Lãnh đạo UBND huyện Giồng Riềng đại diện chủ đầu tư vừa cho biết, cầu tuyến tránh Giồng Riềng ở tỉnh Kiên Giang không lún nứt, chỉ có vài chỗ đường dẫn cầu sụt lún mà thôi...
Đại diện Chủ đầu tư, ông Võ Tùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng cho biết, Dự án đường dẫn và cầu tuyến tránh Giồng Riềng vừa được nghiệm thu vào cuối năm 2024 có tổng vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương. Trong đó chủ yếu là chi phí xây dựng cầu đường khoảng hơn 30 tỷ đồng và bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 20 tỷ đồng. Dự án cầu và đường dẫn có thiết kế rộng 18m và dài 248m. Trong đó kết cấu xây cầu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực và dầm cầu bê tông cốt thép đúc sẵn gồm 5 nhịp và 4 chân trụ bê tông cốt thép nguyên khối và khoan cọc nhồi với độ chịu tải vượt tiêu chuẩn giao thông đường bộ.
Để đảm bảo chất lượng công trình, UBND huyện Giồng Riềng đã giao cho Ban quản lý dự án của huyện quản lý và điều hành dự án. Theo đó dự án đã tuân thủ nghiêm ngặt các thủ tục, qui trình và kỹ thuật theo qui định pháp luật. Trong đó đơn vị thi công là Công ty TNHH Trường Phát đã tuân thủ đúng qui trình và làm đúng theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật được duyệt. Dự án này không thay đổi hay bổ sung thiết kế nào và hoàn thành đúng tiến độ theo Hợp đồng thi công là 2 năm. Đến thời điểm này Cầu tuyến tránh Giồng Riềng đạt chất lượng công trình theo tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành.
“Tuy nhiên, sau khi nghiệm thu được 4 tháng, thì vừa qua mặt đường dẫn vào chân cầu xuất hiện một số vị trí bị lún cục bộ làm cho vài đoạn vỉa hè trên mặt đường bị sụt lún theo. Đây là hiện tượng bình thường theo thiết kế mặt đường chờ lún tự nhiên do đáy nền đất yếu. Việc sụt lún mặt đường nằm trong dự tính của hồ sơ thiết kế ban đầu. Và trong thời gian bảo hành 1 năm thì nhà thầu thi công có trách nhiệm xử lý hiện tượng này. Riêng cây cầu có thiết kế kiên cố theo hệ cọc móng sâu, khung dầm và kết cấu bê tông cốt thép vĩnh cửu thì hiện nay không hề lún nứt gì cả”, ông Tùng khẳng định.
Ông Tùng cũng chia sẻ thêm, theo thông lệ thiết kế và phê duyệt đầu tư xây dựng đường dẫn vào cầu ở Đồng bằng sông Cửu Long thường là móng mềm (đất, cát, đá) và chấp nhận duy tu theo định kỳ. Có nghĩa là nạo vét lớp bùn của nền đất yếu, sau đó bồi đắp cát, đá và lu lèn đến độ cao mặt cầu rồi hoàn thiện mặt đường. Sau đó phải chờ lún từ 1 đến 2 năm sau thì lớp đáy nền đất yếu mới ổn định và khi đó hết lún. Đây là giải pháp tiết kiệm chi phí đầu tư nhiều lần so với giải pháp khoan cọc nhồi (móng cứng) và đổ bê tông cốt thép mặt đường dẫn lên cầu.
Theo dư luận ở địa phương phản ánh, Dự án cầu tuyến tránh Giồng Riềng này bắc ngang sông Thạnh Hòa gần thị trấn huyện Giồng Riềng vừa mới đưa vào sử dụng cuối năm 2024, nhưng không ai sử dụng được. Lý do là một bên đường dẫn xuống dốc cầu bị cùng đường và tiếp giáp với ruộng lúa, không kết nối vào hệ thống giao thông nào ở địa phương. Muốn chạy lên cầu phải đi vòng ra chợ Giồng Riềng rồi quay qua bên kia mới chạy xe lên cầu ngắm cảnh.
Đại diện Chủ đầu tư, ông Võ Tùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng cho biết, Dự án cây cầu tuyến tránh Giồng Riềng nằm trong qui hoạch đường tuyến tránh thị trấn Giồng Riềng và kết nối với Trung tâm hành chính mới của UBND huyện được phê duyệt dự án và thiết kế tỷ lệ 1/500 vào năm 2020. Ban đầu, dự án này phải làm song song và kết nối với dự án Trung tâm hành chính huyện Giồng Riềng. Tuy nhiên do vướng một số thủ tục nên dự án đã chậm tiến độ và hiện nay UBND tỉnh có chủ trương là dừng triển khai các dự án xây dựng trụ sở Trung tâm hành chính cấp huyện.
Riêng phía dốc cầu bị cùng đường và giáp với đất ruộng hiện nay là đang chờ kết nối với con đường nằm trong Dự án của khu đô thị mới sắp xây dựng của nhà đầu tư là Công ty TNHH Oleco - NQ và Công ty cổ phần Bất động sản Mỹ. Theo đó tuyến đường của dự án này sẽ kết nối với đường tỉnh 963B, tất cả sẽ tạo thành tuyến tránh từ đường tỉnh 963 đến 963B đi vòng qua trung tâm thị trấn Giồng Riềng. Dự án Khu đô thị mới này sẽ có tổng mức đầu tư gần 860 tỉ đồng, sẽ khai thác sử dụng vào tháng 7/2028. Và đến khi đó cây Cầu tuyến tránh Giồng Riềng này sẽ phát huy tác dụng.
“Hiện nay nhà đầu tư dự án khu đô thị mới này đang phối hợp với các cơ quan chức năng để làm các thủ tục thu hồi hơn 22ha đất để triển khai dự án. Riêng phía tây giáp cây cầu này là Trung tâm hành chính thì chính quyền huyện Giồng Riềng sẽ làm thủ tục chuyển đổi Chủ đẩu tư sau khi kết thúc chính quyền cấp huyện và sáp nhập xã. Trước mắt trong năm nay huyện Giồng Riềng sẽ bố trí khoảng 5 tỉ đồng để đầu tư xây dựng 200m đường kết nối từ đường nông thôn (từ thị trấn đi xã Bàn Tân Định) ở dười chân cầu đi lên Cầu tuyến tránh Giồng Riềng. Có thể nói, Cầu tuyến tránh Giồng Riềng đã xây dựng xong thì các dự án liền kề với cây cầu này sẽ triển khai thuận lợi hơn”, ông Tùng chia sẻ.