Những năm qua, tình trạng hàng giả, hàng nhái hoành hành luôn là vấn đề nhức nhối của xã hội. Đáng nói, sự bùng nổ của các kênh bán hàng online lại càng tiếp tục khiến tình hình khó kiểm soát…
>>Nhức nhối hàng giả, hàng nhái: Doanh nghiệp phải làm gì?
Theo đó, vấn nạn hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng hoành hành những năm qua đã để lại những hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội, vấn nạn này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, thạm chí tính mạng của người tiêu dùng mà còn khiến những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính phải “khổ sở”, “lao đao”, môi trường kinh doanh “méo mó”. Nghiêm trọng hơn, vấn nạn này còn đang “kìm hãm” sự phát triển của cả xã hội.
Điều đáng nói, dù những hệ lụy đã hiển hiện, nhưng nhiều người vẫn đang ngày đêm công khai bán hàng nhái, hàng giả trên các trang mạng xã hội, trong số đó có không ít những nghệ sĩ nổi tiếng hoặc mang danh nghệ sĩ trong showbiz cũng tham gia!
Cũng phải thừa nhận rằng, để “dẹp” được tận gốc tình trạng hàng giả, hàng gian, hàng kém chất lượng luôn là bài toán cực kỳ nan giải, bởi từ shop nhỏ đến cửa hiệu lớn, từ chợ đến các trung tâm thương mại hoặc cả trên mạng và các sàn giao dịch điện tử đều đầy rẫy những mặt hàng dạng này. Kính mắt, áo quần thời trang, giày dép cho đến các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng … đều được công khai rao bán với giá “rẻ như cho”!
Vừa qua, cơ quan Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố các bị can để điều tra đường dây làm giả nước giặt, nước rửa chén quy mô lớn. Cơ quan chức năng cho biết, trước đó, khi tiến hành kiểm tra xưởng sản xuất ở xã Các Sơn (TX. Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) thì phát hiện và thu giữ 1.404 can nước giặt các loại; 480 can và 2.934 chai nước rửa bát đĩa; hàng ngàn can nhựa, chai nhựa, bìa cát tông, tem nhãn và các loại máy móc dùng để đóng gói sản phẩm. Tất cả các tang vật thu giữ đều liên quan đến một đường dây làm giả nước giặt, nước rửa chén.
Quá trình điều tra đường dây này, Công an TX.Nghi Sơn kiểm tra nhiều điểm tiêu thụ sản phẩm ở 8 tỉnh, thành phố trên cả nước, đã thu giữ thêm 829 can nước giặt các loại; 359 can và 684 chai nước rửa chén; 1.476 chai nước tẩy rửa. Các sản phẩm đều được làm giả các nhãn hiệu lớn trên thị trường.
Cơ quan chức năng cho biết, các bị can đã tổ chức mua các loại hóa chất, thiết bị sau đó pha chế thành các loại nước giặt, nước tẩy rửa và đóng gói giả các nhãn hiệu khác nhau. Sau khi hoàn thành sản phẩm, các bị can tổ chức vận chuyển, phân phối sản phẩm đến nhiều cơ sở kinh doanh ở các tỉnh, thành phố để tiêu thụ.
Trước đó tại Hà Nội, đội Quản lý thị trường số 9 (QLTT Hà Nội) cũng đã kiểm tra một cơ sở kinh doanh tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện một kho hàng hóa với hơn 28.000 sản phẩm (gồm mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ tiện ích cá nhân…) do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ; nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chủ cơ sở khai nhận, đang thực hiện kinh doanh bằng hình thức online trên sàn thương mại điện tử.
>>Chặn hàng giả trên “chợ mạng”: Cần nêu cao trách nhiệm của các bên liên quan
Có thể thấy, vấn nạn hàng giả, hàng nhái chưa bao giờ hết nhức nhối và luôn làm “đau đầu” các cơ quan quản lý. Hàng giả, hàng nhái đã và đang len lỏi vào từng ngõ ngách, có mặt hầu hết các phân khúc của thị trường, từ các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ cho đến những siêu thị, trung tâm thương mại lớn và hiện nay đang “tung hoành” trên các “chợ mạng”.
Mới đây, câu chuyện này tiếp tục được đưa ra và đã làm nóng nghị trường Quốc hội, cụ thể, chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đại biểu Lê Đoàn An Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) cho biết, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng hóa không đúng với giới thiệu quảng cáo vẫn là vấn đề nhức nhối, đặc biệt qua các kênh bán hàng online.
Đáng lưu ý nhất là hàng giả nhiều ở các ngành hàng thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc… Nhiều vụ việc phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng do chính cộng đồng mạng phát hiện, tẩy chay mà chưa có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước hay Hội Bảo vệ người tiêu dùng dẫn đến nhà sản xuất, nhà nhập khẩu hàng giả, hàng kém chất lượng chưa được xử lý thích đáng.
Đại biểu Lê Đoàn An Xuân đặt vấn đề: “Đến bao giờ Bộ Công Thương mới có giải pháp hữu hiệu giải quyết tình trạng này, để người tiêu dùng, người sản xuất chân chính được bảo vệ?”
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, trở thành kênh phân phối quan trọng, tạo động lực để phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong các doanh nghiệp. Tại Việt Nam, trong thời gian vừa qua, doanh thu mỗi năm trên môi trường thương mại điện tử đạt 16-19 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng 20-25%/năm. Đây là một tốc độ tăng trưởng rất cao trong khu vực và thế giới. "Tuy vậy, thương mại điện tử cũng tồn tại những yếu tố tiêu cực như đại biểu An Xuân đã nêu", Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận.
Còn nữa…
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ninh: Siết chặt quản lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
00:06, 19/10/2023
Chặn hàng giả trên “chợ mạng”: Cần nêu cao trách nhiệm của các bên liên quan
00:30, 14/09/2023
Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên nền tảng thương mại điện tử
04:20, 22/08/2023
Hải Phòng: Đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
00:06, 09/08/2023