Chính sách tiền tệ "chuyển trạng thái" phục vụ mục tiêu tăng trưởng

BẢO LOAN 21/07/2023 15:00

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thời điểm hiện nay, Chính phủ cũng như Thủ tướng quyết định chuyển sang trạng thái "linh hoạt, nới lỏng" là rất phù hợp.

>>> NHNN: "Chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ khó, nhiều chiều như vậy"

Thời gian qua, trước những tác động tiêu cực, dai dẳng, kéo dài của đại dịch COVID-19 cũng như những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới gây ra khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi đối với nền kinh tế.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, luôn có sự chủ động trong dự báo, kịp thời chuyển hướng điều hành phù hợp với diễn biến thực tế ở mỗi giai đoạn, thời điểm khác nhau. Nhờ đó, dù trong hoàn cảnh khó khăn, chúng ta đã thực hiện được mục tiêu về kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng cũng như bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế: Chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ thời gian qua sát với tình hình cả quốc tế và trong nước

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế: Chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ thời gian qua sát với tình hình cả quốc tế và trong nước

Ngay từ tháng 10 năm ngoái, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra chủ trương chuyển chính sách tiền tệ từ "chặt chẽ" trước đó sang "chắc chắn" và đến nay, tiếp tục chuyển sang "linh hoạt, nới lỏng hơn". 

Đánh giá về những chỉ đạo này của Thủ tướng, đặt trong bối cảnh của từng giai đoạn, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng: Chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ thời gian qua sát với tình hình cả quốc tế và trong nước.

>>> Chu kỳ thắt chặt tiền tệ ASEAN đã kết thúc

Tại Tọa đàm: "Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, đánh giá về những chỉ đạo này của Thủ tướng, đặt trong bối cảnh của từng giai đoạn, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh: “Chúng ta nhớ rằng, điều kiện quốc tế và trong nước trong 2 năm vừa qua có rất nhiều biến động và nhiều yếu tố gọi là "đa khủng hoảng" xảy ra. Chúng ta đã có những điều chỉnh về mặt chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng phù hợp với bối cảnh, với thời điểm và mức độ "chuyển trạng thái".

Nhận định trong thời kỳ quý I-III năm ngoái, lạm phát của thế giới tương đối cao, lúc đó chính sách tiền tệ của Việt Nam là "chặt chẽ". Ông Lực cho biết cuối năm 2022, về cơ bản lạm phát của Việt Nam kiểm soát tốt và khi lạm phát toàn cầu có dấu hiệu chững lại, thì chúng ta chuyển sang trạng thái "chắc chắn" và thực hiện được đa mục tiêu. Còn thời điểm hiện nay, Chính phủ cũng như Thủ tướng quyết định chuyển sang trạng thái "linh hoạt, nới lỏng" là rất phù hợp.

Chia sẻ về các yếu tố quan trọng, TS. Cấn Văn Lực cho biết:

Thứ nhất là giá cả, lạm phát trên thế giới về cơ bản đã chững lại và đang giảm giá. Thậm chí, ở một số thị trường còn giảm nhanh hơn chúng tôi dự báo, như ở Mỹ, lạm phát tháng 6 so với cùng kỳ năm trước chỉ khoảng 3% từ mức 9% của đỉnh điểm tháng 7-8/2022. Giá cả các mặt hàng, đặc biệt là giá năng lượng, giá hàng hóa cơ bản cũng đã và đang giảm dần, trừ một vài mặt hàng nông sản thời gian gần đây, như gạo, cà phê…

Cùng với đó là trong bối cảnh như vậy, áp lực đối với lạm phát, với tỉ giá trên thế giới đã giảm nhiệt đi rất nhiều. Một bối cảnh nữa rất quan trọng là thực tiễn ở Việt Nam, về cơ bản lạm phát của chúng ta, cả lạm phát tổng thể cũng như lạm phát lõi, đã và đang giảm dần từ đầu năm tới giờ. Lạm phát tổng thể của chúng ta hồi tháng 1 so với cùng kỳ năm trước ở mức khoảng 4,9%, tháng 6 vừa qua chỉ còn khoảng 2% so với cùng kỳ năm trước. Còn tính bình quân 6 tháng là 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản của chúng ta đã và đang giảm dần dù chậm hơn, từ mức khoảng 5,21% đầu năm xuống 4,74% của tháng 6. Đấy là cơ sở rất quan trọng.

Thứ haikinh tế của chúng ta 2 quý vừa qua mặc dù có tiến triển hơn nhưng vẫn còn khó khăn, chịu tác động rất lớn từ những yếu tố đặc biệt bên ngoài và những yếu tố nội tại bên trong tồn tại lâu nay và vẫn phải tiếp tục xử lý. Vì thế, chúng ta đạt mức tăng trưởng chỉ 3,72% của 6 tháng đầu năm.

Rõ ràng, bây giờ chúng ta cần thay đổi chính sách phù hợp để phục hồi và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Mặc dù vậy, chúng ta nới lỏng nhưng linh hoạt, tức là vẫn bảo đảm mục tiêu ổn định được kinh tế vĩ mô.

Thứ ba là phối hợp đồng bộ hơn với các chính sách khác, trong đó có chính sách tài khóa, giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thì chúng ta mới bảo đảm được thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra.

Có thể bạn quan tâm

  • Chu kỳ thắt chặt tiền tệ ASEAN đã kết thúc

    13:02, 12/07/2023

  • Việt Nam tiếp tục không nằm trong Danh sách giám sát về thao túng tiền tệ

    15:48, 21/06/2023

  • NHNN: "Chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ khó, nhiều chiều như vậy"

    09:50, 21/06/2023

  • Fed nên thận trọng trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ

    04:40, 12/06/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chính sách tiền tệ "chuyển trạng thái" phục vụ mục tiêu tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO