Nhiều doanh nghiệp, công ty luật đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hướng dẫn hoạt động cho vay ra nước ngoài không gắn với dự án đầu tư vốn chưa có quy định cụ thể.
15 năm, chỉ 1 doanh nghiệp cho vay thành công
NHNN cho biết, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH Xây dựng Trung Quốc (Đông Nam Á), Công ty Luật TNHH VDB LOI, Công ty TNHH VDS Vietnam, Công ty cổ phần Dệt Texhong Nhơn Trạch, Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Hà đề nghị hướng dẫn quy định về hoạt động cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú không gắn với dự án đầu tư ra nước ngoài.
Mặc dù Pháp lệnh Ngoại hối ban hành cách đây 15 năm (sửa đổi vào năm 2013) đã có quy định nội dung này, song các bộ, ngành chưa có văn bản hướng dẫn thống nhất khiến hoạt động cho vay ra nước ngoài không gắn với dự án đầu tư gần như đóng băng.
Trong vòng 15 năm qua, mới chỉ có một trường hợp cho vay thành công theo hình thức này là Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho vay đối với Chính phủ Lào, nhằm phục vụ mục đích chính trị, ngoại giao giữa hai nước (2 khoản vay xây dựng sân bay Attapeu và NoongKhang năm 2013 và năm 2014).
Thực tế, ngoài Hoàng Anh Gia Lai đã được chấp thuận cho vay và đang đề nghị thay đổi bên cho vay với 2 khoản cho vay nói trên, NHNN đã nhận được thêm đề nghị cho vay ra nước ngoài của 2 trường hợp khác, gồm Samsung (Công ty TNHH Samsung Electronic Vietnam, Công ty Samsung Electronic Vietnam Thái Nguyên) và Công ty TNHH Next Bio Vietnam. Dù vậy, cả Samsung lẫn Next Bio Vietnam đều chưa được chấp thuận do quy trình thẩm định, góp ý kiến của các bộ, ngành đối với đề nghị của doanh nghiệp chưa có sự thống nhất.
Chính vì vậy, việc xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về trình tự, thủ tục Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận cho tổ chức kinh tế cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú không gắn với các dự án đầu tư ra nước ngoài rất cần thiết. NHNN đang xây dựng dự thảo Quyết định quy định về trình tự, thủ tục Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho tổ chức kinh tế cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú không gắn với dự án đầu tư ra nước ngoài.
Tuyệt đối không sử dụng vốn vay để cho vay ra nước ngoài
Theo Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN), do không gắn với dự án đầu tư ra nước ngoài, nên việc cho vay ra nước ngoài hoặc bảo lãnh cho người không cư trú của tổ chức kinh tế thường xuất phát từ nhu cầu hỗ trợ cho công ty mẹ và các công ty thành viên cùng hệ thống ở nước ngoài đang gặp khó khăn về nguồn vốn, hỗ trợ cho Chính phủ nước ngoài (thực hiện chính sách hợp tác ngoại giao). Việc ban hành quyết định trên sẽ góp phần tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế thực hiện các chính sách hỗ trợ xã hội, hoạt động tương trợ, gắn kết cộng đồng…
Việc quản lý vốn vay ra nước ngoài rất quan trọng, bởi nếu không quản chặt, sẽ xảy ra tình trạng chuyển giá, đầu tư chui, chảy máu ngoại tệ, làm gia tăng nợ quốc gia...
Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực trong nước còn hạn chế, để hoạt động cho vay ra nước ngoài này không gây ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN đưa ra nguyên tắc doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về rủi ro pháp lý và tài chính trong việc thực hiện hoạt động cho vay. Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, cũng không chịu trách nhiệm pháp lý về tài chính khi doanh nghiệp thực hiện hoạt động cho vay, bảo lãnh.
Chính vì vậy, dự thảo Quyết định quy định rõ điều kiện để tổ chức kinh tế được đăng ký cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú không gắn với dự án đầu tư ra nước ngoài: phải hoạt động có lãi 3 năm liên tiếp, không nợ thuế với ngân sách nhà nước và chỉ sử dụng nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế qua các năm để thực hiện cho vay hoặc bảo lãnh. Đặc biệt, doanh nghiệp không được sử dụng nguồn vốn vay trong và ngoài nước để thực hiện hoạt động này.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc quản lý vốn vay ra nước ngoài rất quan trọng, bởi nếu không quản chặt, sẽ xảy ra tình trạng chuyển giá, đầu tư chui, chảy máu ngoại tệ, làm gia tăng nợ quốc gia... Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam vẫn dựa nhiều vào vốn vay, dự trữ ngoại hối dù đã cải thiện, song vẫn chỉ ở mức tối thiểu so với khuyến cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), việc quản lý hoạt động cho vay ra nước ngoài của doanh nghiệp càng quan trọng.
Nhiều chuyên gia ngân hàng cũng nhận định, việc NHNN hướng dẫn hoạt động cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú không gắn với dự án đầu tư không có nghĩa là khuyến khích hoạt động này. Việc này sẽ tạo môi trường minh bạch cho doanh nghiệp, giám sát chặt chẽ hơn hoạt động này, hạn chế rủi ro cho cả doanh nghiệp lẫn nền kinh tế. Đặc biệt, quy định doanh nghiệp không được sử dụng vốn vay cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú không gắn với dự án đầu tư ra nước ngoài sẽ giúp hệ thống ngân hàng trong nước tránh được rủi ro tiềm ẩn.
Có thể bạn quan tâm
Chỉ 6/15 dự án đầu tư ra nước ngoài đúng tiến độ
13:30, 21/07/2020
Việt Nam "rót" gần 412 triệu USD đầu tư ra nước ngoài
00:00, 28/10/2019
Hạn chế đầu tư ra nước ngoài: Bước lùi hội nhập
17:49, 11/09/2019
Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi): Giữ hay bỏ thủ tục chứng nhận đầu tư ra nước ngoài?
11:06, 25/08/2019