Chia sẻ với DĐDN, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP TPDD Vinanutrifood nhấn mạnh, phụ nữ làm kinh doanh cần mềm dẻo và thích ứng như giữ nếp nhà!
>>>Nữ Doanh nhân nghệ nhân Bùi Thị Hý: Đưa sản phẩm tinh hoa dân tộc Việt chinh phục thế giới
Bất chấp khủng hoảng Covid-19, từ một doanh nghiệp sản xuất nông sản xuất khẩu, Vinanutrifood chuyển hướng thành công với 1.000 chuỗi siêu thị Nutri Mart trên toàn quốc chuyên kinh doanh sản phẩm nông sản Việt.
-Trong bối cảnh xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh của Vinanutifood cũng gặp nhiều thách thức thưa bà?
Hơn 2 năm qua doanh nghiệp nông nghiệp đã hứng chịu tác động nặng nề từ đại dịch, đặc biệt là những khó khăn mang tính đặc thù của ngành như về áp lực thời gian thu hoạch, tiêu thụ. Bên cạnh đó, chi phí logistics tăng cao và thiếu chỗ trầm trọng…
Đến năm 2022, mới 2 tháng qua nhưng Vinanutrifood đang rơi vào tình trạng 90% nhân viên và người lao động không thể trở lại công việc do bùng dịch tại các tỉnh phía Bắc. Chúng tôi đang khủng hoảng, 3 nhà máy không có lao động làm việc, toàn bộ hệ thống farm cũng thiếu người thu hoạch và chưa thể vào vụ mùa mới. Do đó, năm 2022 xác định tiếp tục là một năm khó khăn.
-Vậy bà đã chèo lái con thuyền doanh nghiệp của mình như thế nào để đối mặt những khó khăn này?
Phải trở lại thời điểm cuối năm 2019, chúng tôi gặp khủng hoảng về xuất khẩu khi thị trường chính là Trung Quốc “đóng cửa” do bùng dịch nghiêm trọng. Năm 2020, toàn bộ hệ thống xuất khẩu của chúng tôi vào Trung Quốc bị tê liệt, các văn phòng tại thị trường này phải đóng cửa. Khi đó, chúng tôi quyết định chuyển hướng vào mảng bán lẻ tại thị trường nội địa theo hình thức online, chúng tôi khá thành công khi kinh doanh sản phẩm trên 20 trang thương mại điện tử và hệ thống bán hàng online.
Đến năm 2021, chúng tôi tiếp tục đi vào “cuộc chơi” bán lẻ hàng tiêu dùng với hệ thống bán hàng offline, nỗ lực để đạt 1.000 điểm bán tại Việt Nam. Thực sự rất khó khăn, nhưng “nếu dừng lại sẽ không có thành công nào cả” do đó tôi xác định chuyển đổi số kịp thời, chuyển đổi mô hình kinh doanh để đang từ hoạt động chính là xuất khẩu sang bán lẻ online rồi sang offline, đang từ thị trường xuất khẩu phải sang chăm sóc thị trường trong nước.
Có thể nói, khi quay lại thị trường nội địa, làm hài lòng người Việt chúng tôi nhận thấy khó khăn còn gấp bội, nếu khi xuất khẩu chỉ cần sản phẩm thô thì bán lẻ trong nước cần sản phẩm chế biến sâu, đa dạng các chuỗi sản phẩm. Hơn nữa, câu chuyện Vinanutrifood muốn truyền tải là minh bạch quy trình từ nông trại tới siêu thị, từ nông trại tới bàn ăn do đó phải chỉn chu từ những thước phim cụ thể thay đổi tư duy của khách hàng về hàng Việt.
Với 2022 tiếp tục là khó khăn về nhân lực, chúng tôi phải thích ứng kịp thời nở ra khi thị trường nở và co lại khi nhu cầu tiêu dùng giảm đi rất nhiều.
-Là phụ nữ làm kinh doanh hẳn sẽ có nhiều khó khăn so với nam giới thưa bà? Bà nhận thấy điều gì cản trở phụ nữ khi làm kinh doanh?
Nếu nam giới sinh ra thường được mặc định vai trò gánh vác, làm lớn, nghĩ lớn với tính cách quyết đoán thì phụ nữ lại có nhiều rào cản về gia đình, con cái hay kể cả cách điều hành doanh nghiệp. Nhưng với bản thân mình, tôi là người bươn chải từ sớm, xác định làm kinh doanh ngay từ khi rời ghế nhà trường. Do đó, tôi luôn xác định đổi mới tư duy, đổi mới mình, thích nghi với quy mô doanh nghiệp. Ví dụ xác định duy trì mô hình ở giai đoạn đầu startup, khi khách hàng và thị trường mở rộng thì tiếp tục mở rộng mô hình, củng cố đội ngũ nhân sự.
Tôi cũng may mắn qua nhiều năm cũng đã có được “phễu lọc” nhân sự, có những người đồng hành gắn bó cùng doanh nghiệp qua nhiều năm, có những nhân viên làm ngày đêm vì thời vụ, thậm chí chấp nhận dù covid nhưng vẫn “chiến đấu online” tại nhà.
-Nhưng rõ ràng phụ nữ cũng có những ưu thế như mềm dẻo, linh hoạt được xem là thế mạnh trong bối cảnh cần sự thích nghi cao như hiện nay?
Đúng vậy, phụ nữ thường phải lo toan từ những việc nhỏ nhất trong gia đình, đây lại chính là lợi thế khi nữ giới điều hành doanh nghiệp. Khi nam giới điều hành doanh nghiệp ở chiến lược tầm vĩ mô, thì nữ giới sẽ bao quát được mọi thứ, sát sao được phần chi phí và tính hiệu quả, gắn liền các bộ phận trong doanh nghiệp với nhau, bổ trợ cho nhau rất nhiều. Có lẽ bởi vậy mà doanh nghiệp do nữ làm chủ thường đi chậm, đi chắc, đi bền vững, giữ được “cái chất” trong doanh nghiệp, giữ được sự “thăng bằng” trong quá trình phát triển.
-Vậy bản thân bà tại sao lại chọn kinh doanh mà đặc biệt là kinh doanh nông nghiệp – lĩnh vực rủi ro bậc nhất trong các lĩnh vực ngành? Đã có khi nào khó khăn khiến bà muốn bỏ cuộc?
Khi chọn lĩnh vực nông nghiệp những người anh chị đi trước đều nói với tôi rằng đây là con đường khó khăn nhất, gian khổ nhất và cần sự bền bỉ nhất, có thể 5-10 năm chưa chắc có thành tựu, quá nhiều bài học “được mùa mất giá”, thất bát… Khi mở ra nhiều farm sản xuất, cũng có lúc tôi phải đi tìm nguồn “giải cứu”, nhiều vụ mùa hàng chất lượng nhưng logistics thiếu không thể xuất khẩu tươi, không có khách hàng….phải chuyển hướng sang chế biến. Nhưng tôi xác định luôn luôn không được từ bỏ, dù có muôn vàn vấp ngã không thể dừng lại, những cú trượt chân này cho tôi những bài học, 10 năm qua rất nhiều kĩ năng sinh tồn đã được đút kết từ những áp lực khi làm nông nghiệp, chúng tôi luôn có những phương án dự phòng, chuyển hướng cho việc kinh doanh của mình.
-Đâu là động lực khiến bà vượt qua những rào cản, thách thức trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình?
Khi càng đi sâu vào ngành, có những chuyến hàng lên tới biên giới phải bỏ, đối tác ép giá…cũng có những lúc tôi nghĩ tới việc dừng lại. Nhưng chính lúc đó tôi nghĩ lại lý do mình bắt đầu và suy nghĩ nếu hôm nay mình dừng lại thì ngày mai bắt đầu còn khó khăn hơn, và nếu cứ khó khăn mình lại bỏ cuộc thì kinh doanh bất cứ ngành nghề nào cũng dở dang và mình sẽ không còn con đường nào để lựa chọn, cứ như vậy suốt 10 năm qua năm nào cũng khó khăn từ dịch bệnh, thiên tai, tắc biên, thiếu chỗ, rớt giá…chúng tôi luôn xác định làm chủ cuộc chơi của mình. Hàng hoá bị đối tác “lật kèo”, ép gía sẽ chủ động quay đầu bán lẻ bằng giá bán buôn hoặc đưa về nhà máy chế biến, nhất định không thoả hiệp.
-Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm với những bạn trẻ khởi nghiệp, những phụ nữ muốn làm kinh doanh, thưa bà?
Thực sự nếu đã xác định khởi nghiệp phải xác định là khó khăn, rủi ro, thậm chí luôn tính đến những phương án xấu nhất. Đừng “lạc quan tếu” với việc kinh doanh. Đồng thời phải rèn luyện cho mình tính kiên trì, bền bỉ. Hãy tìm cho mình một người Thầy trên thương trường trước khi startup! Rất nhiều bạn bè của tôi đã từ bỏ con đường kinh doanh khi gặp khó, quay đầu làm thuê trong các doanh nghiệp. Nhưng với máu liều của mình, tôi đã cầm cố nhà cửa của bố mẹ khi kinh doanh, do đó, tôi không có đường lùi, không thể quay đầu mà chỉ có thể làm tiếp. Có lẽ cũng vì vậy mà tôi xoay xở, thích ứng tìm mọi phương án để duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh của mình.
Thời kỳ phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay cho các bạn trẻ nhiều cơ hội kinh doanh thuận lợi với chi phí thấp hơn. Các bạn hãy tận dụng và lưu ý “không bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, không nên làm quá lớn ngay từ đầu, không nên thuê đội ngũ nhân sự lớn ngay từ khi startup mà phải xác định bản thân làm từ vị trí nhỏ nhất thậm chí như bán hàng để trau dồi kiến thức để đi lên, nhân rộng mô hình và đội ngũ nhân sự.
Với ngành nông nghiệp, khuyên các bạn hãy làm thương mại rồi hãy làm sản xuất, hãy hiểu nhu cầu của thị trường vững vàng rồi làm farm, khi có hệ thống bán hàng tốt hãy làm vùng nguyên liệu, làm sản xuất. Đồng thời, hãy lựa chọn những sản phẩm có thời hạn dài cho giai đoạn đầu khởi nghiệp để giảm thiểu rủi ro. Đừng nản chí khi khởi nghiệp!
- Xin cảm ơn Bà!
Có thể bạn quan tâm
18:51, 07/03/2022
17:09, 06/03/2022
00:14, 22/02/2022
03:00, 13/02/2022
02:21, 31/01/2022