Trước những trì trệ của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã yêu cầu Tổng giám đốc Cục 6 đường sắt Trung Quốc phải sang Việt Nam làm việc và giải quyết dứt điểm.
Theo Bộ GTVT, Tổng thầu chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình theo đúng hợp đồng EPC đã ký kết và chủ đầu tư sẽ tiếp tục yêu cầu Tổng thầu thực hiện cũng như xử lý các chậm trễ, vi phạm cam kết trong quá trình thực hiện hợp đồng, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
Tại buổi làm việc, Bộ GTVT cũng làm việc với tư vấn độc lập (Công ty tư vấn ACT của Pháp) đề nghị đơn vị này có những đánh giá chặt chẽ, khuyến cáo cụ thể với Tổng thầu, yêu cầu khắc phục triệt để các tồn tại của dự án này nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu.
Như đã biết, dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông dài 13,5km,được phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008, do Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc làm Tổng thầu. Dự án được khởi công vào tháng 10/2011 và dự kiến tiến độ hoàn thành trong 48 tháng kể từ ngày bàn giao mặt bằng sạch cho Tổng thầu.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 02/01/2020
17:00, 22/12/2019
07:35, 16/11/2019
09:45, 02/11/2019
01:05, 31/10/2019
00:03, 19/10/2019
18:50, 02/10/2019
13:01, 01/10/2019
Tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 552 triệu USD sau đó tăng lên 891,9 triệu USD. Dự án sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc và đối ứng của Việt Nam, bằng hợp đồng vay ký lần đầu năm 2008, sau đó ký vay bổ sung năm 2017, khởi công tháng 10/2011. Tới nay, dự án đã trải qua 5 đời Bộ trưởng GTVT, gồm các ông: Đào Đình Bình, Hồ Nghĩa Dũng, Đinh La Thăng, Trương Quang Nghĩa và hiện là ông Nguyễn Văn Thể.
Trong quá trình thực hiện, có nhiều nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ cũng được Bộ GTVT đưa ra: Thiết kế cơ sở ban đầu còn sơ sài, chưa lường hết được quy mô, tính chất, công năng, nên phải điều chỉnh tại bước thiết kế kỹ thuật; chờ nhà tài trợ (phía Trung Quốc) phê duyệt hợp đồng, cấp hiệu lực cho hiệp định vay vốn bổ sung.
Cách thức triển khai dự án ở mỗi nước có sự khác biệt, đặc biệt là cách thức lập hồ sơ thiết kế, hồ sơ nghiệm thu thanh toán. Hiện dự án còn 1% chưa hoàn thành liên quan đến việc đánh giá an toàn từ khâu thiết kế, thi công, lắp đặt thiết bị và vận hành hệ thống.
Đến nay, mặc dù đã hoàn thành khối lượng công việc đến hơn 99% nhưng việc giải quyết những tồn tại, vướng mắc của Dự án để đưa vào vận hành an toàn là điều không dễ gì hoàn thành “một sớm một chiều”.
Như chúng ta thấy, hậu quả của dự án này đã quá rõ. Vốn vay nhà nước phải chịu, lãng phí cả nhân lực, tài chính, rồi bây giờ hàng tháng phải trả lãi, trong khi câu chuyện ùn tắc giao thông đô thị không giải quyết được.
Tuy nhiên, đến nay điệp khúc chậm tiến độ, chậm đi vào vận hành vẫn cứ xảy ra và không biết trách nhiệm ở đâu? Trách nhiệm thuộc về ai? Đây là một dự án lớn mang tầm cỡ quốc gia, vay vốn rất lớn, liên tục đội vốn và việc thi công thì rất dài. Bây giờ cần làm rõ trách nhiệm, phải có người chịu trách nhiệm.
Từng có Đại biểu đặt thẳng vấn đề trách nhiệm đó là: “Cần nhìn nhận thẳng vấn đề, xem ai là người chịu trách nhiệm chính trong dự án này không thể để mãi như thế được. Một dự án lớn như vậy, chậm trễ như vậy mà coi như không có chuyện gì xảy ra thì không được; cũng không thể nói do không biết chuyên môn, không thể đổ lỗi cho yếu tố khách quan”.
Chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chỉ đưa vào khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông khi đảm bảo an toàn tuyệt đối. Các sai phạm phải được xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Và việc cho gọi Tổng thầu trực tiếp sang Việt Nam qua làm việc cũng là điều bình thường, vì khi dự án phát sinh vấn đề, hay có vướng mắc người đứng đầu nhà thầu phải sang làm việc để giải quyết.
Dù đây là điều bình thường nhưng lại rất cần thiết và người dân hy vọng Bộ GTVT sẽ “chốt hạ” được thời điểm vận hành Cát Linh - Hà Đông với Tổng thầu sau bao năm chờ đợi, lỗi hẹn.