Nhiều doanh nghiệp đang chuyển đổi mạnh mẽ tư duy và mô hình sản xuất theo hướng mới hoàn toàn với nếp kinh doanh trước đó để đạt được tăng trưởng tốt hơn trong tương lai.
Hướng đi mới đó chính là đầu tư vào chuyển đổi xanh, thực hành ESG, sản xuất thông minh nhằm kiểm soát tốt năng lượng và phát thải quá trình sản xuất, giảm chi phí sản xuất và giá thành, đảm bảo nâng cao chất lượng sản phẩm tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế.
Là doanh nghiệp sản xuất vật liệu không nung không gây ô nhiễm môi trường, không sử dụng nhiệt trong quá trình sản xuất song Công ty CP vật liệu xây dựng Secoin đã sớm chuyển đổi xanh sản xuất. Bà Đinh Hoài Giang - CEO của công ty cho biết, sau hơn 3 thập kỷ phát triển, đây là thời điểm doanh nghiệp cần thay đổi tư duy và nề nếp kinh doanh. Trong đó, mức độ thích ứng trước biến động của thị trường, của môi trường kinh doanh trở nên quan trọng hơn bao giờ hết với doanh nghiệp. Để làm được điều này, một trong những yêu cầu cấp thiết là thực hiện chuyển đổi xanh thông qua việc thực hành tiêu chuẩn ESG và lựa chọn quy trình công nghệ sản xuất để đáp ứng các tiêu chí: tinh gọn, tự động hoá, tiết kiệm.
Bên cạnh đó, do tính chất của sản phẩm nên trong quá trình sản xuất, vận chuyển hàng hoá vẫn tạo ra phát thải. Hơn nữa, trong sản phẩm có sử dụng xi măng - một trong những ngành chịu tác động chính của cơ chế CBAM. Dù không nằm trong danh sách phải kiểm kê khí nhà kính bắt buộc nhưng doanh nghiệp chủ động kiểm kê khí nhà kính, đánh giá vòng đời sản phẩm, tính toán phát thải ra môi trường và có lộ trình giảm phát thải trên mỗi sản phẩm.
“Đây là bước đi phù hợp với xu thế. Quá trình chuyển đổi, doanh nghiệp chấp nhận giảm lợi nhuận trong giai đoạn ngắn hạn, tạo đà cho những bước phát triển tiếp theo trong tương lai” - bà Đinh Hoài Giang chia sẻ thêm.
Chuyển đổi xanh cũng là lựa chọn để HHP GLOBAL - doanh nghiệp trong ngành giấy giải quyết một trong những “nỗi đau” của mình. Bà Trần Thị Thu Phương - CEO của công ty HHP GLOBAL cho biết, hoạt động sản xuất giấy lâu nay bị gắn với việc gây ô nhiễm môi trường. Khi có quy hoạch xây dựng nhà máy mới, công ty quyết định đầu tư nguồn lực chuyển đổi xanh như lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời; hệ thống xử lý nước thải đảm bảo tuần hoàn tái sử dụng tối thiểu 70%; điều chỉnh hệ thống nhiên liệu đốt nồi hơi từ than đá sang đa nhiên liệu, có khả năng xử lý rác thải công nghiệp thông thường phát sinh… Với sự đầu tư bài bản, nhà máy của HHP GLOBAL đã tiêu chuẩn Xanh và đang tiếp tục xây dựng thành nhà máy thông minh.
Nhận định chung về mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp trong hoạt động giảm phát thải, chuyển đổi xanh, bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ - Giám đốc Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ cho biết, so với thời điểm cách đây 3 năm khi Chính phủ có cam kết mạnh mẽ tại hội nghị COP26 về giảm phát thải, các doanh nghiệp đã có bước tiến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động. Nhiều doanh nghiệp nhìn ra được vai trò chuyển đổi xanh đối với việc chinh phục khách hàng trong chuỗi cung ứng toàn cầu hoặc xây dựng thương hiệu, chứ không dừng ở bài toán ngắn hạn.
Tuy nhiên, khảo sát mới nhất do Ban IV thực hiện cho thấy, vẫn còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng cho chuyển đổi xanh. Từ thực tế doanh nghiệp, bà Đinh Hoài Giang chỉ ra một số thách thức. Đó là, để chuyển đổi xanh, doanh nghiệp cần nguồn lực đầu tư lớn cho công nghệ tiên tiến, máy móc hiện đại nhưng việc tiếp cận tài chính xanh khó khăn và mơ hồ; khi đưa công nghệ vào, quy trình sản xuất cũ thay đổi, mức độ tự động hoá cao hơn sẽ thiếu nhân sự biết việc trong khi việc đào tạo không dễ dàng.
Đây cũng là những vấn đề doanh nghiệp phản ánh nhiều nhất trong khảo sát do ban IV thực hiện; trong đó, doanh nghiệp kêu nhiều nhất là về tài chính. Theo bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, doanh nghiệp phụ thuộc khá nhiều vào vốn tín dụng nhưng đa phần là tín dụng ngắn hạn, không phù hợp với chuyển đổi xanh cần đầu tư trung và dài hạn. Do đó, để nhân rộng những thực hành tốt trong chuyển đổi xanh như cách mà Secoin hay HHP GLOBAL đã thực hiện, Ban IV đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
“Đó là hoàn thiện khung pháp lý mới phù hợp cho chuyển đổi xanh và rà soát để cải cách quy định hiện hành không tương thích hoặc lỗi thời với những yêu cầu chuyển đổi; tiếp tục nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, tăng cường truyền thông chính sách, cập nhật chính sách mới liên quan… Đặc biệt, hoàn thiện pháp lý, hướng dẫn cụ thể về tín dụng xanh, trái phiếu xanh để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn xanh từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng một cách dễ dàng, hiệu quả hơn”, bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ cho biết.