Theo ông Vũ Hữu Điền - Chủ tịch VPBankS, thị trường chứng khoán cuối năm 2024 đang đứng trước những thách thức và cơ hội mới.
Nhìn lại thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) năm 2024, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS), ông Vũ Hữu Điền nhận định, năm qua, thị trường có những điểm đáng chú ý:
Thứ nhất, trên TTCK, khối ngoại đã bán ròng hơn 3,1 tỷ đô la từ đầu năm đến nay. Đây là con số "rất kinh khủng", bởi nó lớn nhất trong suốt 24 năm hoạt động của thị trường chính khoán Việt Nam.
Thứ hai, chỉ số chính của chứng khoán Việt Nam, VN-Index cũng dao động ở một biên độ hẹp từ 1.200 đến 1.300 điểm và cũng gây rất nhiều khó khăn cho nhà đầu tư.
Thứ ba, bên cạnh đó, TTCK còn bị cạnh tranh bởi rất nhiều các loại đầu tư tài sản khác như là bất động sản, vàng, tiền số...
Thứ tư, vấn đề xung đột địa chính trị và thương mại cũng ảnh hưởng rất lớn đến thị trường chính khoán Việt Nam. Cụ thể là việc ông Trump quay trở lại làm Tổng thống cũng làm dấy lên lo ngại "trade war 2.0" giữa Trung Quốc và Mỹ; Và như thế cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của toàn thế giới.
Phát biểu tại Hội thảo "VPBankS Talk #4: Vững vàng vượt sóng gió" do VPBankS và VTVMoney tổ chức, ông Vũ Hữu Điền cho biết có thể nói sau 2 năm 2022 và 2023, thị trường chính khoán Việt Nam cơ bản là có lợi nhuận đi ngang, vì 2022 thị trường tăng 1 con số, đến 2023 lại giảm 1 con số, và 2024 là năm chúng ta đang kỳ vọng là TTCK có sự phục hồi.
Về số liệu kinh tế vĩ mô, dẫn số liệu tăng trưởng GDP quý 3 +7,4% và 9 tháng là tăng 6,8%, ông Điền nhận định chúng ta đang kỳ vọng là cả năm 2024 tăng trưởng GDP tăng khoảng 7%. Bên cạnh đó, chỉ số PMI trong vài tháng gần đây cũng đã duy trì ở cái mức trên 50 điểm; Trong đó tháng 11 là 50,8, tháng 10 là 51,2. "Điều đó chứng tỏ rằng là kinh tế chúng ta đang phục hồi trở lại, và đang ở mức tăng trưởng cũng tương đối cao trong các quý gần đây. Theo đó lợi nhuận 9 tháng của các công ty cũng đang ở mức tăng trưởng khoảng 20%".
"Theo các chỉ tiêu nâng hạng của FTSE Russell, tôi tin rằng việc TTCK được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi sẽ khẳng định vị thế của TTCK Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn ngoại vào Việt Nam, đặc biệt là các quỹ ETF cũng như các quỹ đầu tư chủ động trong tương lai", ông Vũ Hữu Điền nhận định. Đồng thời ông cho biết VPBankS là Công ty chứng khoán duy nhất thuộc Tập đoàn ngân hàng VPBank. Thông qua các chuỗi sự kiện hội thảo với các phân tích, các phản biện, các khuyến nghị sâu sắc và hữu ích về tình hình thị trường, vĩ mô, công ty, ngành... của TTCK Việt Nam, với ưu thế nằm trong hệ sinh thái tài chính toàn diện VPBank, VPBankS không chỉ tự tin về nền tảng nguồn lực vững mạnh, công nghệ mạnh mẽ mà còn tiếp cận trực tiếp đến mạng lưới khách hàng rộng lớn, thực hiện cam kết tạo ra một nền tảng tài chính minh bạch và hiện đại, luôn nỗ lực nâng cao giá trị đầu tư cho khách hàng.
Liên quan đến ngân hàng và nhóm cổ phiếu ngân hàng, vừa là "huyết mạch" của nền kinh tế, vừa là nhóm chiếm hơn 40% vốn hóa toàn thị trường, chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng, Giám đốc trung tâm phân tích và dự báo Kinh tế (thuộc Ban Kinh tế Trung ương) cho biết, ngoài góc nhìn toàn cảnh và vĩ mô thì nhìn ở góc độ nguồn vốn tín dụng, ngành ngân hàng năm 2024 nhìn chung vẫn khá chật vật về tăng trưởng tín dụng. Thời gian gần đây đã tăng trưởng rất nhanh. Tính đến 13/12, theo số liệu được công bố, tăng trưởng tín dụng đâu đó đã lên tới 12,3% so với cuối năm 2023. Nếu tính yoy thì đã tăng khoảng 16%. Theo đó, tín dụng năm nay có thể dự báo tăng trưởng đạt 15% (svck) hoặc hơn. Điểm thứ hai, nếu nhìn con số nợ xấu ngân hàng, cần tách bạch nhóm 5 ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt ra thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 1,96%, nếu cộng thêm nợ VAMC và nợ tiềm ẩn rủi ro theo cách tính của NHNN, thì tỷ lệ nợ xấu khoảng 3, 28%. Ở mức nợ xấu như vậy với tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh, các NHNY có tỷ lệ nợ xấu khá thấp, thì chất lượng tín dụng khá tốt và là cơ sở tăng trưởng tín dụng cho 2025.
Bên cạnh đó, ông Tú Anh cho rằng nhóm ngân hàng bán lẻ khi hoạt động bán lẻ sẽ có nợ xấu cao hơn bình thường nhưng theo tỷ lệ hiện tại, chất lượng tín dụng vẫn đảm bảo khá tốt. "Cổ phiếu ngành ngân hàng luôn hấp dẫn, nhưng dòng tiền có vào các ngân hàng hay không, chúng ta đừng quên kênh huy động vốn trái phiếu bổ sung vốn cấp 2. Trên thị trường ngoài ra trong thời kỳ vừa qua chúng ta có chính sách tín dụng trong chừng mực nào đó duy trì lãi suất thấp, kèm theo sự bùng nổ tăng trưởng tín dụng, dẫn đến nhu cầu huy động vốn tăng và sẽ dẫn đến chi phí huy động tăng. Nhà đầu tư theo đó có thể e ngại về NIM ngân hàng. Nhưng nhiều ngân hàng thời gian qua đã đẩy mạnh số hóa, dẫn đến chỉ số CAR thấp, NIM sẽ cải thiện, ví dụ VPBank là 1 trong số đó. Theo đó sức hấp dẫn của các ngân hàng vẫn còn, chưa kể triển vọng xa tương ứng với quy mô tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đến 2030, các ngân hàng sẽ "gánh" một nhiệm vụ cung ứng vốn lớn hơn. Nhà đầu tư khôn ngoan đi trước có thể đón đầu thời điểm này", ông Tú Anh nhìn nhận.