Bên cạnh sự quyết liệt vào cuộc của các lực lượng chức năng, chuyên gia cho rằng, muốn chống hàng giả trên thương mại điện tử, bản thân các chủ sàn cũng cần tự nâng cao trách nhiệm…
>>Nan giải chống hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử
Không chỉ tiềm ẩn nhiều rủ ro, nguy hại đối với người tiêu dùng, tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái trên môi trường thương mại điện tử đã và đang trở thành mối lo lớn, gây ra nhiều ảnh hưởng tới các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Thực tế hiện nay, chỉ cần click chuột vào các trang thương mại điện tử, người tiêu dùng cũng có thể thuận tiện đặt mua bất cứ mặt hàng nào, từ thực phẩm tới đồ tiêu dùng... chính sự thuận tiện, đi cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng loại hình kinh doanh này để thu lợi bất chính bằng cách kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ,...
Mặc dù những năm gần đây, các cơ quan quản lý, các lực lượng chức năng đã quyết liệt vào cuộc, cùng với đó, chính sách về quản lý hoạt động thương mại điện tử đã được ban hành và có hiệu lực, thế nhưng, nhiều gian hàng trên các sàn thương mại điện tử phổ biến như: Shopee, Lazada, Sendo, Tiki,… những chiếc túi hàng hiệu, hay nước hoa, mỹ phẩm của các thương hiệu nổi tiếng thế giới vẫn được rao bán với giá vài chục nghìn cho đến vài trăm nghìn đồng.
>>“Lỗ hổng” thương mại điện tử
Theo các chuyên gia, hiện mỗi sàn giao dịch thương mại điện tử có trên 5.000 thương hiệu và hàng nghìn đối tác kinh doanh đa dạng các mặt hàng. Về nguyên tắc hoạt động, các sàn giao dịch thương mại điện tử chủ yếu cho thuê “gian hàng” online. Do đó, sản phẩm không về kho chứa của bất kỳ sàn giao dịch nào nên không phát hiện được hàng hoá vi phạm.
Trong khi, các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Sendo, Tiki,… cũng chỉ mới rà soát yêu cầu người bán cung cấp thông tin, tài liệu chứng minh sản phẩm đăng bán là hợp lệ nên các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái trên thương mại điện tử có rất nhiều cách để lách chính sách và lẩn tránh sự truy vết của cơ quan chức năng.
Ví dụ, như sản phẩm mang thương hiệu Dior, các đối tượng viết thành D.I.O.R hoặc DIO. Khi cơ quan chức năng phát hiện những “từ khoá” này là hàng vi phạm thì các đối tượng lại nghĩ ra “từ khoá” khác dẫn tới những khó khăn nhất định trong việc kiểm soát người bán hàng hoá vi phạm.
Chưa kể, việc kiểm soát, định danh tài khoản người bán, đăng tải chào bán, chào mua chưa thật sự chặt chẽ, chưa thường xuyên, liên tục của các sàn giao dịch thương mại điện tử cũng được cho là một trong những “kẽ hở” để các đối tượng lợi dụng đưa hàng hóa vi phạm lên bày bán công khai trên các sàn này.
Thực tế, để nâng cao trách nhiệm của các chủ sàn thương mại điện tử, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về hoạt động thương mại điện tử đã đưa vào những điều khoản quy định ràng buộc chặt chẽ như:
Về trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử, Nghị định bổ sung đối với những sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến, ngoài các nghĩa vụ trên, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm: Chỉ định đầu mối tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin trực tuyến cho cơ quan quản lý Nhà nước về các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; đầu mối này sẽ cung cấp thông tin trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận yêu cầu để kịp thời phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo;
Đại diện cho người bán nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ do thương nhân nước ngoài cung cấp và có trách nhiệm thông báo nghĩa vụ thuế của người bán nước ngoài khi tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật Việt Nam;
Là đầu mối tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng trong trường hợp một giao dịch thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử có nhiều hơn 2 bên tham gia; Lưu trữ thông tin về các giao dịch đặt hàng được thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật về kế toán;
Đặc biệt là các quy định về liên đới bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ quy định tại các khoản 8, khoản 9 Điều 36 mà gây thiệt hại.
Thế nhưng, trong thời gian vừa qua, vấn nạn hàng giả, hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử vẫn vô cùng nhức nhối và trách nhiệm của các thương nhân vẫn chưa được thể hiện đúng theo các quy định của pháp luật.
Vì vậy, để chấm dứt hiện trạng đã nêu, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh sự quyết liệt của các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng thì bản thân các chủ sàn cũng cần tự nâng cao trách nhiệm.
Có thể bạn quan tâm
Nan giải chống hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử
04:00, 26/02/2022
Ngăn chặn hàng lậu, hàng giả trong bối cảnh mới
12:30, 09/02/2022
Năm 2021, phát hiện, xử lý hơn 40.000 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái
11:31, 11/01/2022
Kỳ vọng mục tiêu… “nói không với hàng giả”
04:00, 02/01/2022
Hàng giả tồn tại sẽ "giết" chết nền sản xuất nội địa
04:10, 17/12/2021