“Sân chơi mới” mở ra, thị trường bất động sản sẽ yêu cầu các bên liên quan phải chuyên nghiệp hơn khi các quy định dần rõ ràng và chặt chẽ.
Động lực từ môi trường vĩ mô
Đến giai đoạn hiện tại, môi trường vĩ mô, môi trường pháp lý đã có nhiều thay đổi. Cụ thể, bộ 3 Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Nhà ở (gọi chung là 3 Luật liên quan đến bất động sản) có hiệu lực được đánh giá sẽ có nhiều tác động để thị trường bất động sản (BĐS) trở nên minh bạch và bền vững hơn.
Cùng với đó, các vấn đề về lạm phát tăng trong tầm kiểm soát, lãi suất toàn cầu giảm, lãi suất tại Việt Nam duy trì ở mức thấp, tỷ giá dịu dần,... cũng được xem là yếu tố tích cực để thị trường BĐS quay trở lại. Đặc biệt, quy hoạch các cấp được hoàn thiện, đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh, nghĩa vụ tài chính đã qua giai đoạn khó khăn nhất và tiếp cận vốn được duy trì, được đánh giá sẽ tạo thêm động lực cho các chủ đầu tư.
PGS.TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá 3 luật liên quan đến BĐS đều mang hàm ý nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn. Đồng thời, bối cảnh hiện nay đầu tư nước ngoài bùng nổ, đây chính là xu hướng. Cụ thể, vấn đề này sẽ mang những thách thức, nguy cơ nhưng cùng với đó cũng sẽ có cơ hội bùng nổ khu công nghiệp – Khu Đô thị công nghiệp.
“Từ đây, đô thị hóa sẽ được đẩy mạnh gồm các đô thị xanh – đô thị sinh thái – thông minh sắp xếp theo tuyến, theo trục, theo tọa độ lan tỏa. Quan đó, nguồn cung – cầu và giá sẽ tiến tới cân bằng hơn, phù hợp hơn”, PGS. TS Trần Đình Thiên nhận định.
Theo nhiều ý kiến, các nhà đầu tư cần phải chủ động nghiên cứu, phân tích thị trường, nắm bắt thông tin và không ngừng học tập nâng cao trình độ năng lực để đưa ra quyết định kinh doanh có hiệu quả. Bên cạnh đó, cần phải có sự chuyên nghiệp, thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh và hướng đến sự phát triển bền vững.
Đánh giá rõ thị trường
Nói về kinh tế Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV thông tin các động lực tăng trưởng phục hồi khá, dù không đồng đều nhưng cầu tiêu dùng phục hồi cả trong và ngoài nước, xuất khẩu tăng mạnh. Đồng thời, đầu tư tư nhân phục hồi, FDI tăng khá, quy hoạch, đầu tư công được thúc đẩy, dịch vụ phục hồi,...
Thông tin từ vị này, thị trường chứng khoán tăng khá và BĐS dần phục hồi. Cùng với đó, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng,... tiếp tục đẩy mạnh từ đây sẽ thúc đẩy chuyển đổi số, kinh doanh tuần hoàn, BĐS xanh,... “Việc cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế được đẩy mạnh (triển khai các luật) đã định hướng hoạt động doanh nghiệp trở nên lành mạnh, bền vững hơn”, TS. Lực cho hay.
Số liệu cụ thể về nguồn vốn đối với thị trường BĐS trong 9 tháng đầu năm 2024, TS. Lực cho hay đến hết tháng 9 dư nợ tín dụng BĐS đạt 3,15 triệu tỉ đồng (chiếm gần 21% tổng dư nợ nền kinh tế), cho vay BĐS tăng 9,15% (cao hơn mức tăng 9% tín dụng chung). Trong đó, cho vay kinh doanh BĐS tăng 16%, cho vay nhà ở tăng 4,6%.
Với phát hành trái phiếu, năm 2023 toàn thị trường phát hành 311 nghìn tỉ đồng, trong đó doanh nghiệp BĐS đã phát hành 73,2 nghìn tỷ đồng, xếp thứ 2 (chiếm 23,5%). Đến hết tháng 10/2024, tổng lượng trái phiếu phát hành là 333,4 nghìn tỉ đồng, trong đó doanh nghiệp BĐS đã phát hành 59,3 nghìn tỉ đồng (chiếm gần 18%). TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thị trường BĐS đã và đang phục hồi, dù còn chậm và không đồng đều giữa các phân khúc, địa bàn.
Tương tự, ông Trần Đại Nghĩa – Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư FII Việt Nam (FIIVN) cho rằng với việc bộ 3 Luật mới được áp dụng sẽ có nhiều tác động đến thị trường BĐS. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa phía các doanh nghiệp BĐS sẽ có thêm nhiều động lực từ các quy định mới. Cụ thể, thời gian tới thị trường sẽ tăng thêm nguồn cung tại các dự án được gỡ vướng. Đồng thời, các dự án tiến hành theo luật mới sẽ có tính ổn định hơn và chuyên nghiệp hơn.
“Đặc biệt, sẽ hạn chế nguồn cung phân lô cá nhân tối thiểu và hạn chế nguồn cung đất nền. Cùng với đó sẽ giúp phục hồi các dự án du lịch nghỉ dưỡng. Vì vậy, trong giai đoạn từ 2025 trở đi nguồn cung sẽ quay lại thị trường rất nhiều”, ông Nghĩa nói.
KỲ 3: Chú trọng pháp lý