Chủ tịch VCCI nhấn mạnh doanh nghiệp cần môi trường kinh doanh an toàn, bền vững hơn là dòng vốn. những hỗ trợ nhất thời.
Chiều nay, Toạ đàm "Làm tổ cho đại bàng nội" được tổ chức tại Hạ Long, Quảng Ninh.
Phát biểu mở màn toạ đàm, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, tương lai của đất nước phụ thuộc vào các doanh nghiệp tư nhân, trong đó nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước là khơi dậy cho sự phát triển của khu vực này.
Cần nâng cấp quy mô doanh nghiệp
Bàn về cụm từ "đại bàng nội", chủ đề của hội thảo, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc bày tỏ mong muốn thay đổi cách gọi doanh nghiệp nội là "đàn rồng Việt". "Không phải 'dọn ổ' mà là mở cửa, hội nhập cho doanh nghiệp Việt, tham gia điệu tango giữa đàn rồng Việt và đại bàng nội, mang lại lợi ích cho cả hai bên", ông Lộc nói.
Lãnh đạo VCCI dẫn thực tế, các dự án nước ngoài tại nhiều địa phương được đánh giá cao, còn doanh nghiệp nội ví như "bụt chùa nhà không thiêng" dù mang lại giá trị, công ăn việc làm.
“Cần xây dựng, nâng niu đàn rồng Việt để các doanh nghiệp dân tộc, doanh nhân dân tộc trở thành yếu tố dẫn dắt nền kinh tế, đảm bảo sự tự chủ của kinh tế Việt Nam. Vừa thịnh vượng vừa tự chủ”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Thực tế, khu vực kinh tế tư nhân đã là động lực quan trọng của nền kinh tế, phải ngày càng trở nên quan trọng hơn.
"Chúng ta có lực lượng kinh tế tư nhân đông đảo, không phải chỉ có 8 trăm nghìn doanh nghiệp, mà là trên 6 triệu, bao gồm các hộ kinh doanh", Chủ tịch VCCI dẫn số liệu.
Tuy nhiên, Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp lớn và mạnh. "Định hướng chính sách không phải tăng số lượng, mà nâng cấp chất lượng, quy mô doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp lớn, cỡ vừa. Hỗ trợ doanh nghiệp lớn không phải theo kiểu SME, cầm tay chỉ việc hay tiền bạc, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19, mà quan trọng là thể chế, môi trường kinh doanh an toàn, bình đẳng, thuận lợi. Trong đó, an toàn là yêu cầu hàng đầu", Chủ tịch CVCI đề xuất.
Theo đại diện VCCI, cần phải có một xã hội trọng doanh nhân. Để biết công cuộc phát triển đất nước có thành công hay không thì nhìn vào thái độ của xã hội nhà nước với doanh nhân. Cái nhìn tôn trọng chính là nền tảng cho sự phát triển của đội ngũ doanh nghiệp. Bối cảnh hiện nay cho thấy cần phải có môi trường công bằng, thể chế thuận lợi để doanh nhân có thể yên tâm kinh doanh.
Ông ví dụ về ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ, khi nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách thực hiện một loạt hợp đồng với các doanh nghiệp tư nhân, đầu tư thông qua nghiên cứu, công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh và giúp ngành này dành lại thế thượng phong. Từ đó nhấn mạnh, trong mọi lĩnh vực kinh doanh mối quan hệ giữa nhà nước và lực lượng kinh tế tư nhân đều có thể tận dụng phương thức này.
Đối tác công tư nên mở rộng ra các hoạt động xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ quan trọng của đất nước. Coi việc xây dựng các ngành này không chỉ nhiệm vụ của nhà nước mà còn cả đội ngũ doanh nghiệp tư nhân.
"Đây là thời điểm thích hợp để nhận thức lại vai trò doanh nhân lớn và xây dựng một chương trình yểm trợ cho các doanh nghiệp lớn. Covid-19 giúp nhận ra những yêu cầu về phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội", ông Lộc nói.
Phải xoá bỏ chồng chéo pháp luật
Cũng tại hội thảo hôm nay, chuyên gia kinh tế Bùi Kim Thuỳ xoáy vào vấn đề chồng chéo luật. Vị này dẫn ra Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh do VCCI thực hiện, có trên 40 điểm nghẽn. Đó là ở cấp độ nghị định, nếu về thông tư còn nhiều.
Hướng về phía cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo VCCI cho biết, vấn đề chồng chéo pháp luật gây khó khăn cho nhà đầu tư, tạo ra áp lực và sự không an toàn cho doanh nghiệp. VCCI đang đề nghị thành lập tổ công tác phát hiện chồng chéo pháp luật, với 11 tổ rà soát trong 11 lĩnh vực để sửa các văn bản chồng lấn.
Chủ tịch VCCI cũng cho rằng tỉnh Quảng Ninh như một tấm gương có sự khác biệt rõ rệt với thủ tục hành chính nhanh, các công trình đối tác công tư lớn, khiến các nhà đầu tư hài lòng khi đến đây.
“Đây là "cái nôi của nhiều ý tưởng, mô hình cải cách của địa phương". Quảng Ninh có mô hình xúc tiến đầu tư đầu tiên tại Việt Nam. Đây là nơi các nhà đầu tư tới giải quyết thay vì đến các sở, ban ngành. Tỉnh cũng là một trong địa phương đầu tiên có trung tâm hành chính công. Hệ thống chính trị đón tiếp, giải quyết một cửa người dân, doanh nghiệp, bám sát thanh tra, giám sát. Tương tác của Quảng Ninh và người dân qua mạng xã hội cũng rất cởi mở”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Chủ tịch VCCI cũng cho rằng việc nhiều nhà đầu tư lớn từng làm việc với các tỉnh, vùng kinh tế tế lớn phía Nam vẫn so sánh Quảng Ninh là một trời một vực bởi thủ tục nhanh chóng. Các tập đoàn lớn như FLC, Vingroup... đến đây đều được người đứng đầu tỉnh mời gọi chân thành. Chính thái độ thân tình đó tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
15:00, 25/02/2021
02:30, 24/02/2021
14:24, 19/02/2021
06:00, 17/02/2021