Chợ Đồn không chỉ là vùng đất giàu tài nguyên khoáng sản mà còn nổi tiếng với nhiều cây trồng đặc sản như: Chè Shan tuyết, hồng không hạt, cam, quýt, gạo Bao Thai...
Huyện đã và đang khuyến khích các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản nông sản để nâng cao giá trị, phát triển bền vững.
Những năm qua, hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện Chợ Đồn đã đạt được một số kết quả tích cực, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa với một số loại cây trồng, vật nuôi đặc thù đã phát triển thành vùng chuyên canh.
Theo ông Triệu Huy Chung - Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn, đây là kết quả từ nỗ lực triển khai các chương trình và giải pháp cụ thể cho từng sản phẩm như: Dự án Xây dựng mô hình trồng và thâm canh chè Shan Tuyết theo hướng tập trung tại huyện Chợ Đồn; Dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Gạo Bao thai Chợ Đồn”…
Hiện nay, Chợ Đồn có nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện đã có thương hiệu và được nhiều người biết đến như: Gạo bao thai Chợ Đồn, chè Shan Tuyết, rượu men lá Bằng Phúc, hồng không hạt, măng đắng... Trong đó, Sản phẩm Gạo Bao thai Chợ Đồn đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể; cây hồng không hạt được cấp Chỉ dẫn địa lý.
Được biết, để các sản phẩm ngày càng có chỗ đứng trên thị trường, huyện đã chú trọng đẩy mạnh sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...
Hiện, Chợ Đồn đã có 13 sản phẩm đạt OCOP đạt 3 sao, huyện phấn đấu trong năm 2020 sẽ nâng sao cho các sản phẩm này, đồng thời tiếp tục đưa thêm một số sản phẩm vào đánh giá.
Ông Triệu Huy Chung - Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn cho biết, mặc dù huyện đã xây dựng được nhiều thương hiệu cho nông sản của địa phương, tuy nhiên nhiều sản phẩm tiêu thụ còn chậm, sức cạnh tranh chưa cao, thị trường vẫn đón nhận một cách cầm chừng… Điều này dễ hiểu là do thương hiệu các sản phẩm của huyện chưa thật mạnh, công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm còn hạn chế.
Theo đó, huyện đang thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết song song hai vấn đề trọng tâm: tiếp tục xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh và xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng về chất lượng và nguồn gốc rõ ràng của sản phẩm.
Cùng với đó, huyện đang chú trọng việc tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm, cố gắng tạo mối liên kết chặt chẽ giữa người dân với doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các tổ chức liên quan. Đặc biệt, huyện tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp đến nghiên cứu một số dự án vùng cho nông nghiệp; ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, giúp người nông dân an tâm sản xuất. Đơn cử như, hiện nay, huyện đang giới thiệu cho Công ty An Thái đến tìm hiểu vùng dự án nông lâm nghiệp tại xã Bằng Phúc; xúc tiến đầu tư một số mô hình trang trại chăn nuôi lợn tập trung tại xã Bình Trung,…
Chủ tịch Triệu Huy Chung cho biết, để đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển, huyện xác định luôn kịp thời lắng nghe, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, nút thắt trong thẩm quyền và tổng hợp, phản ánh với UBND tỉnh và các sở, ngành. Cụ thể ở đây là các vấn đề liên quan đến chính sách ưu đãi, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, môi trường, an ninh trật tự.
“Chính quyền địa phương luôn chào đón và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, tổ chức quan tâm, mong muốn đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp của địa phương. Qua đó, chung tay xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị, phát triển bền vững các sản phẩm nông sản phẩm của địa phương”, ông Chung chia sẻ.