VCCI hoạt động vì một cộng đồng doanh nghiệp bền vững và mạnh, đóng góp vào sự phát triển quốc gia.
>>VCCI hỗ trợ doanh nghiệp đưa gia vị, rau quả Việt "xuất ngoại" vào EU
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công chia sẻ tại buổi họp với đoàn công tác của Bộ Nội vụ đến thăm và làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ngày 6/5.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh, buổi làm việc là cơ hội để VCCI báo cáo về tình hình hoạt động và nêu những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết. Nhất là các mục tiêu chiến lược của VCCI đặt ra để đồng hành, phát triển cùng đất nước. Đồng thời là cơ hội để VCCI nhận thức được trách nhiệm lớn lao trong thời gian tới.
Đánh giá về hoạt động của VCCI, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, nhiệm kỳ VII vừa tổ chức đại hội rất thành công. Được sự hưởng ứng và tạo khí thế mới trong cả nước. Đại hội đã quy tụ được rất nhiều doanh nghiệp hưởng ứng tham gia, tính chất xã hội hoá rất cao, thành lập Ban chấp hành mới với quy mô mang tính đại diện cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Sức mạnh của Ban chấp hành cũng rất cao, hơn 90 thành viên đã quyết tâm nhận là “tiểu nền kinh tế” với quy mô doanh số gần 100 tỷ USD. Đặc biệt, tại Đại hội VII, VCCI đã đưa ra tầm nhìn sứ mệnh cũng như mục tiêu chiến lược gắn với nhiệm vụ mới của VCCI trong giai đoạn tới.
Trong đó xác định, VCCI hoạt động vì một cộng đồng doanh nghiệp bền vững và mạnh, đóng góp vào sự phát triển quốc gia. Với tầm nhìn doanh nghiệp vững mạnh, quốc gia thịnh vượng. Sứ mệnh là doanh nghiệp phát triển theo đúng đường lối lãnh đạo của Đảng.
Tất cả các nhiệm vụ từ giờ phút này VCCI triển khai là bám sát tầm nhìn và mục tiêu chiến lược đó, để làm sao đảm bảo đến năm 2030 -2045 đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Chia sẻ về phát triển đội ngũ doanh nhân giai đoạn tới, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công mong muốn VCCI sẽ nhận được sự hỗ trợ của Bộ Nội vụ thực hiện nhiệm vụ đã được giao, tập hợp đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam và định hướng phát triển cho đội ngũ này.
Đặc biệt là đạo đức doanh nhân và văn hoá doanh nhân Việt Nam. Vì phải có những “ông chủ” có đạo đức và văn hoá thì mới có doanh nghiệp vững mạnh. “Lâu nay chúng ta vẫn nói nhiều đến văn hoá doanh nghiệp, nhưng đạo đức văn hoá doanh nhân vẫn chưa tập trung”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công bày tỏ.
>>Đoàn đại biểu VCCI thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-1
Báo cáo tại cuộc làm việc, ông Phạm Hồng Giang, Trưởng ban Ban Kế hoạch Tổng hợp cho biết, Tháng 12/2021, VCCI đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026. Đại hội đã thống nhất đổi tên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tên gọi tắt và tên tiếng Anh vẫn giữ nguyên là VCCI ( Vietnam Chamber of Commerce and Industry).
Trong giai đoạn 2015-2021 vừa qua, VCCI đã hoàn thành tốt các phương hướng, nhiệm vụ công tác do Đảng, Nhà nước giao và Đại hội VCCI lần thứ VI đề ra. Cơ quan VCCI đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, tăng 30% so với nhiệm kỳ trước, đạt mức độ tăng trưởng bình quân 10%/năm.
Các mặt công tác được triển khai toàn diện và chất lượng được nâng cao theo hướng chuyên nghiệp hóa. Ngoài các hoạt động truyền thống, VCCI đã triển khai nhiều hoạt động mới có tính sáng tạo, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp.
Vai trò của VCCI trong tham gia xây dựng thể chế, chính sách pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính ngày càng được khẳng định và đề cao. Các chương trình hành động thực hiện các chỉ thị, nghị quyết quan trọng của Đảng, Nhà nước về phát triển doanh nghiệp, doanh nhân được triển khai hiệu quả.
VCCI chú trọng tăng tính liên kết và nâng cao năng lực của các hiệp hội, đảm bảo phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc, tích cực hỗ trợ và thúc đẩy việc thành lập và triển khai hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp cấp tỉnh; phát huy chức năng đại diện cho người sử dụng lao động....
>>VCCI và UNDP triển khai nhiều hợp tác quan trọng
Vị thế, uy tín của VCCI được nâng cao ở trong nước và ngoài nước. VCCI được cộng đồng kinh doanh quốc tế đánh giá là một trong những Phòng Thương mại và Công nghiệp năng động nhất trong các nền kinh tế đang phát triển và là một đối tác mạnh trong cộng đồng các Phòng Thương mại - Công nghiệp và các tổ chức xúc tiến thương mại - đầu tư trên thế giới.
Chủ tịch VCCI đã được tín nhiệm bầu vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của các Tổ chức đại diện cộng đồng kinh doanh ở phạm vi quốc tế và khu vực. VCCI đã tổ chức thành công các hoạt động quan trọng, mang tầm quốc gia và các sự kiện lớn của cộng đồng doanh nghiệp như các hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2017; các Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh với Việt Nam VBS 2017, 2018, 2019, 2020; Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường kỳ (VBF)...
Trong giai đoạn 2015-2021, VCCI đã tổ chức nghiên cứu góp ý gần 700 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (trung bình mỗi năm gần 150 dự thảo); tham gia 214 ban soạn thảo, tổ biên tập; tham gia 390 hội đồng thẩm định, thẩm tra các dự án, dự thảo văn bản, kiểm tra văn bản... VCCI đã tổ chức 2.030 hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến doanh nghiệp, chuyên gia xây dựng, góp ý pháp luật, chính sách với sự tham dự của 324.500 lượt người tham dự.
Đồng thời, VCCI cũng chú trọng triển khai nhiều hoạt động rà soát, nghiên cứu về việc xây dựng và thực thi văn bản pháp luật. Nhiều báo cáo quan trọng đã được xây dựng và công bố trong giai đoạn này như: “Báo cáo rà soát chồng chéo lớn trong các Luật” đã chỉ ra 25 vấn đề chồng chéo lớn trong các Luật hiện hành, được Chính phủ đánh giá cao và được sử dụng nhiều bởi các cơ quan Bộ, ngành.
Loạt “Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh” được thực hiện liên tục từ năm 2018 được xây dựng nhằm điểm lại những quy định pháp luật có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam, từ đó đưa ra những đánh giá về xu hướng của dòng chảy chính sách kinh tế trong từng giai đoạn, làm cơ sở cho công tác xây dựng pháp luật về kinh doanh trong giai đoạn tiếp theo.
VCCI đã chủ trì điều tra, khảo sát và công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) liên tục trong 15 năm kể từ năm 2005. Kết quả PCI hàng năm đã trở thành nguồn thông tin tham khảo hữu ích đối với các tỉnh, thành phố trên toàn quốc trong quá trình xây dựng chính sách cải cách thủ tục hành chính, chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân, chính sách cải thiện chất lượng bộ máy chính quyền.
VCCI cũng là nơi khởi nguồn của nhiều đề xuất cải cách hành chính quan trọng của Chính phủ. Đối với cả ba đợt cải cách hành chính trong nhiệm kỳ vừa qua đều ghi nhận sáng kiến và vai trò của VCCI, như việc xóa bỏ hàng ngàn giấy phép con vào năm 2016, cắt giảm và đơn giản hóa trên 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành vào năm 2018 và đợt tổng rà soát các chồng chéo, bất cập trong hệ thống pháp luật năm 2020…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo VCCI và lãnh đạo các Ban của VCCI đã trao đổi, nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động cũng như kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết.
VCCI kiến nghị Bộ Chính trị, ban Bí thư ban hành Kết luận mới về hội quần chúng trên cơ sở Đề án sắp xếp các tổ chức hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, trong đó xác định cụ thể vai trò, vị trí, mô hình tổ chức của hội có Đảng đoàn nói chung và VCCI nói riêng, có chính sách áp dụng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tính chất, quy mô, phạm vi hoạt động, vị trí, vai trò của từng hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đề nghị phân cấp thẩm quyền cho phép Đảng đoàn VCCI chịu trách nhiệm về một số hoạt động đối ngoại theo đúng tinh thần công văn số 7359-CV/VPTW ngày 08/8/2018 do đồng chí Thường trực Ban Bí thư chỉ đạo…
VCCI cũng kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010. Ủy quyền cho VCCI và các Hiệp hội doanh nghiệp tham gia cung cấp các dịch vụ công để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp và giảm bớt gánh nặng cho bộ máy cơ quan quản lý nhà nước. Bổ sung VCCI là cơ quan được lấy ý kiến hiệp y khi các cơ quan chủ quản trình khen thưởng, tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân trong Nghị định số 51/2010/QĐ-TTg về thi đua, khen thưởng…
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị của Bộ Nội vụ đánh giá cao kết quả hoạt động của VCCI, nhất là các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế. VCCI đã bám sát tôn chỉ, mục đích, có nhiều hoạt động nổi bật, tập hợp hội viên và hiệp hội doanh nghiệp với số lượng lớn.
Các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao trong việc bảo vệ quyền lợi hội viên triển khai rất hiệu quả, tạo điều kiện cho hội viên, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng ghi nhận và đánh giá cao vai trò của VCCI trong các hoạt động kết nối, sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
Về quản lý nhà nước, VCCI ổn định và phát triển nhiều mặt thời gian qua, tập hợp được nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, xứng đáng là cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà nước. VCCI đã tham gia cùng hệ thống chính trị thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế và phục hồi phát triển kinh tế sau dịch COVID-19.
VCCI đã tổ chức hoạt động theo đúng điều lệ đã được Thủ tướng phê duyệt, đảm bảo đoàn kết nội bộ. VCCI đã hoạt động bằng tâm huyết, khát vọng để phát triển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; quản lý hoạt động thông tin, báo chí theo đúng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của nhà nước…
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng đề nghị VCCI tổ chức lại hoạt động và tiếp tục tuân thủ đúng chủ trương, pháp luật; hoàn thiện các quy định theo điều lệ. Thực hiện tốt các nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao, thực hiện tốt việc cung cấp dịch vụ công; thực hiện tốt việc tập hợp cộng đồng doanh nghiệp; tiếp tục tham gia góp ý xây dựng văn bản pháp luật nhất là các văn bản về kinh tế, thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế.
Với vai trò đại diện cộng đồng doanh nghiệp, Thứ trưởng đề nghị VCCI tiếp tục phối hợp tốt với các địa phương nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế sau dịch COVID-19.
Bổ sung thêm giải pháp làm nổi bật hơn nữa vai trò làm cầu nối, gắn kết chặt chẽ giữa nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp; nghiên cứu cơ chế đối thoại giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, tham mưu đề xuất các giải pháp để cộng đồng doanh nghiệp được hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn nữa.
Đồng thời, bổ sung lộ trình số hóa và chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp, nhất là tham gia cung cấp các dịch vụ để tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ; tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó trong nội bộ VCCI và gắn bó giữa cộng đồng doanh nghiệp với nhau.
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cũng cho biết, Bộ Nội vụ đang xây dựng và sẽ đưa vào hoạt động Trang tin điện tử về quỹ, hội và đề nghị VCCI quan tâm theo dõi, khai thác, chia sẻ thông tin để phục hoạt động của VCCI hiệu quả hơn.
Có thể bạn quan tâm
11:14, 06/05/2022
03:34, 04/05/2022
03:02, 28/04/2022
17:47, 27/04/2022
14:33, 27/04/2022
14:30, 27/04/2022
13:46, 27/04/2022
13:45, 27/04/2022
13:40, 27/04/2022
13:30, 27/04/2022
13:14, 27/04/2022
13:00, 27/04/2022
11:00, 27/04/2022
08:00, 27/04/2022