Thông báo đăng trên website của Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) gần đây cho thấy nước này tiến hành hai cuộc tập trận ở Biển Đông từ ngày 21-22/7.
>>Trung Quốc và Mỹ “dằn mặt” nhau trên Biển Đông
Tập trận diễn ra từ 0 giờ ngày 21/7 đến 24 giờ ngày 22/7 ở Biển Đông trong khu vực được giới hạn bởi 4 tọa độ. Kết quả đối chiếu 4 tọa độ này lên Google Maps cho thấy khu vực tập trận nằm ở vùng biển phía đông bắc đảo Hải Nam của Trung Quốc.
Trước đó, cơ quan An toàn hàng hải (MSA) Hải Nam, Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo rằng nước này tiến hành các cuộc diễn tập quân sự từ 16-20/7 tại phía đông đảo Hải Nam và phía bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. MSA khuyến cáo tàu thuyền không đi vào vùng biển nói trên.
Đợt diễn tập lần này được tổ chức sau khi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan tiến vào Biển Đông ngày 13/7, dự kiến triển khai các hoạt động an ninh hàng hải, bao gồm huấn luyện bay với tiêm kích và trực thăng, diễn tập tiến công trên biển.
Được biết, cùng ngày 13/7, tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Benfold của Mỹ cũng tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông.
>>Tiếp tục tập trận ở Biển Đông, Trung Quốc thách thức luật pháp quốc tế?
>>Lại tập trận ở Biển Đông, Trung Quốc toan tính gì?
Ngày 21/7, trao đổi với báo chí về vấn đề này, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: "Chúng tôi kiên quyết phản đối mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".
Bà Hằng cũng nhắc lại tuyên bố được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đưa ra trong cuộc họp báo ngày 23/6: "Trung Quốc tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực".
Tính từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã tiến hành hoặc lên kế hoạch khoảng 47 cuộc tập trận ở Biển Đông, trong đó có 9 cuộc tập trận ở vịnh Bắc bộ, theo các thông báo được đăng trên website của MSA và thông tin từ tờ South China Morning Post.
Gần đây, Trung Quốc đã tổ chức nhiều cuộc diễn tập trên Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực gia tăng. Trung Quốc đơn phương vẽ ra "đường chín đoạn", nêu yêu sách chủ quyền phi lý với hầu hết diện tích Biển Đông. Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 bác bỏ yêu sách này, nhưng Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố không thi hành phán quyết.
Trung Quốc từng cho rằng, “chủ quyền của nước này trên Biển Đông được cộng đồng quốc tế thừa nhận”. Nhưng thực tế cho thấy đã rất nhiều nước gồm Mỹ, Úc, Malaysia, Philippines, Việt Nam đã gửi công hàm, công thư đến Liên Hiệp Quốc bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh tại vùng biển này.
Cụ thể, trong hồ sơ đệ trình lên Liên Hợp Quốc, chính phủ Úc cho biết “không có cơ sở pháp lý” để Trung Quốc vẽ đường cơ sở thẳng nối các điểm ngoài cùng của các nhóm đảo “Tứ Sa”, đòi yêu sách với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoặc các khu vực biển được tạo ra khi thủy triều thấp.
Tương tự, Malaysia cũng bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với các quyền lịch sử, quyền và quyền tài phán khác, liên quan đến những khu vực hàng hải tại Biển Đông bị gộp trong “đường 9 đoạn”, vì những yêu sách này trái với Công ước và không có hiệu lực pháp lý.
Ông Derek Grossman, chuyên gia cao cấp của Trung tâm chính sách châu Á-Thái Bình Dương thuộc Tập đoàn RAND (Research And Development), cho rằng, Trung Quốc đã có nhiều hành động "bắt nạt" các nước láng giềng liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam, Philippines và Malaysia.
Theo ông Grossman, các hành động của Trung Quốc có thể làm gia tăng bất ổn an ninh trong khu vực, thậm chí có thể khiến căng thẳng leo thang.
Tương tự, tiến sỹ James Rogers, Giám đốc Chương trình “Global Britain” thuộc Viện Henry & Jackson (London, Anh), nhấn mạnh việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là “đường lưỡi bò” là phi lý và vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là khi Trung Quốc cũng là một bên phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Ông James Rogers khẳng định những tuyên bố chủ quyền phi pháp và hành động quá mức của Trung Quốc ở Biển Đông đang hủy hoại luật pháp quốc tế, gây mất ổn định an ninh khu vực.
Về phía Việt Nam, chúng ta từng nhiều lần lên án hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên tại Trường Sa và Hoàng Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 15/07/2022
05:00, 06/07/2022
05:00, 01/07/2022
07:07, 25/06/2022
05:00, 17/06/2022
04:00, 12/06/2022
16:48, 09/06/2022