Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật giáo

Diendandoanhnghiep.vn Bài viết kể lại một số mẩu chuyện về tình cảm và sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Phật giáo Việt Nam những năm Người trở về Hà Nội.

Tư tưởng Đại đoàn kết – đại hoà hợp

Ngày 8 tháng 1 năm 1957 kỷ niệm đức Thích Ca thành đạo được tổ chức trọng thể tại nhiều tỉnh miền Bắc, nhân dịp này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư chúc mừng các vị Tăng Ni và tín đồ Phật giáo Việt Nam.

Sau khi “thân ái gửi đến các vị Tăng Ni và đồng bào tín đồ Phật giáo lời chào đại hòa hợp” nhân dịp Lễ đức Phật Thích Ca thành đạo, Chủ tịch “có lời khen ngợi các vị Tăng Ni và tín đồ đã sẵn lòng nồng nàn yêu nước, hăng hái làm tròn nghĩa vụ của người công dân và xứng đáng là Phật tử”, Người chỉ rõ: “ Từ ngày hòa bình được lập lại, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, việc củng cố tuy gặp khó khăn nhưng đã đạt được nhiều thành tích. Trong Cải cách ruộng đất tuy có nơi đã phạm sai lầm trong thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng, nhưng Đảng và Chính phủ đã có chính sách kiên quyết sửa chữa. Hiện nay giai cấp phong kiến địa chủ đã bị đánh đổ, ruộng đất đã về tay nông dân và nông dân đã thực sự làm chủ nông thôn, điều đó là một thắng lợi căn bản trong công cuộc củng cố miền Bắc. Đời sống của nhân dân ta dần dần càng được cải thiện, cũng giống như tôn chỉ mục đích của Đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh mong các vị Tăng Ni và đồng bào Phật tử: “đã đoàn kết thì càng đoàn kết hơn để góp phần xây dựng hòa bình chóng thắng lợi” và động viên họ “Hãy ra sức giúp đỡ cán bộ, hăng hái thực hiện mọi công tác của Chính phủ, chấp hành đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, ngăn chặn âm mưu của Mỹ - Diệm và bọn tay sai lợi dụng tôn giáo hòng chia rẽ khối đoàn kết toàn dân, hãy ra sức đấu tranh giành thống nhất đất nước”. Cuối cùng người gửi lời “chúc các vị luôn luôn mạnh khỏe, tinh tiến tu hành, phục vụ chúng sinh, phụng sự Tổ quốc, bảo về hòa bình[1].

Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ ngày rời quê hương bôn ba khắp năm châu bốn biển tìm đường cứu nước cho dân tộc và khi trở thành Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hồ Chủ tịch có hai lần trở về thăm quê hương Nghệ An. Cả hai lần đó, thật may mắn, Ni sư  Thích Diệu Niệm trụ trì chùa Cần Linh đều được gặp gỡ và tiếp chuyện với Người.

Bác về quê lần đầu vào tháng 6 năm 1957. Tại thị xã (nay là thành phố) Vinh, Ni sư Thích Diệu Niệm được gặp Bác. Còn nhớ, nhân dân Ấn Độ - quê hương của Phật giáo, mến mộ từng gọi Bác Hồ là vị Phật sống, bởi đơn giản nói như Giáo sư Đặng Thai Mai, Bác là một người rất thấu hiểu con người, thương người, mục đích làm việc là làm thế nào cho con người được sung sướng hơn... Bởi thế, được gặp Bác, Ni sư mừng vui và xúc động khôn xiết!

Tại buổi gặp, nhắc đến những đổi thay trên quê hương Nghệ An, Bác khen ngợi những thành tích mà tỉnh Nghệ An đã giành được trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và trong 3 năm hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế; nêu một số khuyết điểm mà cán bộ và nhân dân Nghệ An cần khắc phục như chưa chú ý đến vấn đề thực hành tiết kiệm; chưa làm tốt nghĩa vụ thuế và trả nợ cho Nhà nước. Người không quên căn dặn các Tăng Ni, Phật tử cần gắng công học tập, tu dưỡng, tinh tiến nhiều hơn nữa, sống hoà hợp giữa giáo lí đạo Phật và công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bữa đó, Ni sư Diệu Niệm còn nhớ rất rõ hình ảnh hoạt bát, hóm hỉnh khi Bác cho tay vào túi áo, giả làm động tác bỏ tiền hối lộ và nói:

- Muốn làm một người đầy tớ trung thành của nhân dân, thì đừng có tham ô!

Một lời dạy bảo, Ni sư nghe và thấy trực tiếp, chứ không qua báo đài, nên thấm sâu mãi. Lúc chia tay, Bác hỏi:

- Các cô các chú có biết hát không! Thế rồi miệng nói tay bắt nhịp, Bác nhìn Ni sư:

- Lương, giáo cùng đoàn kết nhá! Đoạn, Bác nhìn Ni sư với ánh mắt đầy trìu mến, nhân từ và khích lệ. Sau này, mỗi lần nhớ lại, sư Thích Diệu Niệm đều có chung một tâm trạng: “Càng gần Bác, càng nhận ra ở Bác có một sức cảm hoá toàn diện lạ thường!”.

Tháng 12 năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê Nghệ An lần thứ hai, cách lần về trước hơn 4 năm. Cũng tại thị xã Vinh, Ni sư Thích Diệu Niệm có thêm một kỷ niệm thật đặc biệt, liên quan đến lẵng hoa và những vần thơ. Lẵng hoa có năm cánh làm bằng chất liệu vải và giấy màu, biểu tượng cho “Năm châu” hợp nhất.

Cành bích đào to cắm ở giữa mang dòng chữ “Mùa Xuân chiến thắng” có ý gửi gắm niềm tin vào ngày non sông thống nhất, Bắc Nam đoàn tụ. Bác Hồ tay cầm lẵng hoa, nâng niu ngắm nghía, rồi khen ngợi nhà chùa khéo tay. Còn Ni sư làm bài thơ theo thể Đường luật, dâng lên vị Chủ tịch kính yêu:

“Thiền gia kính chúc Vị Anh Minh,

Lãnh đạo toàn dân Tổ quốc mình.

Một mực thẳng dong cờ xã hội,

Cùng Liên Xô giữ vững hòa bình.

Nước nhà thống nhất non sông lại,

Mỹ, ngụy cùng nhau cút khỏi Nam.

Xin nhớ Thiên Ân Bồ tát Hạnh,

Thiền gia kính chúc Vị Anh Minh!”

Thơ tặng riêng Bác, nhưng nỗi niềm kính yêu lãnh tụ và khát vọng sống an vui, hạnh phúc thì của chung. Bác nghe thơ vui lắm và có thơ họa lại. Rất tiếc, bài thơ của Bác chép trên giấy, cất giữ trong ngôi hầm của nhà chùa những năm chiến tranh chống Mỹ.

Một lần, nước lụt vào ngập hầm, nhiều tài liệu cùng với bài thơ không còn giữ được nữa. Lại do tuổi cao, trí nhớ suy giảm nên Ni sư không còn thuộc chính xác từng câu chữ. Chỉ nhớ đại ý là thơ Bác ca ngợi cuộc sống đang từng bước đi lên, nhắc nhở các tăng ni, Phật tử cùng toàn dân đoàn kết, nỗ lực xây dựng miền Bắc làm hậu phương vững mạnh cho sự nghiệp thống nhất nước nhà. Cuối bài thơ, Bác không quên gửi lời chúc sức khoẻ tiến bộ và niềm an lạc tới tất cả...

Nghe thơ Bác lần này, ai cũng nhớ lại lời Người căn dặn trong lần về trước, tại Hội nghị đại biểu nhân dân tỉnh nhà, hôm 14 tháng 6 năm 1957: “Chúng ta phải thật thà đoàn kết. Trong kháng chiến, trong cách mạng, nhờ đoàn kết mà chúng ta thắng lợi.

Trong hòa bình, chúng ta nhất định phải đoàn kết để dành lấy những thắng lợi mới và lớn lao hơn. Đoàn kết Lương - Giáo, đoàn kết Bắc - Nam, đoàn kết đồng bào thiểu số với đồng bào Kinh, đoàn kết quân và dân”[2].

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu Hội Phật giáo Việt Nam, ngày 3/1/1957

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu Hội Phật giáo Việt Nam, ngày 3/1/1957

Đồng bào Phật tử hãy cố gắng “Lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha”

Sau 3 năm (1954-1957) thực hiện nhiệm vụ khôi phục kinh tế và thu được kết quả bước đầu, miền Bắc chuyển sang thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với Nông, công nghiệp và công thương nghiệp tư bản tư doanh, từng bước phát triển kinh tế xã hội từ 1958-1960.

Lúc bấy giờ, có bốn tổ chức Phật giáo hoạt động ở miền Bắc:

- Hội Việt Nam Phật giáo, trụ sở tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.

- Hội Phật giáo Cứu quốc, trụ sở tại chùa Bà Đá, Hà Nội.

- Giáo hội Tăng già Bắc Việt, trụ sở tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.

- Hội Phật tử Việt Nam, trụ sở tại chùa Chân Tiên, Hà Nội.

Việc thành lập một tổ chức Phật giáo thống nhất trở thành nhu cầu cấp thiết của Tăng Ni, Phật tử miền Bắc.

Ngày 14 tháng 9 năm 1957, một số vị Hoà thượng và cư sĩ đã đệ đơn lên Chính phủ xin phép thành lập Ban Vận động, tiến tới triệu tập Đại hội đại biểu Phật giáo, thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam. Pháp sư Thích Trí Độ được cử làm Trưởng ban.

Sau một thời gian tiến hành vận động, được phép của Chính phủ, từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 3 năm 1958, Đại hội đại biểu thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam đã tiến hành tại chùa Quán Sứ, Hà Nội[3].

Tối 18 tháng 3 năm 1958, Đại hội đã cử một phái đoàn gồm hơn 40 vị Tăng Ni và cư sĩ do Pháp sư Thích Trí Độ dẫn đầu lên Phủ Chủ tịch yết kiến Hồ Chủ Tịch, trong đó có sư cụ Đàm Phúc 99 tuổi và sư cụ Tống Cắm Sáng gốc Hoa tu tại Cẩm Phả. Khi Hồ Chủ Tịch đến, ai nấy đều chắp tay theo lối tu hành để chào Người. Hồ Chủ tịch cũng chắp tay niềm nở tiếp đón. Người hỏi Đại hội thành công tốt đẹp không? Tổ Cao Đà đứng dậy. Người vội cầm tay mời ngồi xuống. Tổ Cao Đà thưa rằng: “Thưa Chủ tịch, Đại hội đã thành công rực rỡ. Được như thế là nhờ sự giúp đỡ của Đảng, Chính phủ và Mặt trận. Để tỏ lòng biết ơn, chúng tôi xin hứa cùng nhau nhất tâm tu hành để phụng sự Phật pháp và phục vụ nhân dân, góp phần vào việc diệt trừ khổ não cho chúng sinh theo lời Phật dạy”. Hồ Chủ Tịch nói: “Trước đây phong kiến và đế quốc đã kìm hãm không cho người tu hành được yêu nước, yêu dân. Nay thì khác. Các vị được tự do phụng đạo, yêu nước, cứu khổ cứu nạn cho mình và cho người theo như lời Phật dạy.” Đoạn Chủ tịch giải thích: “cứu khổ, cứu nạn là phải làm thế nào không còn người áp bức người, ai nấy đều có cơm ăn, áo mặc, việc làm, không ai khổ nữa”.

 Hồ Chủ tịch đã trao tặng lại cho Hội một bảo vật là hai cây Bồ đề do Tổng thống Ấn Độ J.Prasát tặng Người ngày 7 tháng 2 năm 1958 nhân dịp Hồ Chủ Tịch dẫn đầu đoàn đại biểu nước ta sang thăm Ấn Độ và Liên bang Miến Điện. Người nói: “tôi đã ủy ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa đem cây ấy tặng lại các vị để đánh dấu ngày thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam.”[4]

Từ ngày 28 tháng 9 đến ngày 1 tháng 10 năm 1964, tại chùa Quán Sứ, Hà Nội đã diễn ra Đại hội đại biểu Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam lần thứ 3, gồm 200 đại biểu Tăng Ni, cư sĩ và tín đồ, thể hiện tinh thần đại hoà hợp, phấn khởi, tin tưởng. Trong thư gửi Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao những đóng góp hy sinh của Tăng Ni, Phật tử trong hai cuộc kháng chiến: “Các vị tăng ni và tín đồ Phật giáo trước đây đã có công với kháng chiến, nay thì đang góp sức cùng toàn dân xây dựng miền Bắc giàu mạnh và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.” Người luôn nêu tấm gương của đức Phật Thích Ca để kêu gọi đồng bào Phật tử hãy cố gắng “lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha”. Người mong các “Tăng Ni và đồng bào Phật giáo góp phần xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam hòa bình thống nhất độc lập, dân chủ và giàu mạnh.”[5]

Bằng tinh thần đoàn kết, tự do tín ngưỡng tôn giáo, ngày 14/06/1955 tại Sắc lệnh số 234/SL Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do thờ cúng của nhân dân.

Bằng tinh thần đoàn kết, tự do tín ngưỡng tôn giáo, ngày 14/06/1955 tại Sắc lệnh số 234/SL Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do thờ cúng của nhân dân.

Gần gũi và quan tâm tới Phật giáo

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, tôn trọng quyền tự do bình đẳng tín ngưỡng của các tôn giáo trong đó có Phật giáo. Mặc dù bận trăm công nghìn việc, Người vẫn dành thời gian về thăm các chùa và tiếp các vị trong hàng giáo phẩm đến thăm Người, trọn tình trọn nghĩa với những người từng che dấu mình trong thời kỳ hoạt động bí mật.

Ngày 19 tháng 5 năm 1960, trong lúc Thượng tọa Thích Thanh Chân cùng đoàn đại biểu Phật giáo Hà Tây trên đường ra Hà Nội chúc thọ Hồ Chủ tịch thì Người lại khởi hành từ 5 giờ sáng về thăm chùa Hương Tích, Hà Tây. Tại đây Người đã căn dặn chính quyền địa phương phải sửa lại những con thuyền, bắc thêm cầu phao và làm thêm một con đường mới để Tăng i, Phật tử đi lại chiêm bái được dễ dàng và an toàn.

Ngày 25 tháng giêng năm 1961, sau khi về thăm Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, nơi có phong trào trồng cây điển hình của miền Bắc, Bác Hồ đã thăm chùa Hà ở thôn Gia Viễn, xã Định Trung, thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc và dặn dò cán bộ và nhân dân địa phương. Người nghỉ trưa, ăn cơm nắm dưới tán cây muỗm (xoài) cổ thụ trong vườn chùa Hà Tiên, rồi Bác xuống giếng Ngọc (giếng Hà) để rửa, Bác khen nước giếng chùa Hà vừa trong vừa mát. Tưởng nhớ công ơn Bác đối với dân tộc và nhân dân trong tỉnh, địa phương đã dựng nhà lưu niệm Bác trong khuôn viên chùa, giếng Ngọc cũng là một trong những hạng mục công trình được đặc biệt quan tâm bảo tồn cùng với công trình tưởng niệm Bác Hồ trong lần trùng tu lớn vừa qua.

Ngày 15 tháng 2 năm 1965, Hồ Chủ tịch về thăm Côn Sơn. Tại đây người đã

 đọc văn bia trùng tu di tích chùa, ngắm nghía các ngọn tháp.

Trên đường lên Thạch Bàn (tức bàn cờ đá trên đỉnh núi Côn Sơn), Bác dừng chân chờ sư cụ Quá Hải, Bác hỏi:

- Nhà sư tên gì? Có tên họ Phật, họ Thích gì không?

- Bẩm tên tự là Quá Hải không có Thích ạ!

- Nhà sư bao nhiêu tuổi?

- Bẩm 59 tuổi.

- Cứ gọi là 60 tròn đi. Nhờ ơn trời, Phật Tổ, nhà sư thọ 20-30 năm nữa, nếu mỗi năm nhà sư trồng 50 cây, thì sau này nhà chùa có một rừng cây rất đẹp, đời sau nhân dân sẽ nói đó là rừng cây của nhà sư Quá Hải đời trước. Liệu có làm được không?

- Dạ! Bẩm Bác làm được ạ!

- Cố làm! Mỗi năm làm một ít, mình làm lại động viên mọi người cùng làm. Bây giờ trồng thì khó khăn về cây giống, phải nhờ đồng bào địa phương giúp đỡ.[6]

Sáng mồng một Tết năm Đinh Mùi (tức ngày 09/2/1967), Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm quân và dân tỉnh Hà Bắc đã ghé thăm chùa Tam Sơn, huyện Tiên Sơn[7]. Tại Tam quan chùa Tam Sơn, Bác đã chúc tết quân và dân Hà Bắc và nói chuyện với cán bộ, nhân dân, thiếu nhi xã Tam Sơn. Sau đó, Bác đã trồng cây đa trước cồng chùa và đến nay cây đa vẫn tỏa bóng mát, được nhân dân địa phương trân trọng, gìn giữ.

Đây là chuyến thăm cuối cùng của Bác đối với Đảng bộ và nhân dân Hà Bắc.

Năm 1969, Hồ Chủ tịch về thăm chùa Keo, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Thấy ngôi chùa cổ có nhiều giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo bị xuống cấp, khi về Hà Nội, Người đã yêu cầu Chính phủ chuyển cho tỉnh 160.000 đồng để trùng tu chùa.

Trọn tình trọn nghĩa với những người từng cưu mang giúp đỡ mình

Hồi hoạt động bên Thái Lan (thập niên 1930-1940), Người được cụ Bình Lương, trụ trì chùa Lô kanukho ở Bangkok nuôi dấu. Sau sự kiện Việt kiều ở Thái Lan, Hòa thượng xin về nước. Lúc Hòa thượng lâm bệnh nằm viện Việt - Xô, Hồ Chủ tịch đã đến thăm.

Khi Ngài viên tịch (20 tháng 4 năm 1966) Bác đã cử ông Hoàng Văn Hoan mang vòng hoa tới viếng, băng vòng hoa nội dung viết: “Kính viếng Hòa thượng Bình Lương tức Phạm Ngọc Đạt nhà tu hành yêu nước”, hàng chữ nhỏ ở dưới đề “Đồng chí Hồ Chí Minh”.

Kết luận

Xuất thân trong một gia đình gia giáo có cha là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – một nhà Nho uyên bác, lại tinh thông giáo lý đạo Phật đã rèn luyện các con mình một nền đạo đức đậm chất Phật giáo. Phẩm chất đạo đức đó đã làm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh gần gũi với Phật giáo trong suốt quá trình hoạt động làm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đánh đuổi ngoại xâm, giải phóng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Phẩm chất đạo đức thuần Việt của Người vốn đã được tiếp nhận tinh hoa của giáo lý Phật đà là Khoan dung, độ lượng, đại hoà hợp-đại đoàn kết, mình vì mọi người, lo cho hạnh phúc ấm no của muôn người [8].

Những mẩu chuyện trên đây cho thấy: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện sự quan tâm và vận dụng một cách sâu sắc di sản văn hoá Phật giáo trong sự nghiệp đoàn kết dân tộc, giành độc lập cho dân tộc, đem lại tự do cho dân, no ấm cho mọi người con dân đất Việt.   

Kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết nghĩ không gì thiết thực hơn đối với chúng ta là thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, để đạo đức của Người mãi mãi toả sáng trong xã hội chúng ta.

------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo

- Nguyễn Đại Đồng, Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981, Nxb Tôn giáo, 2018.

- Kỷ yếu Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo năm 1958.

- Kỷ yếu Đại hội Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, năm 1964.

- GHPG Việt Nam, Ban Văn hoá Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật giáo, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2011.

[1] Nguyễn Đại Đồng, Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981, Nxb Tôn giáo, 2018, tr302.

[2] http://congannghean.vn/van-hoa-giao-duc/201208/22294-su-ba-chua-can-linh-hai-lan-duoc-gap-bac-395708/

[3] Kỷ yếu Đại hội đại biểu Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, năm 1958.

[4] Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam đã tổ chức lễ trồng cây Bồ đề này tại chùa Một Cột quận Ba Đình, và tại chùa Trấn Quốc, quận Tây Hồ, Hà Nội.

[5] Thư Hồ Chủ tịch gửi Đại hội đại biểu Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam lần thứ 3 ngày 28 tháng 9 năm 1964. Đăng trong Kỷ yếu Đại hội, 1964.

[6] Nguyễn Đại Đồng-Thích Quảng Tiếp, Phật giáo Hải Dương những chặng đường, Nxb Tôn giáo, 2016, tr112.

[7] Chùa Tam Sơn (còn có các tên gọi là chùa Cảm Ứng, chùa Ba Sơn, chùa Trăm Gian) tọa lạc ở núi Tam Sơn, thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn được xây dựng từ thời Tiền Lê, là một trong những ngôi chùa độc đáo của vùng quê Kinh Bắc - Bắc Ninh.

[8] GHPG Việt Nam, Ban Văn hoá Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật giáo, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2011, tr297.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật giáo tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713597377 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713597377 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10