Chủ tịch nước Lương Cường sắp có chuyến thăm Chile, Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024.
Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Chile Gabriel Boric Font và Tổng thống Cộng hòa Peru Dina Ercilia Boluarte Zegarra, Chủ tịch nước Lương Cường sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Chile từ̀ ngày 9 đến ngày 12/11; thăm chính thức Cộng hòa Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima, Peru từ ngày 12 đến ngày 16/11/2024.
Tuần lễ Cấp cao APEC 2024 diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Lima, TP Lima, Peru, từ ngày 14 – 16.11.2024. Đây là lần thứ ba Peru đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC, sau các năm 2008 và 2016.
Với chủ đề "Trao quyền, bao trùm, tăng trưởng", nước chủ nhà Peru thúc đẩy 3 ưu tiên chính là: Thương mại và đầu tư vì tăng trưởng bao trùm và kết nối; Đổi mới sáng tạo và số hóa nhằm thúc đẩy chuyển đổi từ kinh tế phi chính thức sang kinh tế chính thức và toàn cầu; Tăng trưởng bền vững vì phát triển tự cường.
Trong năm nay, với 240 cuộc họp trù bị được tổ chức, Peru đã đón 7.400 du khách đến dự các cuộc họp có liên quan đến APEC.,Nước chủ nhà APEC 2024 cũng dự kiến đón thêm 15.000 người trong Tuần lễ cấp cao tới đây.
Theo chương trình, Chủ tịch nước Lương Cường sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao nước ta tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 31, Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC và các nhà lãnh đạo khách mời, Ăn trưa - Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC.
Việt Nam và Chile thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 25/3/1971. Chuyến thăm của Chủ tịch nước Lương Cường đánh dấu lần đầu tiên sau 15 năm một Chủ tịch nước Việt Nam đến Chile.
Việt Nam và Chile đã ký nhiều văn kiện hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư. Trong đó đáng chú ý nhất là Hiệp định thương mại tự do (FTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2014 đã thúc đẩy giao thương giữa hai nước.
Quan hệ thương mại hai chiều từ 534 triệu USD năm 2013 - năm trước khi FTA có hiệu lực - lên 2,15 tỉ USD năm 2022, năm 2023 đạt 1,57 tỉ USD, còn 9 tháng đầu năm 2024 đạt gần 1,3 tỉ USD.
Hiện Chile là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Việt Nam sang Mỹ Latin sau Mexico, Brazil và Argentina, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Chile trong ASEAN.
Với Peru, chuyến thăm của Chủ tịch nước Lương Cường diễn ra đúng dịp hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2024. Lãnh đạo hai nước thường xuyên duy trì trao đổi, tiếp xúc tại các cơ chế đa phương trong hai năm qua.
Trong thời gian qua, trao đổi song phương giữa Việt Nam và Peru đã phát triển mạnh mẽ và có nhiều cơ hội nâng cao kim ngạch thương mại. Việt Nam hiện có hai dự án đầu tư quan trọng tại Peru trên các lĩnh vực viễn thông và dầu khí với số vốn hơn 1 tỉ USD.
Đây là hoạt động đối ngoại lớn đầu tiên của Chủ tịch nước trên cương vị mới, các tiếp xúc song phương sẽ góp phần xây dựng hình ảnh, tạo dựng quan hệ tốt đẹp với lãnh đạo các nước.
Chuyến công tác góp phần nêu bật cam kết và những đóng góp của Việt Nam trong APEC trong bối cảnh Việt Nam sẽ đăng cai Năm APEC 2027.
Chuyến công tác cũng thể hiện mạnh mẽ thông điệp về một Việt Nam đang chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương; góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác và liên kết kinh tế tại khu vực; quảng bá vị thế, hình ảnh đất nước ổn định, tăng trưởng kinh tế tích cực sau đại dịch và thu hút nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nước.