và định hình lại sứ mệnh phụng sự nhân dân của chính quyền.

Những âm hưởng hào hùng của ngày tuyên bố đất nước độc lập 78 năm về trước luôn nhắc nhở chúng ta rằng, chỉ có gắn bó chặt chẽ với lợi ích của nhân dân và dân tộc thì chính quyền mới có cơ sở chính đáng để tồn tại.

Chỉ có phụng sự nhân dân thì chính quyền mới thực sự là “của dân, do dân và vì dân”.

Có thể bạn quan tâm

  • ĐIỂM BÁO NGÀY 01/09: Chính quyền phụng sự nhân dân

    04:52, 01/09/2023

  • Người giới thiệu nhân sự phải chịu trách nhiệm trước đảng và nhân dân

    00:00, 21/08/2023

  • Hoàn thiện chính sách và đội ngũ để bảo vệ sức khỏe nhân dân tốt hơn

    16:10, 29/05/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chính quyền phụng sự Nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO