Dịch Covid-19 với chủng Delta bùng phát mạnh, cùng với lệnh lockdown làm cho chuỗi sản xuất và cung ứng bị đứt gãy.
Trong bối cảnh đó không chỉ doanh nghiệp nội mà cả các doanh nghiệp FDI cũng lâm vào tình cảnh khó khăn, việc sản xuất và cung ứng hàng hoá cho người tiêu dùng trên toàn cầu bị đình trệ.
Theo khảo sát có ít nhất 20% doanh nghiệp FDI thuộc các hiệp hội Amcham, Eurocham, Kocham đã chuyển một số đơn hàng sang sản xuất ở các nước khác. "Một khi sản xuất đã thay đổi, rất khó để quay trở lại, đặc biệt khi dây chuyền sản xuất đã được mở rộng ở nơi khác", đấy là cảnh báo của các hiệp hội. Chưa hết, Việt Nam đang bỏ lỡ những cơ hội đầu tư mà nó có thể không quay trở lại.
Thế nhưng chính các nhà đầu tư FDI cũng đang ở tình thế rất khó? Không dễ cho họ khi chọn quốc gia an toàn dài hạn để chuyển sản suất sang? Ấn Độ cũng chỉ vừa thoát đợt dịch Covid-19 khủng khiếp đợt tháng 5, Indonesia, Philippines, Malaysia thì còn đứng cuối cùng, dưới cả Việt Nam trong bảng phục hồi kinh tế của Bloomberg, Thái Lan thì cũng chỉ đứng trên Việt Nam 1 bậc. Mexico, Argentina, Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan thì cũng chỉ hơn Việt Nam một vài bậc thôi (bảng xếp hạng của Bloomberg 3 nước đúng cuối bảng là Indonesia, Philippines, Malaysia).
Có lẽ các nhà đầu tư FDI chỉ có một lựa chọn duy nhất là đưa sản xuất quay trở lại Trung Quốc. Thế nhưng lựa chọn này lại đi ngược lại chiến lược “chuyển sản suất ra khỏi Trung Quốc, không muốn phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc” của chính họ lập ra năm 2020 và họ chỉ vừa mới được thực hiện được một phần nhỏ.
Chính vì vậy có thể nói cơ hội của Việt Nam vẫn còn rất lớn, miễn là chúng ta chống dịch tốt, tiêm phủ vaccine thật nhanh để có thể nới lỏng giãn cách dần dần, từng bước khôi phục lại sản xuất, kinh doanh.
Thực tế ở Việt Nam trong những tháng qua đã chỉ ra rằng: chống dịch tốt thì kinh tế duy trì và phát triển, cơ hội đầu tư FDI cũng mở ra, chống dịch kém thì kinh tế suy thoái, đi xuống, FDI tránh xa.
Quảng Ninh là một ví dụ: Tính đến hôm nay Quảng Ninh đã hơn 2,5 tháng không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, ngày hôm qua 19/9 UBND tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đầu tư dự án thứ 2 về Công nghệ tấm Silic Solar trị giá 400 triệu USD cho tập đoàn Jinko Solar (Hồng Kông). Trước đó, tháng 3/2021 Jinko Solar đã đầu tư dự án Công nghệ Tế bào quang điện trị giá 500 triệu USD (Sản phẩm của dự án Sinko Solar 2 chính là nguyên liệu đầu vào của dự án Sinko Solar 1).
Jinko Solar Hong Kong là nhà sản xuất tấm quang năng (pin năng lượng mặt trời) lớn nhất thế giới, nắm giữ 12,6% thị trường toàn cầu. Jinko Solar cam kết sẽ đưa cả 2 nhà máy đi vào hoạt động, sản xuất lô sản phẩm đầu tiên ngay trong cuối năm 2021, chậm nhất là tháng 1/2022.
Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên cũng là một minh chứng thuyết phục. Thái Nguyên đã hơn 1 tháng không có ca nhiễm, Bắc Giang thì 7 ngày không ca nhiễm, Bắc Ninh chỉ có 1 ca nhiễm một ngày. Samsung, Foxconn, Luxshare đặt các nhà máy lớn nhất ở Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang. Hiện tại các nhà máy của Samsung, Foxconn, Luxshare đang sản xuất bình thường, họ vẫn đang đăng tuyển mới hàng nghìn lao động. Samsung dự tính lượng hàng xuất khẩu năm 2021 tăng 10% và họ đang có kế hoạch mở rộng nhà máy tại Bắc Ninh để nâng sản lượng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Samsung cũng đang xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển R&D của Samsung ở Hà Nội trị giá 220 triệu USD đủ chỗ cho 3000 chuyên gia, nhà khoa học làm việc.
Tính đến ngày hôm qua 19/9, 25 tỉnh thành phố phía bắc (từ Ninh Bình trở ra) chỉ có mỗi Hà Nội là còn 20 ca nhiễm một ngày, 24 tỉnh thành phố còn lại đều là các tỉnh xanh không có ca nhiễm trong cộng đồng. Nếu Hà Nội có thể đưa số ca nhiễm trong cộng đồng về 0 ổn định thì chúng ta có thể thiết lập khu vực liên thông 25 tỉnh thành phố xanh (tạm gọi là khu vực 25 xanh).
Trong khu vực 25 xanh có thể đưa cuộc sống trở lại bình thường mới, hoạt động sản xuất, kinh doanh, học hành, đi lại của doanh nghiệp và người dân được khôi phục từ ngày 1/10/2021. Khu vực 25 xanh cố gắng duy trì đến hết năm 2021 chờ tiêm vaccine đủ 2 mũi cho 75%-80% dân số.