Chợ nông thôn (Bài 2): Thái độ của các Nhà nước với mô hình này

Bài: NGUYỄN THỊ ĐIỆP HÀ - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pakistan - Ảnh: QUỐC TUẤN 18/08/2021 05:05

Chợ nông thôn giúp phát triển du lịch, đồng thời mang văn hóa đồng quê ra thành phố, tạo cơ hội trải nghiệm tại chỗ cho cư dân đô thị. Thái độ của các Nhà nước ra sao đối với mô hình này?

Chợ nông dân có ưu thế hơn hẳn các kênh phân phối khác trong việc đưa lương thực thực phẩm đến tất cả các khu vực đông dân cư nhất.

Chợ nông thôn có ưu thế hơn hẳn các kênh phân phối khác trong việc đưa lương thực thực phẩm đến tất cả các khu vực đông dân cư nhất. Ảnh: Quốc Tuấn

Chợ nông thôn thường tập trung vào các sản phẩm chính của một vùng. Sản phẩm chính đó sẽ tạo ra thương hiệu của chợ và ngược lại chợ sẽ quảng bá, tạo nên thương hiệu vùng cho sản phẩm, thu hút khách hàng từ các nơi khác và cả khách du lịch. Chợ nông dân cũng có lợi cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thông qua việc thu hút người tiêu dùng, khách vãng lai của các khu vực khác.

Chợ nông thôn giảm khoảng cách và thời gian vận chuyển lương thực thực phẩm so với các hệ thống phân phối khác trong bối cảnh đô thị hóa. Việc này không những đảm bảo chất lượng của sản phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường thông qua việc giảm số lượng hàng hóa thông qua các hệ thống phân phối hiện đại với các đội xe vận tải gây ô nhiễm khí thải, các hệ thống kho tập trung xả nước thải ra môi trường, các hệ thống làm lạnh tiêu tốn năng lượng.

Chợ nông thôn giúp bảo vệ và cân bằng hệ sinh thái thông qua việc giúp nông dân đa dạng hóa sản phẩm, tăng đa dạng hóa sinh học. Chợ nông dân tăng sự hiểu biết và gắn kết của cư dân đô thị với người nông dân và nông thôn. Từ đó, người nông dân nhận được thêm sự ủng hộ trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất canh tác, bảo vệ cộng đồng nông thôn chống lại quá trình đô thị hóa, góp phần giữ cân bằng hệ sinh thái.

Chợ nông thôn cùng với các cơ hội buôn bán vỉa hè, hàng rong quà vặt giúp chính quyền thực hiện chính sách xã hội thông qua việc phân phối các cơ hội mưu sinh cho những người có công, có đóng góp cho xã hội, những người khuyết tật, yếu thế.

Chợ nông thôn là con đường sống duy nhất cho những người nông dân nhỏ lẻ trước sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản lương thực thực phẩm. Chỉ có bán được sản phẩm tại chợ nông dân với giá cao hơn những người nông dân này mới có thể tồn tại trước sự cạnh tranh và chèn ép của các công ty, tập đoàn sản xuất, chế biến và phân phối lương thực thực phẩm.

Chợ nông dân giúp người nông dân tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng.

Chợ nông thôn giúp người nông dân tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng. Ảnh: Quốc Tuấn

Số liệu thống kê của Mỹ cho thấy, năm 1910 có 41 % trang trại Mỹ tiêu thụ sản phẩm qua chợ nông thôn. Đến năm 1990 chỉ còn 9 % trang trại bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng. Năm 2007 có 66.700 trang trại trong tổng số 2.076.000 trang trại của Mỹ bán hàng qua chợ nông dân nhưng có đến 19.000 trang trại trogn số đó chỉ bán hàng qua chợ nông thôn.

Xuất phát từ nhu cầu khách quan, chợ nông thôn phát triển nhanh chóng và trở thành phổ biến ở hầu hết các nước trên thế giới. Sau một thời gian người tiêu dùng bị hấp dẫn bởi sự bùng nổ của lương thực thực phẩm chế biến sẵn và các hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi, các vấn đề về sức khỏe lại kéo người tiêu dùng trở lại chợ đường phố để mua các loại lương thực thực phẩm tươi sống.

Năm 1976 nước Mỹ ban hành Luật Tiếp thị trực tiếp từ Nông dân đến Người Tiêu dùng, bảo vệ và khuyến khích phát triển chợ nông thô. Số chợ nông thôn tại Mỹ đã tăng từ 1.755 chợ năm 1994 lên 4.685 chợ năm 2008, 8.144 chợ nông dân vào năm 2013 (đó là chưa tính các chợ quy mô nhỏ).

Tại Anh chợ nông thôn đầu tiên xuất hiện vào năm 1997 nhưng đến nay đã có trên 550 chợ trên khắp nước Anh. Tại Canada nhất là ở tỉnh British Columbia chợ nông thôn có mặt trên mọi thành phố của tỉnh với quy mô nhỏ vài gian hàng dựng tạm công viên hay bãi đỗ xe cho tới các chợ lớn có mái che.

Số chợ nông thôn tại Pháp là 6.000. Tổ chức Liên Minh Châu Âu còn luật hóa các chính sách khuyến khích phát triển chợ nông dân với nhiều chương trình hỗ trợ theo khẩu hiệu “Từ cánh đồng đến thẳng bàn ăn” (Farm to Fork).

Tại Trung Quốc từ năm 2010 sau các cuộc khủng hoảng về an toàn thực phẩm chợ nông thôn bắt đầu phát triển mạnh tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Giang Tô.

Khác với các khu đô thị tại Thổ Nhĩ Kỳ có ít không gian công cộng nên các chợ nông thôn buộc phải mở trên các đường phố, chợ nông thôn tại các nước phát triển thường được tổ chức tại quảng trường thành phố, công viên, khu đỗ xe...

Ở nhiều nước, chính quyền đô thị miễn phí thuê địa điểm cho chợ nông thôn. Một số nước khác thu tiền thuê địa điểm. Chính quyền hỗ trợ bố trí nhà vệ sinh, đấu nối điện, nước, thu dọn rác thải...

Tại Mỹ, hệ thống quản lý chợ nông thôn gồm 3 cấp: cấp cơ sở, cấp tổ chức, cấp điều phối. Cấp cơ sở là 1 nhân viên quản lý chợ được trả thù lao hoặc không được trả thù lao. Cấp tổ chức là 1 ban giám đốc do nông dân bầu ra. Cấp điều phối là Hiệp hội chợ nông thôn.

Ngoài ra còn có các nhóm phi lợi nhuận quản lý các chợ quy mô nhỏ với sự tham gia của đại diện chính quyền sở tại. Bộ Nông nghiệp Mỹ đỡ đầu Hiệp hội Chợ Nông dân làm việc với chính quyền các thành phố để thỏa thuận các vấn đề tổ chức chợ nông dân.

Tất cả các cấp chính quyền Mỹ hỗ trợ tài chính cho chợ nông thôn. Tại Anh và Canada Hiệp hội chợ nông dân thỏa thuận trực tiếp việc tổ chức chợ nông dân với chính quyền các thành phố. Tại thành phố Munich của Đức chợ nông dân thuộc sự quản lý của Công ty Công chính trực thuộc Tòa Thị chính thành phố Munich.

Việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ nông thôn có tính tương đối. Người bán hàng ở chợ nông thôn không bắt buộc phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng sẽ được kiểm tra nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm đạt mức độ nhất định.

Có thể bạn quan tâm

  • Chợ nông thôn (Bài 1): Sự hình thành và tác động của chợ

    05:00, 17/08/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chợ nông thôn (Bài 2): Thái độ của các Nhà nước với mô hình này
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO