Chính phủ dành nhiều chính sách ưu đãi thu hút nguồn đầu tư FDI, song cũng cần có văn bản quy định chặt chẽ, nhằm kiểm soát chống "chuyển giá" tại Việt Nam.
Không thể phủ nhận sự đóng góp từ các dự án, doanh nghiệp FDI vào nguồn ngân sách quốc gia, đồng thời góp phần đẩy mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao trình độ kỹ thuật và công nghệ, giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động tại Việt Nam.
Kiểm soát hành vi chuyển giá
Tuy nhiên, ngoài những đóng góp tích cực cho nền kinh tế, khối doanh nghiệp FDI cũng đã và đang bộc lộ những vấn đề gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ luỵ chuyển giá, trốn thuế, tạo nên tình trạng lỗ giả nhưng lãi thật, gây thất thu ngân sách, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp trong nước, tác động xấu đến môi trường đầu tư.
Theo đó từ những báo cáo thống kê những năm qua cho thấy, cả nước có khoảng 45% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó có những tập đoàn lớn, doanh nghiệp báo lỗ liên tục trong nhiều năm. Những doanh nghiệp này tập trung tại các tỉnh, thành phố có khu công nghiệp lớn như TP Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Bình Dương, là một trong những tỉnh thu hút được nhiều dự án FDI nhất.
Các doanh nghiệp FDI kê khai lỗ thường tập trung trong lĩnh vực gia công may mặc, da giày; sản xuất và ngành công nghiệp chế biến. Song, đây là hệ luỵ đáng báo động vì hầu hết các doanh nghiệp trong nước cùng ngành nghề trên đều có lãi và duy trì phát phát triển ổn định nhất là lĩnh vực may mặc và da giày. Đáng chú ý, các doanh nghiệp FDI có báo cáo thua lỗ liên tục trong nhiều năm liền nhưng vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh tại nhiều địa điểm.
Đánh giá về nguyên nhân trên các chuyên gia cho rằng Việt Nam thu hút FDI qua các biện pháp ưu đãi khiến lợi ích thu được từ FDI không còn nhiều, thậm chí Việt Nam còn chịu hậu quả nặng nề về ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu do các doanh nghiệp FDI để lại.
Do đó Chính phủ cần có biện pháp và chế tài đủ mạnh để kiểm soát hành vi chuyển giá này, nhằm tăng thêm nguồn thu ngân sách đồng thời góp phần đẩy mạnh môi trường đầu tư kinh doanh.
Cần ban hành Luật Chống chuyển giá
Đưa ra các giải pháp chống chuyển giá của các doanh nghiệp FDI, Giám đốc Đại lý thuế Công ty CP Office360 – Thành viên hội đồng tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cho biết: Cần hoàn thiện hành lang pháp lý theo hướng hội nhập, nâng cao nghiệp vụ cán bộ thanh tra ngành thuế, ngành kiểm toán; Đưa vào nội dung kiểm toán đinh kỳ và cần xây dựng định chế kiểm soát rủi ro. Ngoài ra cần rà soát lại chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp FDI, tránh thất thu nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp và hệ lụy từ chính sách đó.....
Nhằm hạn chế tình trạng chuyển giá trên, cục thuế các tỉnh cần thanh tra các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, đặc biệt là tập trung vào các doanh nghiệp FDI. Với nhiều nguyên nhân khác nhau, doanh nghiệp nước ngoài đã thực hiện hành vi chuyển giá với nhiều hình thức tinh vi và kín đáo hơn. Nếu không kiểm toán toàn bộ khép kín các khâu đoạn thì khó có thể phát hiện ra dấu hiệu chuyển giá.
"Chẳng hạn có những doanh nghiệp Hàn Quốc đã thực hiện hành vi chuyển giá cho những giao dịch liên kết (trả lãi vay, dàn xếp gói vay) cho các doanh nghiệp cùng tập đoàn với tỷ lệ phần trăm vay cao gấp đôi tỷ lệ cho vay của các ngân hàng TMCP tại Việt Nam. Nếu chỉ kiểm toán sơ bộ thì không thể phát hiện" - đại diện Office360 cho biết.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa (Đại học Kinh tế quốc dân), cần yêu cầu tăng cường trách nhiệm của kiểm toán độc lập trong kiểm toán Báo cáo tài chính (BCTC) của doanh nghiệp FDI. Kiểm toán hoạt động có dấu hiệu chuyển giá cần được thực hiện theo cả hai cách là kiểm toán riêng trong một cuộc kiểm toán hoặc kiểm toán kết hợp trong khi kiểm toán BCTC. Kiểm toán phải trên tất cả các phương diện vì có khả năng chuyển giá ở giao dịch về hàng hoá cũng như giao dịch về dịch vụ, chuyển giá cả yếu tố đầu vào cũng như kết quả đầu ra của đơn vị…
Nhận định về tính pháp lý về vấn đề trên, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần hoàn thiện hành lang pháp lý về chống chuyển giá và tiến tới ban hành Luật Chống chuyển giá bao gồm các nguyên tắc quản lý thuế đối với doanh nghiệp có quan hệ giao dịch liên kết, quy định về hồ sơ xác định giá giao dịch. Thu hẹp các ưu đãi về thuế, chuyển giao quyền điều tra cho cơ quan thuế từ cấp Tổng cục và lâu dài đến cơ quan thuế cấp tỉnh.
Cần bổ sung các quy định chặt chẽ để kiểm soát, quản lý, ngăn chặn chuyển giá ngay từ khi thành lập và trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp FDI. Đồng thời, xây dựng bộ máy chuyên trách chống chuyển giá đủ mạnh, đủ năng lực; cơ chế kiểm tra liên ngành, chuyên ngành để ngăn ngừa và hạn chế tình trạng chuyển giá của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các cơ quan thuế cần khẩn trương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đáp ứng được yêu cầu khai thác, phân tích rủi ro và làm căn cứ để xác định giá thị trường đối với giao dịch liên kết. Bởi theo các Cục thuế địa phương, việc nhận dạng chuyển giá không khó, nhưng quá trình xử lý gặp rất nhiều khó khăn vì chưa có dữ liệu, nên cán bộ thuế vẫn phải làm thủ công để đối chiếu.
Ngoài những giải pháp trên thì cần áp dụng phương pháp định giá (APA - cơ chế thoả thuận trước về xác định giá). Biện pháp này đang được áp dụng rộng rãi tại châu Âu và nhiều nước trong khu vực. Tại Việt Nam, theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý Thuế, từ 1/7/2013 cơ quan thuế được phép áp APA.
Theo cơ chế này, doanh nghiệp đa quốc gia phải chủ động đề xuất biện pháp tính giá hoặc mức giá mua, bán hàng hóa, dịch vụ giữa các thành viên trong tập đoàn, trước khi kê khai và nộp thuế. Cơ quan thuế sẽ phối hợp với cơ quan thuế nước ngoài đã ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam tổ chức giám sát, kiểm soát để chống gian lận thuế.
Trong đó APA có thể giúp giảm bớt tình trạng khai gian giá, mà dư luận đã nhắc tới ở nhiều doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, cũng rất khó nếu bắt buộc, bởi APA áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, cơ quan thuế không thể ép doanh nghiệp phải thực hiện. Cơ quan thuế cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp có giao dịch liên kết áp dụng APA để tránh thanh tra về chuyển giá. Hiện nay, Việt Nam cũng đã ban hành hướng dẫn về APA và đã có một số doanh nghiệp lớn đã xin áp dụng.
Tuy nhiên, APA cũng là một quá trình phức tạp và mất nhiều thời gian nên chỉ phù hợp với các doanh nghiệp có quy mô lớn và có mô hình kinh doanh ổn định. Mặt khác, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý trong quản lý chuyển giá.
Có thể bạn quan tâm
05:01, 30/04/2020
14:00, 28/04/2020
12:04, 15/01/2020
23:13, 29/11/2019