Nghị quyết số 116/2020/QH14 về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) có hiệu lực ngày 3/8/2020. Trước đó Quốc hội đã biểu quyết đồng ý giảm 30% TNDN cho doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng.
Cụ thể, Nghị quyết này áp dụng đối với người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm: Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã; Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; Tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.
Doanh nghiệp có quy mô vừa được giảm thuế là doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỉ đồng, tương đương với tiêu chí về doanh thu để xác định doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trước đó, góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến góp ý Dự thảo như sau:
Dự thảo chưa có quy định rõ ràng về việc xác định tổng doanh thu làm căn cứ xác định đối tượng được giảm thuế trong trường hợp doanh nghiệp có thời gian tạm ngưng kinh doanh. Không rõ tổng doanh thu năm 2020 được xác định theo tổng doanh thu thực tế hay là tổng doanh thu danh nghĩa (đủ 12 tháng) như trường hợp của doanh nghiệp mới thành lập? Về bản chất, doanh nghiệp tạm ngưng kinh doanh vẫn được coi là có tồn tại trên thực tế, do đó trong trường hợp này doanh nghiệp vẫn có doanh thu trong thời gian tạm ngưng (kể cả doanh thu bằng 0).
Do vậy, để thuận lợi trong việc thực thi, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định xác định tổng doanh thu năm 2020 làm căn cứ xác định trong trường hợp doanh nghiệp có thời gian tạm ngưng kinh doanh theo hướng đó là tổng doanh thu thực tế của năm 2020.
Điều 2.3 Dự thảo quy định doanh nghiệp tự dự kiến tổng doanh thu trong kỳ tính thuế. Nếu cho rằng doanh thu không quá 200 tỷ đồng thì doanh nghiệp tự giảm 30% số tiền tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của quý. Khi quyết toán, nếu số thuế phải nộp thiếu so với số thuế tạm nộp quý thì doanh nghiệp phải nộp bổ sung số tiền thuế còn thuế và tính tiền chậm nộp (Điều 4.6 Nghị định 91/2014/NĐ-CP quy định nếu số tiền tạm nộp thấp hơn từ 20% trở lên so với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán thì doanh nghiệp phải nộp lãi chậm nộp đối với phần chênh lệch từ 20% trở lên giữa số tạm nộp với số quyết toán tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế quý bốn của doanh nghiệp đến ngày thực nộp số thuế còn thiếu so với số quyết toán). (Điều 3.2 Dự thảo).
Quy định này sẽ phát sinh tình huống, doanh nghiệp tự xác định doanh thu của doanh nghiệp dưới 200 tỷ đồng và đã thực hiện giảm số thuế tạm nộp quý, nhưng doanh thu thực tế khi quyết toán lại trên 200 tỷ đồng. Khi đó, doanh nghiệp ngoài việc phải nộp đủ số tiền thuế nộp thiếu (không được miễn giảm) mà còn phải nộp thêm tiền chậm nộp cho phần thuế nộp không được miễn giảm này. Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến khó lường như hiện nay, doanh thu của các doanh nghiệp biến động liên tục, nên nhiều doanh nghiệp gặp khó trong việc dự đoán doanh thu trong năm 2020.
Do vậy, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về ngưỡng doanh thu phải nộp tiền chậm nộp (ví dụ, 300 tỷ đồng). Theo đó nếu doanh thu của doanh nghiệp trên 200 tỷ đồng nhưng dưới ngưỡng này thì chỉ cần bổ sung số tiền thuế nộp thuế nộp thiếu mà không có nghĩa vụ tiền chậm nộp. Nếu doanh thu trên ngưỡng này thì doanh nghiệp sẽ phải bổ sung số tiền thuế còn thiếu và tính tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là cần thiết để giúp doanh nghiệp vơi bớt khó khăn, giảm gánh nặng về thuế dù có thể sẽ làm giảm nguồn thu của ngân sách nhà nước. Theo dự tính, việc thực hiện mở rộng đối tượng giảm thuế nêu trên dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước của năm 2020 khoảng 23.000 tỷ đồng (tăng thêm hơn 6.000 tỷ đồng so với không thực hiện mở rộng đối tượng). |