Chính quyền Thanh Hóa “ép” doanh nghiệp?

NHÓM PV 26/07/2020 04:30

Cố tình không trả lời, khiến doanh nghiệp không điều chỉnh được quy mô dự án, đẩy doanh nghiệp vào chỗ vi phạm để thu hồi đất.

Đây là khẳng định của luật sư Lê Quốc Hiền – Trưởng văn phòng luật sư Lê Quốc Hiền, Đoàn luật sư tỉnh Thanh Hóa về trường hợp Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Cẩm Trướng bị UBND tỉnh Thanh Hóa thu hồi dự án.

p/Hiện tại Công ty Cẩm Trướng đã mở rộng nhà máy, cải tiến dây truyền sản xuất, tạo công ăn việc làm cho hơn 300 lao động địa phương, với thu nhập hơn 6,5 triệu/tháng/người

Hiện tại Công ty Cẩm Trướng đã mở rộng nhà máy, cải tiến dây truyền sản xuất, tạo công ăn việc làm cho hơn 300 lao động địa phương, với thu nhập hơn 6,5 triệu/tháng/người

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin về việc, gần 10 năm doanh nghiệp liên tục có văn bản xin gia hạn giấy phép xây dựng, xin chấp thuận điều chỉnh quy mô thiết kế xây dựng nhưng nhận được sự “im lặng” của tỉnh Thanh Hóa dẫn đến doanh nghiệp bị thu hồi đất, đứng trước nguy cơ phá sản.

Hơn chục năm chưa xong thủ tục

Theo tài liệu của Diễn đàn Doanh nghiệp, năm 2009 tỉnh Thanh Hóa ban hành QĐ số 4353/QĐ-UBND thu hồi 7.976 m2 đất tại huyện Yên Định (tỉnh Thanh Hóa) để giao cho Công ty CP sản xuất và Thương mại Cẩm Trướng (Công ty Cẩm Trướng) thực hiện dự án sản xuất vật liệu xây dựng. Hình thức nhà nước giao đất 50 năm có thu tiền sử dụng đất để xây dựng Tổ hợp văn phòng và Siêu thị vật liệu xây dựng Cẩm Trướng. Công ty đã nộp tiền sử dụng đất một lần. Tuy nhiên, sau 4 năm có quyết định được bàn giao đất, năm 2013, TP Thanh Hóa mới ban hành QĐ số 1683 ngày 27/3/2013 phê duyệt dự toán bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) nốt hộ dân cuối cùng để bàn giao đất cho Công ty.

Trong thời gian Cty Cẩm Trướng đang khởi kiện UBND tỉnh Thanh Hóa ra tòa và vụ kiện đang được tòa thụ lý, UBND tỉnh Thanh Hóa lại ban hành văn bản số 4831 giao cho Sở TN&MT tham mưu bổ sung khu đất vào kế hoạch đấu gia quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Lưu Ngọc Luân – Giám đốc Công ty CP sản xuất và Thương mại Cẩm Trướng, trách nhiệm GPMB là của UBND TP Thanh Hóa bởi Công ty đã nộp tiền sử dụng đất 1 lần cho cả 50 năm. Trải qua quãng thời gian dài như vậy, cho đến thời điểm này nhu cầu về quảng bá sản phẩm vật liệu xây dựng trên thị trường Thanh Hóa không còn phát triển như trước nữa, nếu xây dựng như quy mô mà Công ty đã phê duyệt theo quyết đinh số 47 ngày 28/7/2009 thì Công ty sẽ bị phá sản. Tuy nhiên, các kiến nghị xin điều chỉnh thiết kế xây dựng mà Công ty đã báo cáo Sở Xây dựng và UBND tỉnh Thanh Hóa đến hết năm 2012 vẫn chưa được UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản chấp thuận.

Tiếp đó, Công ty Cẩm Trướng liên tục có nhiều văn bản kiến nghị về việc xin gia hạn Giấy phép xây dựng, gia hạn chứng chỉ quy hoạch, xin chấp thuận điều chỉnh quy mô của thiết kế xây dựng nhưng vẫn nhận được sự “bặt vô âm tín” từ tỉnh Thanh Hóa.

Các biên bản kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền đã khẳng định Công ty Cẩm Trướng từ năm 2012 đến năm 2014 đã và đang liên tục sử dụng đất và có các văn bản đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa điều chỉnh quy mô dự án cho phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty.

Bên cạnh đó, Công ty Cẩm Trướng cũng đã có các văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc xin gia hạn Giấy phép xây dựng, gia hạn chứng chỉ quy hoạch và xin chấp thuận điều chỉnh thiết kế lần 2. Tất cả các kiến nghị nêu trên của Công ty trong một thời gian dài đều không được phản hồi.

Tỉnh Thanh Hóa sai luật?

Trao đổi với Diễn Đàn Doanh nghiệp, luật sư Lê Quốc Hiền – Trưởng văn phòng luật sư Lê Quốc Hiền, Đoàn luật sư tỉnh Thanh Hóa cho rằng, trong trường hợp của Công ty Cẩm Trướng thì đây là dự án thuộc trường hợp do chính doanh nghiệp tự phê duyệt đầu tư cho nên Công ty được quyền thay đổi, điều chỉnh thiết kế xây dựng theo luật quy định tại khoản 3 Điều 61; điểm d khoản 1 Điều 72 Luật xây dựng 2014.

Cụ thể khoản 3 Điều 61 quy định: “việc điều chỉnh dự án sử dụng vốn khác do người quyết định đầu tư quyết định trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu về quy hoạch, an toàn, bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ, quốc phòng, an ninh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận”. Và điểm d khoản 1 Điều 72 Luật Xây dựng 2014 quy định: “thay đổi, điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng khi thấy cần thiết phù hợp với quy định tại Điều 61 của Luật này”.

Đồng thời, Luật Xây dựng quy định, cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện phê duyệt thiết kế đã được Công ty điều chỉnh. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền không phê duyệt thì doanh nghiệp có quyền khởi kiện đến tòa án để đề nghị tòa án bác bỏ quyết định hành chính hoặc hành vi không phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền về việc không cho phép doanh nghiệp điều chỉnh dự án.

LS Hiền cho rằng, việc cố tình không trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp trong các lần thanh, kiểm tra, không thực hiện các yêu cầu của doanh nghiệp là đã lẫn tránh trách nhiệm để đẩy doanh nghiệp vào chỗ bế tắc, không điều chỉnh được quy mô dự án, không có căn cứ để khởi kiện đến tòa án. Đây thực sự là hành vi trái pháp luật (không hành động) đẩy doanh nghiệp vào chỗ vi phạm để thu hồi đất.

Đặc biệt, theo luật sư Lê Quốc Hiền, tại quyết định thu hồi đất của Công ty Cẩm Trướng, UBND tỉnh Thanh Hóa đã áp dụng sai điều luật khi ban hành quyết định: Theo quy định của điểm i, khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai 2013 là quy định được áp dụng đối với những chủ thể được giao đất, cho thuê đất trả tiền hàng năm hoặc chủ thể vi phạm về việc “không sử dụng đất”.

Công ty Cẩm Trướng được bồi thường quyền sử dụng đất, được giao đất để sử dụng vào mục đích: Đất cơ sở sản xuất kinh doanh (Xây dựng tổ hợp văn phòng và siêu thị vật liệu xây dựng) chứ không phải Công ty xin giao đất để thực hiện dự án đầu tư theo luật đầu tư 2005, Luật Đầu tư 2014; Do vậy, việc áp dụng điểm i, khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai 2013 là không phù hợp.

Theo tìm hiểu của PV, hiện khu đất mà Công ty Cẩm Trướng đang sử dụng được đánh gia là khu đất “vàng” mới nổi của tỉnh Thanh Hóa được nhiều đại gia bất động sản “nhòm ngó”. Việc tỉnh Thanh Hóa giữ “im lặng” và bất ngờ thu hồi đất của Công ty này mà không hề gia hạn theo quy định. Sau đó, tỉnh quy hoạch lại để giao bán đấu giá khiến dự luận không khỏi băn khoăn trước sự minh bạch, công bằng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh Thanh Hóa và sự mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư muốn đến đầu tư.

Luật sự Nguyễn Thanh Hải – Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hoá:

Trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 64 Luật đất đai 2013 thì, đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng. Trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này. Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.

Ông Lưu Huy Hà – Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc Công ty CP Hoàng Hà:

Việc chính quyền tỉnh Thanh Hoá không giải quyết nguyện vọng điều chỉnh quy mô dự án, quy mô xây dựng của Công ty Cẩm Trướng mà lại bắt Công ty phải khởi công xây dựng theo ý chỉ của Lãnh đạo Sở TN&MT là không phù hợp pháp luật. Các dự án đầu tư nói chung thường xin điều chỉnh quy mô dự án thêm tầng, mở rộng mới khó vì sẽ ảnh hưởng quy hoạch tổng thể của địa phương, còn giảm tầng, thu nhỏ quy mô như trường hợp Công ty Cẩm Trướng thì không thể làm khó họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chính quyền Thanh Hóa “ép” doanh nghiệp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO