Chính sách khoan hồng và vấn đề phá vỡ thỏa thuận sử dụng giá để hạn chế cạnh tranh

Luật sư Phạm Hoài Huấn 27/02/2020 04:30

Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (HCCT) giữa các đối thủ cạnh tranh nhằm đạt đến mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận thông qua việc thống nhất hành động.

Các thỏa thuận này, đa phần là các thỏa thuận ngầm và diễn ra trong bí mật. Do đó, việc chứng minh sự tồn tại của các thỏa thuận để có thể xử lí theo qui định pháp luật là rất khó khăn. Kinh nghiệm của thế giới là, chỉ có thể chống lại các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh một cách hữu hiệu khi có được sự hợp tác từ chính các bên tham gia thỏa thuận. Nhưng làm thế nào để các doanh nghiệp tự nguyện hợp tác với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi họ đang hưởng lợi nhuận lớn chính từ các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh?

Phương pháp cơ bản đó là phải khai thác những nhân tố làm cho các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trở nên kém ổn định. Đồng thời, đưa ra những lựa chọn mang tính xung đột về lợi ích của từng doanh nghiệp đặt trong tương quan của lợi ích của lợi ích nhóm doanh nghiệp tham gia thỏa thuận HCCT. Những vấn đề này, sẽ được giải quyết thông qua chính sách khoan hồng được xây dựng dựa trên nền tảng của Lý thuyết trò chơi.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Khái niệm

Ngay từ những phiên thảo luận được tiến hành từ tháng 02 năm 2000 được tổ chức bởi OECD, các bên tham gia đã xác định việc chống lại các thỏa thuận HCCT là rất khó khăn. “Thách thức trong việc chống lại các thỏa thuận HCCT nghiêm trọng là vạch trần các thỏa thuận bí mật của họ. Để khuyến khích một thành viên của thỏa thuận thú nhận và cung cấp các bằng chứng trực tiếp mang tính “bên trong” về cuộc họp bí mật và cách thức trao đổi thông tin liên lạc của họ, cơ quan cạnh tranh có thể hứa hẹn một sự giảm tiền phạt, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thậm chí là ân xá”.

Có nhiều thuật ngữ khác nhau để nói về chính sách khoan hồng. Phổ biến nhất có thể kể đến là “chương trình khoan hồng”, “sự ân xá”, “sự giảm nhẹ hình phạt” hoặc “miễn truy tố”.

“Hình thức rõ ràng nhất của chính sách khoan hồng là sự ân xá. Theo luật của Hoa Kỳ, các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị coi là hành vi phạm tội, “khoan hồng” có nghĩa là miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo pháp luật của liên minh Châu Âu, khoan hồng được hiểu là việc giảm tiền phạt. Ở những nơi khác, thì khoan hồng có thể được xem xét ở khía cạnh miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc miễn trách nhiệm bồi thường của các cá nhân”.

Theo pháp luật của Hoa Kỳ, “khoan hồng được hiểu là việc doanh nghiệp báo cáo các hoạt động vi phạm pháp luật của họ ngay từ giai đoạn đầu, nếu họ đáp ứng những điều kiện nhất định. “Khoan hồng” được hiểu là không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi được khai báo”.

Ở Hoa Kỳ, thuật ngữ “giảm trừ”, “khoan hồng”, và “ân xá” đều có ý nghĩa như nhau và đều mang hàm ý miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một công ty và người lao động của nó. Theo chính sách khoan hồng dành cho doanh nghiệp của Hoa Kỳ, chính sách này chỉ áp dụng cho một công ty duy nhất. Ở những nơi khác, như EU., chính sách khoan hồng có thể đưa ra mức giảm lên đến 100% tiền phạt (còn được gọi là giảm trừ hoàn toàn).

Như vậy, có thể hiểu một cách chung nhất chính sách khoan hồng là một hệ thống/ chính sách được công bố rộng rãi, theo đó “một phần hay toàn bộ các biện pháp phạt/ chế tài sẽ được miễn hoặc giảm nếu thành viên của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh báo cáo với cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đó và đáp ứng được những điều kiện mà pháp luật qui định”.

Đặc điểm

Chính sách khoan hồng là một chương trình giảm hình phạt tiền, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc là một sự ân xá.

Bản chất của chính sách khoan hồng là tạo nên động lực cho các doanh nghiệp tự nguyện khai báo hành vi thỏa thuận HCCT. Một trong những tiền đề cơ bản để chính sách khoan hồng có thể phát huy giá trị, song hành với việc miễn giảm hình phạt cho các doanh nghiệp hợp tác với cơ quan cạnh tranh, đó là việc phải có chế tài thật nặng đối với các thỏa thuận HCCT. Theo OECD, cần thiết phải để các bên hiểu rằng “Mức độ nghiêm trọng của các hình phạt có thể xảy ra, và do đó ý nghĩa của việc miễn/ giảm hình phạt mà chính sách khoan hồng mang lại, là một yếu tố quan trọng. Ngoài ra, nguy cơ truy cứu trách nhiệm của các cá nhân có thể là một động lực mạnh mẽ.

Nguyên lí này cũng có thể tìm thấy trong chính sách khoan hồng mà Hoa Kỳ áp dụng. Theo đó, việc miễn hoặc giảm hình phạt cho các bên trong chính sách khoan hồng, được nhìn nhận như là một phần trong chiến lược “Cây gậy và củ cà rốt”. Bộ phận chống độc quyền đã dành hai thập kỷ qua xây dựng và thực hiện chiến lược "Cây gậy và Củ cà rốt" bằng cách kết hợp các phần thưởng cho việc tiết lộ tự nguyện và hợp tác kịp thời theo chính sách khoan hồng dành cho doanh nghiệp của Bộ phận chống độc quyền với các biện pháp chế tài trầm trọng.

Đối tượng áp dụng của chính sách khoan hồng là các bên tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hoặc các cá nhân có liên quan.

Với mục đích nhằm phá vỡ các thỏa thuận HCCT, chính sách khoan hồng được áp dụng trước hết với các doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào các thỏa thuận. Lí do của điều này là vì hơn ai hết, họ là những người trực tiếp tham gia, nên họ sẽ cung cấp được các chứng cứ với tính chất là người “bên trong”. Các chứng cứ này có thể xoay quanh các nội dung như: các bên tham gia thỏa thuận, nội dung thỏa thuận, cách thức liên lạc...

Tuy vậy, chính sách khoan hồng cũng có thể áp dụng đối với các cá nhân như người quản lý doanh nghiệp và/ hoặc người lao động trong doanh nghiệp tham gia thỏa thuận. Nguyên lý cơ bản của chính sách khoan hồng là nhằm tạo ra cuộc đua giữa các doanh nghiệp để giành lấy quyền được hưởng miễn trừ, thì bằng việc dành quyền miễn trừ cho các cá nhân người quản lý và người lao động trong doanh nghiệp, cơ quan cạnh tranh có thể thúc đẩy cuộc đua xin miễn trừ này càng trở nên mạnh mẽ hơn.

Theo pháp luật cạnh tranh của Hoa Kỳ, nước này có hai chính sách khoan hồng, được áp dụng đối với Doanh nghiệp và Cá nhân.

Miễn trừ trách nhiệm hình sự sẽ được tự động phê chuẩn nếu doanh nghiệp tự báo cáo về hành vi thỏa thuận HCCT trước khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra, đồng thời phải thỏa mãn một số điều kiện bổ sung khác (“Bản tự báo cáo”). Giám đốc, nhân viên, người lao động của doanh nghiệp tự thú nhận có liên quan đến hành vi thỏa thuận HCCT của doanh nghiệp trong Bản tự báo cáo trên cũng được miễn trừ khỏi trách nhiệm hình sự nếu đáp ứng được một số điều kiện cụ thể.

Chính sách khoan hồng cho cá nhân được áp dụng cho các cá nhân nộp đơn lên DOJ bằng tư cách cá nhân, không bao gồm trong Bản tự báo cáo của doanh nghiệp. Nhìn chung, các điều kiện để được phê chuẩn miễn trừ hình sự đối với cá nhân tương tự với các quy định miễn trừ hình sự đối với doanh nghiệp.

Chính sách khoan hồng là một chương trình miễn, giảm hình phạt được áp dụng có điều kiện

Khi dành cho các doanh nghiệp vi phạm pháp luật cạnh tranh được hưởng miễn, giảm hình phạt hoặc thậm chí là miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan cạnh tranh sẽ đưa ra rất nhiều điều kiện. Nói cách khác, mặc dù chính sách khan hồng là một chương trình công khai và dễ dàng tiếp cận, nhưng doanh nghiệp phải chứng minh việc hợp tác của mình là có lợi cho cơ quan cạnh tranh thông qua việc cung cấp các thông tin một cách đầy đủ hoặc có ý nghĩa trong việc phá vỡ thỏa thuận HCCT. Ngoài yêu cầu về thông tin, các điều kiện còn được qui định trong chương trình khoan hồng của các nước có thể liên quan đến khía cạnh tính họp tác toàn diện, thứ tự ưu tiên theo thời điểm nộp đơn. Ngoài ra, thông thường doanh nghiệp muốn được hưởng chính sách khoan hồng bắt buộc không được là doanh nghiệp chủ mưu, lôi kéo hoặc đe dọa các doanh nghiệp khác tham gia thỏa thuận HCCT. Ví dụ trong chính sách khoan hồng dành cho doanh nghiệp trong pháp luật cạnh tranh Hoa kỳ, muốn được hưởng chính sách khoan hồng thì doanh nghiệp nộp đơn phải thỏa mãn điều kiện là không ép buộc một bên khác tham gia vào thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và rõ ràng không phải là người đứng đầu hoặc là người khởi xướng thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.

Cơ sở kinh tế xây dựng chính sách khoan hồng

Chính sách khoan hồng được xây dựng, nhằm tạo động lực để các doanh nghiệp hợp tác với cơ quan cạnh tranh trong quá trình xử lí các thỏa thuận HCCT. Chính sách này đặc biệt có ý nghĩa to lớn trong bối cảnh các thỏa thuận HCCT được tiến hành một cách bí mật và cơ quan cạnh tranh hầu như không có hoặc có rất ít chứng cứ về thỏa thuận.

Cơ sở nền tảng của chính sách khoan hồng được xây dựng trên nguyên lí của lý thuyết trò chơi.

Lý thuyết trò chơi

Lý thuyết trò chơi là nghiên cứu về cách hành xử của con người trong những hoàn cảnh chiến lược. Ví dụ điển hình của lý thuyết trò chơi là Tình thế lưỡng nan của hai tù nhân. Theo đó, tình thế lưỡng nan của hai tù nhân được hiểu là “một "trò chơi" đặc biệt giữa hai tù nhân bị bắt giữ để minh họa cho khía cạnh tại sao rất khó khăn để duy trì sự hợp tác ngay cả khi sự hợp tác này là có lợi cho cả hai bên”.

Có thể diễn giải tình thế lưỡng nan này như sau:

Hai tù nhân đang bị điều tra về một hành vi phạm tội mà họ là các bị can. Họ bị giam ở hai nhà giam riêng biệt và không thể giao tiếp với nhau. Mỗi người đều được cơ quan điều tra yêu cầu khai ra hành vi phạm tội.

  • Nếu cả hai tù nhân tố cáo lẫn nhau, mỗi người sẽ bị phạt tù 5 năm.
  • Nếu cả hai cùng im lặng, việc truy tố sẽ rất khó khăn, vì vậy các tù nhân có quyền được bào chữa và mong đợi mức phạt tù tối đa là 2 năm.
  • Mặt khác, nếu một tù nhân tố cáo và người còn lại thì không, người tố cáo sẽ chỉ bị 1 năm tù giam, trong khi người kia thì sẽ bị phạt tù 10 năm.

Ma trận của tình thế lưỡng nan này có thể được biểu diễn thông qua bảng sau đây:

Trong mỗi ô trên bảng, góc trên bên phải là hình phạt tù dành cho tù nhân B, còn góc dưới bên trái là hình phạt tù dành cho tù nhân A.

Nhìn vào ma trận, ta thấy lựa chọn tối ưu cho cả hai tù nhân A và B đó là cùng im lặng, không tố cáo lẫn nhau. Kết quả của lựa chọn này đó là, tối đa cả hai chỉ bị 2 năm tù. Đi vào cụ thể hơn, có thể bắt đầu bằng lựa chọn của tù nhân A. Rõ ràng, A biết kết quả ở góc dưới cùng bên phải (cả hai tù nhân cùng im lặng) là lựa chọn tối ưu. Nhưng vấn đề là, hai tù nhân đang bị giam ở hai phòng khác nhau, không có cách gì liên lạc với nhau được. Cho nên, sẽ là rất rủi ro nếu A lựa chọn phương án không tố cáo, trong khi B lại tố cáo A. Kết quả trong trường hợp này, A sẽ phải chịu 10 năm tù giam.

Chiến lược không tố cáo, về mặt kinh tế học được xác định là chiến lược bị áp đảo (dominated strategy). Đây là một chiến lược mang tính thụ động. Vì với lựa chọn không tố cáo, tù nhân A không thể kiểm soát được kết quả của lựa chọn, mà kết quả này phụ thuộc vào lựa chọn của tù nhân B.

Nếu tù nhân A lựa chọn chiến lược tố cáo, chiến lược này được coi là chiến lược áp đảo (dominate strategy). Hãy hình dung khi A tiến hành tố cáo, kết quả của lựa chọn này là nếu tù nhân B không tố cáo, thì A chỉ bị một năm tù giam. Trong trường hợp xấu nhất B cũng tố cáo, thì A cũng chỉ bị giam tối đa là 5 năm. So sánh giữa chiến lược áp đảo và chiến lược bị áp đảo, thì chiến lược áp đảo là chiến lược tối ưu cho A. Vì nếu chiến lược áp đảo thành công, A sẽ chỉ bị giam 1 năm. Trong khi đó, nếu lựa chọn chiến lược thụ động thì ngay cả khi đạt được kết quả tối ưu (ô dưới cùng bên phải), A vẫn bị giam giữ 2 năm. Trong khi đó, rủi ro trong chiến lược áp đảo được giới hạn ở 5 năm tù, so với chiến lược bị áp đảo là 10 năm tù.

Từ đó, có thể thấy, chiến lược áp đảo là lựa chọn tối ưu cho các tù nhân trong tình thế lưỡng nan.

Ứng dụng của lý thuyết trò chơi vào việc xây dựng chính sách khoan hồng trong pháp luật cạnh tranh

Khi giam giữ các tù nhân ở hai phòng giam riêng biệt, cơ quan điều tra mong muốn tù nhân hợp tác với họ trong quá trình điều tra thông qua việc để cho tù nhân tự nhận thức rằng chiến lược áp đảo là chiến lược tối ưu cho lợi ích của họ. Để các doanh nghiệp trong một thỏa thuận HCCT hợp tác với cơ quan cạnh tranh trong quá trình điều tra một thỏa thuận HCCT cũng tương tự như việc khiến các tù nhân trong tình thế lưỡng nan lựa chọn chiến lược áp đảo. Muốn vậy, nguyên lý căn bản mà pháp luật cạnh tranh phải ưu tiên đó là tạo ra một nguy cơ để doanh nghiệp phải lo lắng nếu doanh nghiệp không tự nguyện hợp tác với cơ quan cạnh tranh.

Mặt khác, như trên đã phân tích, chiến lược áp đảo là lựa chọn tối ưu của các doanh nghiệp. Nhưng nếu trong trường hợp lợi ích của việc tuân thủ các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là quá lớn so với nguy cơ bị xử lí và nếu các doanh nghiệp có thời gian để trao đổi thông tin và đưa ra phương án ứng phó, tình hình có thể khác đi. Bởi giả định của tình thế lưỡng nan là các tù nhân bị giam ở các phòng giam khác nhau và không thể liên lạc với nhau được. Nhưng đối với các thỏa thuận HCCT trên thực tế, các doanh nghiệp vẫn dễ dàng trao đổi thông tin với nhau. Cho nên, để chính sách khoan hồng phát huy tác dụng, nhất thiết phải tạo ra một “cuộc đua” giữa các doanh nghiệp nhằm tranh giành sự khoan hồng của pháp luật;

Việc một doanh nghiệp phản bội các doanh nghiệp khác thông qua việc hợp tác và cung cấp thông tin cho cơ quan cạnh tranh xử lí các doanh nghiệp còn lại, doanh nghiệp hoặc các cá nhân có liên quan này có thể đứng trước nguy cơ bị trả thù/ trả đũa. Chính điều này sẽ tạo nên những trở ngại đối với chính sách khoan hồng. Do đó, vấn đề bảo đảm tính bí mật về thông tin của những doanh nghiệp hoặc cá nhân cung cấp thông tin phải là một phần nội dung trong chính sách khoan hồng;

Khía cạnh cuối cùng khi ứng dụng lý thuyết trò chơi vào trong việc xây dựng chính sách khoan hồng chính là tính khó dự đoán trong lựa chọn hành động của đối phương. Chẳng hạn, trong tình thế lưỡng nan, chỉ có hai người chơi nên một tù nhân chỉ có hai lựa chọn là tố cáo hoặc không tố cáo. Bằng thói quen, mối quan hệ giữa hai bên trong quá khứ và những yếu tố bổ trợ khác, xác suất để tù nhân có thể dự đoán lựa chọn của tù nhân còn lại ngay cả khi không thể liên lạc với nhau được vẫn là rất cao. Nhưng khi cuộc chơi có nhiều người hơn, chẳng hạn 3, 4 hoặc nhiều hơn, khả năng dự đoán giảm đi.

Đồng thời, nó làm tăng nguy cơ bị tố cáo. Nên lựa chọn an toàn là chọn chiến lược tố cáo. Vấn đề là như trên đã phân tích, trong những thị trường tồn tại nhiều doanh nghiệp, khả năng xảy ra các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh rất thấp. Nói cách khác, khía cạnh kinh tế đã chứng minh rằng các thỏa thuận cạnh tranh chỉ xảy ra trong các thị trường có mức độ tập trung cao. Các thỏa thuận ấn định giá hoạt động tốt trong một số mô hình thị trường so với các mô hình thị trường khác, đôi khi có những thị trường không thể tiến hành được.... Một thị trường với số lượng càng ít doanh nghiệp thì càng dễ tiến hành các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.

Cho nên, pháp luật cạnh tranh cần phải có cách thức để mặc dù số lượng doanh nghiệp tham gia thỏa thuận HCCT không cao, nhưng vẫn có thể ngăn ngừa hoặc giới hạn khả năng dự đoán phản ứng của các doanh nghiệp khi đối diện với cơ quan cạnh tranh. Việc dành quyền khai báo cho người lãnh đạo và người lao động trong doanh nghiệp được coi như là một trong những cách thúc đẩy các doanh nghiệp khai báo về thoả thuận HCCT.

Chính sách khoan hồng trong pháp luật cạnh tranh của Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ

Cơ sở pháp lý của chính sách khoan hồng của Liên Minh Châu Âu

  • Thông báo của Ủy ban Châu Âu về miễn trừ và giảm trừ hình phạt đối với các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh năm 2006 (2006/C 298/11)
  • Hướng dẫn của Ủy ban Châu Âu về phương pháp xác định mức phạt áp dụng theo Điều 23(2)(a) của qui chế số 1/2003 (2006/C 210/02)
  • Thông báo của Ủy ban Châu Âu về qui tắc tiếp cận các tài liệu của Ủy ban trong các vụ việc theo Điều 81, 82 của Hiệp định thành lập liên minh Châu Âu, Điều 53, 54 và 57 của EEA Agreement and Council Regulation (EC) số 139/2004 (2005/C 325/07).

Cơ sở pháp lý của chính sách khoan hồng của Hoa Kỳ

“Chính sách khoan hồng lần đầu tiên được Bộ tư pháp (DOJ) của Mỹ giới thiệu năm 1978. Tại thời điểm này, chính sách khoan hồng chỉ áp dụng cho các tổ chức và chưa thực sự thành công cho đến khi được thay thế bằng Chính sách khoan hồng cho tổ chức 1993 và Chính sách khoan hồng cho cá nhân 1994”.

Về nội dung, có sự tương đồng khá rõ nét giữa Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu về chính sách khoan hồng. Tuy vậy về mặt kỹ thuật lập pháp, Hoa Kỳ thì đối tượng áp dụng của chương trình khoan hồng, là các cá nhân và công ty, được qui định ở hai văn bản độc lập với hai qui trình áp dụng riêng. Có thể nói cơ cở pháp lý cơ bản và quan trọng của Hoa Kỳ bao gồm:

  • Chính sách khoan hồng cho Công ty 1993
  • Chính sách khoan hồng cho cá nhân 1994

Các qui định cụ thể về chính sách khoan hồng

Văn bản pháp lý quan trọng nhất của chính sách khoan hồng trong pháp luật cạnh tranh của liên minh Châu Âu là Thông báo của Ủy ban Châu Âu về việc miễn và giảm hình phạt đối với các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (sau đây gọi tắt là Thông báo 2006). Với sự ra đời của Thông báo 2006 này, Ủy ban Châu Âu (sau đây gọi tắt là EC) đã thay thế các qui định chính sách khoan hồng trong pháp luật cạnh tranh theo Thông báo năm 1996 và thông báo 2002.

Theo đó, “Ủy ban cho rằng vì lợi ích của cộng đồng, cần thiết phải dành phần thưởng cho những doanh nghiệp đã tham gia vào các thỏa thuận trái pháp luật nhưng đã sẵn sàng chấm dứt hành vi vi phạm và hợp tác với các cuộc điều tra của Ủy ban”. Như vậy, bằng qui định này của Thông báo 2006, EC đã tạo ra một qui định mang tính minh bạch đối với các bên có liên quan nhằm tạo ra cơ chế phân hóa các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Theo đó, doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác với cơ quan điều tra, chỉ cần đáp ứng được điều kiện đầu tiên, xuyên suốt và hiệu quả thì có thể được EC cân nhắc để giảm hình phạt.

Đến đây, Liên minh Châu Âu đã áp dụng một cách hiệu quả hiệu ứng của chiến lược áp đảo trong lý thuyết trò chơi vào chương trình khoan hồng. Chiến lược áp đảo được hiểu là chiến lược tố cáo tù nhân còn lại, để chắc chắn nhận định sự ân xá (1 năm tù) hoặc chắc chắn là mức phạt từ tối đa chỉ là 5 năm.

Theo đó, khía cạnh này của lý thuyết trò chơi được biểu hiện trong chương trình khoan hồng như sau:

Một là: Về mặt thủ tục, doanh nghiệp có thể tiến nhận các mẫu đơn để khai báo trực tiếp hoặc có thể đăng kí giữ chỗ (marker) để có thời gian chuẩn bị hồ sơ.

Một bên muốn nộp đơn cho chương trình khoan hồng sẽ nộp đơn cho Tổng cục cạnh tranh (the Commission's Directorate General for Competition). Doanh nghiệp/ cá nhân liên quan có thể lựa chọn việc đăng kí giữ chỗ (marker) hoặc nộp đơn tham gia chương trình khoan hồng một cách trực tiếp ngay lập tức, nếu như đáp ứng các điều kiện qui định tại điểm (8)(a) hoặc (8)(b).

Qui định này trong Thông báo 2006 có ý nghĩa phát huy tính chắc chắn trong lựa chọn của các bên. Rõ ràng, muốn doanh nghiệp lựa chọn chiến lược khai báo, pháp luật cạnh tranh phải có qui định để bảo đảm rằng, lựa chọn khai báo sẽ mang kết quả dễ dự đoán hơn so với việc không khai báo. Vấn đề là, vì nhiều lí do khác nhau, không phải lúc nào doanh nghiệp cũng có đầy đủ các thông tin mà Ủy ban Châu Âu yêu cầu. Do vậy, việc đưa ra lựa chọn nộp đơn trực tiếp, tiến hành khai báo ngay và nộp đơn xin giữ chỗ nhằm bảo đảm tính “hợp tác đầu tiên” là một qui định có ý nghĩa tích cực trong việc tạo động lực để doanh nghiệp khai báo.

Hai là: Muốn được giảm hình phạt, doanh nghiệp phải cung cấp các thông tin có ý nghĩa đối với các cuộc điều tra và quan trọng là các thông tin này EC chưa có.

Một khi Ủy ban nhận được các thông tin và bằng chứng được doanh nghiệp nộp theo qui định tại điểm (16) (a) và các thông tin, bằng chứng này đáp ứng các điều kiện tại điểm (8)(a) hoặc (8)(b), Ủy ban sẽ cấp cho doanh nghiệp giấy xác nhận miễn phạt có điều kiện.

Bản chất của các thỏa thuận, đặc biệt là các thỏa thuận tiến hành trong thời gian dài và kết hợp nhiều hình thức khác nhau như thỏa thuận ấn định giá, phân chia thị trường, thỏa thuận cắt giảm sản lượng...là rất phức tạp. Cho nên, ngay cả khi có người “bên trong” cung cấp thông tin và bằng chứng, không có nghĩa là Ủy ban Châu Âu vì thế mà có được đầy đủ các thông tin cần thiết để xử lí các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Do vậy, bằng việc mở rộng các đối tượng áp dụng của chương trình khoan hồng, Ủy ban Châu Âu đã giải quyết được hai vấn đề:

Một là: Mở rộng kênh cung cấp thông tin, qua đó gia tăng khả năng chống lại các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh,

Hai là: Thông qua việc cho phép nhiều đối tượng được tham gia vào việc cung cấp thông tin, Ủy ban Châu Âu cũng đã làm cho nguy cơ bị phát hiện của các thỏa thuận trở nên cao hơn. Khi mà lựa chọn không khai báo trở thành lựa chọn không chắc chắn, thì chiến lược khai báo trở thành lựa chọn tối ưu.

Cụ thể, theo điểm 23 của Thông báo 2006, các doanh nghiệp có thể khai báo về việc họ đã tham gia vào môt thỏa thuận hạn chế cạnh tranh mặc dù không đáp ứng được các điều kiện theo phần II của Thông báo vẫn có có khả năng được hưởng lợi từ việc giảm hình phạt.

Điều kiện để được giảm hình phạt đó là các doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện:

  • Việc hợp tác này không đáp ứng được các điều kiện của Thông báo 2006 về việc miễn hình phạt,
  • Thông tin và/ hoặc bằng chứng cung cấp phải tạo nên giá trị cộng thêm vào các bằng chứng mà Ủy ban Châu Âu đã có.

Đồng thời, ngay cả trong trường hợp này, Ủy ban Châu Âu cũng tạo ra cuộc tranh đua giữa các doanh nghiệp khi tạo ra cơ chế phân loại mức giảm hình phạt dựa trên tiêu chí doanh nghiệp đến càng sớm, mức giảm càng lớn

  • Doanh nghiệp đầu tiên: 30 – 50%
  • Doanh nghiệp thứ hai: 20 – 30%
  • Các doanh nghiệp sau đó: Mức giảm tối đa đến 20%

Nhằm xác định mức giảm cho mỗi trường hợp, Ủy ban Châu Âu sẽ xem xét dựa trên thời điểm mà doanh nghiệp nộp các bằng chứng được xác định là tạo nên giá trị cộng thêm thêm điểm 24 của Thông báo 2006[14].

Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, ba nền tảng quan trọng cần phải thực hiện để nhằm bảo đảm sự thành công của chương trình khoan hồng được xác định là:

  • Thứ nhất, pháp luật chống độc quyền phải đưa ra những chế tài nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp tham gia vào các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nghiêm trọng và không tự khai báo;
  • Thứ hai, các doanh nghiệp phải nhận thức được nguy cơ cao về việc phát hiện bởi cơ quan chống độc quyền nếu họ không tự khai báo;
  • Thứ ba, phải có tính minh bạch và khả năng dự đoán được trong phạm vi rộng nhất có thể trong suốt chương trình thực thi pháp luật chống các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, để các công ty có thể tiên đoán với mức độ chắc chắn cao về cách họ sẽ được đối xử như thế nào nếu họ tìm kiếm sự khoan hồng, và hậu quả sẽ ra sao nếu không hợp tác.

Như trên đã đề cập, pháp luật cạnh tranh của Hoa Kỳ có hai chương trình khoan hồng riêng biệt dành cho công ty và cá nhân với các điều kiện khác nhau. Tuy vậy, so với chương trình khoan hồng của Liên minh Châu Âu, chương trình khoan hồng của Hoa Kỳ mang tính dễ dự đoán hơn và rõ ràng. Theo đó, công ty chỉ cần tiến hành khai báo trước khi cuộc điều tra bắt đầu và đáp ứng các điều kiện được qui định tại mục A. Cụ thể:

  1. Vào thời điểm công ty đưa ra báo cáo về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, Bộ phận Chống hạn chế cạnh tranh đã không nhận được thông tin về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được báo cáo từ bất kỳ nguồn nào khác;
  2. Công ty khi tiến hành báo cáo, đã hành động kịp thời và hiệu quả để chấm dứt vai trò của mình trong các hoạt động liên quan đến thỏa thuận hạn chế cạnh tranh;
  3. Công ty báo cáo với sự công bằng và đầy đủ và cung cấp sự hợp tác đầy đủ, liên tục và đầy đủ cho Bộ phận Chống hạn chế cạnh tranh trong suốt quá trình điều tra;
  4. Hành vi khai báo thực sự là hành động của công ty, chứ không phải là những lời thú tội riêng biệt mang tính cá nhân của các giám đốc điều hành hoặc các nhân viên quản lý;
  5. Trường hợp có thể, công ty bồi thường cho các bên bị thiệt hại; Và
  6. Công ty không ép buộc một bên khác tham gia vào thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và rõ ràng không phải là người đứng đầu hoặc là người khởi xướng thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.

Như vậy, qua 6 điều kiện được qui định trong trong mục A. 1-6 của chính sách khoan hồng dành cho công ty, rõ ràng pháp luật của Hoa Kỳ đã thể hiện một cách minh thị, những doanh nghiệp có vai trì chủ chốt, khởi xướng cũng như ép buộc doanh nghiệp khác thì không thể là đối tượng được áp dụng chính sách này.

Cần lưu ý là, khi áp dụng chính sách khoan hồng theo chính sách khoan hồng dành cho công ty, thì người quản lý trong công ty cũng đương nhiên được hưởng chính sách này, nếu đáp ứng được các điều kiện của chính sách khoan hồng. Vì vậy nên, điều kiện thứ 4 trong mục A của chính sách qui định “Hành vi khai báo thực sự là hành động của công ty, chứ không phải là những lời thú tội riêng biệt mang tính cá nhân của các giám đốc điều hành hoặc các nhân viên quản lý”.

Theo chính sách khoan hồng của Mỹ, không có quy định giảm trừ cố định cho các doanh nghiệp, cá nhân nộp đơn thứ hai mà tùy thuộc vào sự quyết định của DOJ trên cơ sở cân nhắc từng vụ việc cụ thể. Ở Mỹ, tòa án sẽ dựa vào các nguyên tắc được nêu trong bộ Hướng dẫn quyết định hình phạt (Hướng dẫn) của Ủy ban quyết định hình phạt Hoa Kỳ làm căn cứ để tuyên một bản án có mức hình phạt thấp hơn mức hình phạt tối thiểu mà luật quy định nếu đương sự có những hỗ trợ hữu hiệu cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc điều tra, xử lý TTHCCT. Theo thực tiễn áp dụng của DOJ, mức giảm trừ dựa trên sự hợp tác đối với các doanh nghiệp nộp đơn thứ hai sẽ dao động trong khoảng từ 30% đến 35% của mức phạt tối thiểu quy định tại Hướng dẫn.

Trong một số trường hợp cá biệt, DOJ chấp thuận một khoản giảm trừ tối đa lên đến 59% của mức hình phạt thấp nhất trong Hướng dẫn. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp nộp đơn thứ hai này còn có thể được hưởng một số ưu đãi khác cho việc hợp tác, như giảm trừ phạm vi ảnh hưởng thương mại dùng để tính mức phạt đối với doanh nghiệp theo Hướng dẫn, giảm trách nhiệm cho người điều hành, hoặc xếp vào diện ân xá…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chính sách khoan hồng và vấn đề phá vỡ thỏa thuận sử dụng giá để hạn chế cạnh tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO