Trước những diễn biến phức tạp của chính sách thương mại toàn cầu, việc nâng cao năng lực sản xuất nội địa và có chính sách hỗ trợ kịp thời đang trở nên cấp thiết.
Thực tế, thị trường Mỹ từ lâu đã là điểm đến xuất khẩu hàng đầu của hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, ngày 2/4/2025, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã chính thức công bố chính sách thuế quan mới mang tên "Thuế đối ứng". Chính sách này nhằm mục tiêu bảo vệ ngành sản xuất trong nước và giảm thâm hụt thương mại – vốn đã lên tới 1.200 tỷ USD trong năm 2024. Dưới góc độ một quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu sang Mỹ, Việt Nam không chỉ phải đối mặt với một biện pháp thương mại đơn thuần mà còn với một nguy cơ về an ninh kinh tế phi truyền thống.
Theo báo cáo phân tích mới đây của FiinGroup, nguy cơ áp thuế cao từ Mỹ đang tạo ra áp lực lớn lên hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) – vốn chiếm tỷ trọng áp đảo trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ – có thể buộc phải tính toán lại chiến lược ngành hàng, dịch chuyển dòng vốn hoặc tìm kiếm thị trường thay thế. Với các doanh nghiệp nội địa, đặc biệt trong các ngành thâm dụng lao động như dệt may, thủy sản, gỗ… đang phải đối mặt với sức ép lớn hơn bao giờ hết. Nếu không được hỗ trợ kịp thời, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất – lao động là điều khó tránh khỏi.
Trong bối cảnh đó, để các doanh nghiệp xuất khẩu có thể chủ động ứng phó trước những biến động thuế quan và phát triển xuất khẩu trong dài hạn, nhóm nghiên cứu FiinGroup đưa ra một số đề xuất. Cụ thể, doanh nghiệp FDI đến từ các quốc gia như Hàn Quốc, Đài Loan và bao gồm cả Mỹ, chiếm tỷ trọng áp đảo trong tỷ trọng xuất khẩu trong suốt các năm qua, cần chung tay đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong đàm phán, chia sẻ khó khăn, và duy trì sản xuất để bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng kinh tế.
Về phía Chính phủ, cần khẩn trương triển khai các gói tín dụng ưu đãi, chương trình xúc tiến thương mại quốc tế, đồng thời tăng cường chính sách an sinh cho người lao động trong các ngành chịu tác động nặng nề như dệt may, thủy sản, và gỗ... Đối với hệ thống tổ chức tín dụng, việc điều chỉnh chính sách tín dụng, tăng cường giám sát rủi ro danh mục và ứng dụng công cụ phân tích chuyên sâu để nhận diện ngành nghề rủi ro cũng là nhiệm vụ cấp thiết.
Đặc biệt, về dài hạn, cần nâng cao năng lực sản xuất nội địa trong kỷ nguyên mới.
“Việt Nam cần tập trung phát triển năng lực sản xuất nội địa, hướng tới mục tiêu đưa doanh nghiệp trong nước trở thành chủ lực trong hoạt động xuất khẩu đa ngành. Chính phủ nên ưu tiên nguồn lực, xây dựng chính sách dài hạn hỗ trợ doanh nghiệp nội địa, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành xuất khẩu công nghệ cao nhằm nâng cao sức cạnh tranh quốc tế”, báo cáo của FiinGroup nêu rõ.
Đồng tình với quan điểm cần nâng cao nội lực, đưa ra khuyến nghị nhóm giải pháp căn cơ để tái cấu trúc nền kinh tế, TS Nguyễn Quốc Việt, Chuyên gia kinh tế, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, Việt Nam cần giảm sự phụ thuộc vào gia công và xuất khẩu nguyên liệu thô.
"Hiện nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam vẫn chủ yếu gia công cho các công ty nước ngoài hoặc xuất khẩu các sản phẩm chế biến thô như nông sản, khoáng sản. Khi các rào cản thương mại tăng cao, đây là nhóm ngành dễ bị tổn thương nhất do phụ thuộc hoàn toàn vào giá cả thị trường quốc tế", chuyên gia này chỉ rõ.
Để khắc phục, theo ông Việt, Việt Nam cần đặt trọng tâm vào việc nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm – đặc biệt ở các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, điện tử, dược phẩm và công nghệ thông tin.
“Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu nói trên, Nhà nước cần chủ động khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, và cải thiện tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Chỉ khi các doanh nghiệp trong nước sản xuất được sản phẩm có chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn quốc tế, mới có thể thoát khỏi thế yếu trong các cuộc cạnh tranh thương mại”, TS Nguyễn Quốc Việt bày tỏ.