Chợ Đồng Xuân: Có cần thiết phải biến thành Trung tâm thương mại?

Sông Hàn 16/04/2018 05:32

Không nhất thiết phải biến chợ Đồng Xuân hiện tại trở thành một Trung tâm thương mại hoành tráng, hoa lệ, trong khi chính bản thân đã và đang rất “to lớn” trong dòng lịch sử - văn hóa của đất và người Thăng Long.

Vừa qua, trước thông tin UBND quận Hoàn Kiếm – TP Hà Nội lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về việc nâng cấp, cải tạo lại chợ Đồng Xuân thành Trung tâm thương mại, dịch vụ chất lượng cao giống như chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam… Hàng trăm tiểu thương chợ Đồng Xuân đã tụ tập căng băng rôn phản đối việc xây mới chợ.

Ngay sau đó, cuộc đối thoại giữa đại diện Chính quyền và các tiểu thương được diễn ra. Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm đã khẳng định không có chuyện xây mới chợ Đồng Xuân và chuyển tiểu thương đi nơi khác.

Rằng: “UBND quận Hoàn Kiếm có tổ chức tọa đàm tham khảo ý kiến tư vấn của các nhà khoa học, chuyên gia về việc gìn giữ nét sinh hoạt, buôn bán truyền thống của chợ Đồng Xuân; Đồng thời tham vấn ý kiến về việc đảm bảo hệ thống PCCC, trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường quanh khu vực chợ…; Góp phần làm cho môi trường chợ sạch sẽ, giao thông thông thoáng… để việc kinh doanh sẽ tốt hơn chứ hoàn toàn không có chuyện xây dựng lại chợ Đồng Xuân” (ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nói).

Hiện các tiểu thương đã trở lại kinh doanh bình thường. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là: Vì sao việc xây dựng chợ để có cơ sở vật chất hiện đại hơn, có điều kiện kinh doanh tốt hơn lại không nhận được sự hưởng ứng của bà con tiểu thương – những người lẽ ra sẽ được hưởng lợi từ việc xây mới? Phải chăng họ thực sự không được hưởng lợi như những gì được “vẽ” ra trước đó?

Đúng vậy! Xung quanh chuyện nên hay không nên xây mới chợ Đồng Xuân thành Trung tâm thương mại, cá nhân người viết cũng thấy có một số vấn đề phải cân nhắc như:

Một là, hiệu quả của Trung tâm thương mại lớn vẫn còn là dấu hỏi (?)

Nhìn lại 10 năm mở cửa thị trường bán lẻ trong nước, có vẻ như chúng ta đã quá say xưa xây dựng hệ thống thương mại về mặt hình thức như: Xây dựng hạ tầng thương mại hiện đại, thu hút nhà đầu tư nước ngoài mà quên mất rằng đội ngũ thương nhân và phương thức hoạt động thương mại mới là yếu tố quan trọng nhất.

Có Trung tâm thương mại hoành tráng, nhưng phong cách phục vụ không chuyên nghiệp, vệ sinh môi trường kém. Trong khi đó tiểu thương không có chỗ bấu víu lại bật ra ngoài, tạo nên bộ mặt thương mại còn xấu xí và nhếch nhác hơn trước. Tức là, hiệu quả của nhiều Trung tâm thương mại chưa được như kỳ vọng.

Hai là, bài học lớn từ Trung tâm thương mại Hàng Da, Cửa Nam.

Được xây mới trên nền chợ Hàng Da cũ và đưa vào sử dụng từ năm 2010, song Trung tâm thương mại Hàng Da đến nay chưa thể có lại cảnh sầm uất trước đây. Do đó, bài học từ chợ Hàng Da còn nóng hổi, tiểu thương không muốn xây lại chợ Đồng Xuân thành Trung tâm thương mại, đó là chưa kể việc chợ hiện tại vẫn còn sử dụng tốt, nếu xây mới sẽ là một sự lãng phí.

Vì thế, tiểu thương phản đối, âu cũng có cái lý của họ!

Ba là, chợ Đồng Xuân cũng là một phần của văn hóa - lịch sử đất Thăng Long.

Chợ Đồng Xuân ra đời năm 1889, là một trong những công trình được người Pháp xây dựng sớm nhất ở Hà Nội. Nó không chỉ nổi tiếng Hà Nội, mà nổi tiếng cả Bắc kỳ, đồng thời nhanh chóng thu hút được sự chú ý của giới thương nhân nước ngoài, nhất là các nước Pháp, Tây Ban Nha, Ấn Độ... cho đến nay chợ Đồng Xuân vẫn là một đầu mối giao thương vào loại lớn nhất Thủ đô.

Không chỉ là nơi giao thương nhộn nhịp nhất Hà thành, mà còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, tinh thần phản ánh cuộc sống, sinh hoạt của “người dân kẻ chợ” xưa và cũng là điểm đến không thể thiếu của mỗi du khách khi dừng chân ở Hà Nội.

Nghĩa là, nó còn là một địa điểm gắn với văn hóa - lịch sử của người Hà Nội bao đời nay. Nói đến lịch sử văn hóa Thăng Long - Hà Nội là nói đến 36 phố phường. Và mỗi khi nhắc tới phố cổ, du khách nhớ ngay đến Đồng Xuân - một chợ ra đời và gắn liền quá trình phát triển thương mại của đất Thăng Long.

Không chỉ vậy, chợ Đồng Xuân nằm trong Liên khu Một trở thành chứng nhân cho chí khí của quân và dân thủ đô. Tiểu đoàn 101 Đồng Xuân đã làm nên trận đánh Chợ Đồng Xuân ngày 14/2/1947.

Theo đó, đến với những phiên chợ Đồng Xuân, người dân lẫn du khách sẽ tìm thấy nét văn hóa Thăng Long với cảnh mua bán tấp nập, vui vẻ, người bán hàng trong chợ mặc áo dài, giao tiếp với khách hòa nhã, không nói thách các mặt hàng, qua đó làm sống lại một nét đẹp thanh lịch nổi tiếng của người Tràng An xưa.

Chính vì vậy, không nhất thiết phải tìm mọi cách để biến chợ Đồng Xuân hiện tại trở thành một Trung tâm thương mại hoành tráng, hoa lệ. Trong khi chính bản thân đã và đang rất “to lớn” trong dòng lịch sử - văn hóa của đất và người Thăng Long. Khi mà nó cũng đang mang lại cuộc sống ấm no cho rất nhiều người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chợ Đồng Xuân: Có cần thiết phải biến thành Trung tâm thương mại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO