Chùa Keo - nét cổ xưa còn mãi

PHẠM TUẤN 25/04/2024 03:30

Không chỉ là địa chỉ cho người dân hành hương bái Phật, chùa Keo còn là nơi bảo tồn lưu giữ nét văn hoá, kiến trúc như tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam.

>>Những cánh bướm trong rừng Cúc Phương

Tôi đến thăm chùa Keo vào một ngày cuối Xuân đầu Hạ, tiết trời khá oi nồng với độ ẩm không khí cao. Thế nhưng, chỉ chạm tới khuôn viên chùa Keo là thấy ngay sự thanh mát, nhẹ nhàng, thư thái… từ khung cảnh cho tới cơn gió mát từ sông xa lồng lộng thổi vào.

Chùa Keo thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình - là ngôi chùa cổ nằm ven sông Thái Bình với tuổi đời hơn 400 năm, có nhiều nét độc đáo về kiến trúc, lối chạm trổ cũng như quy tắc ở chùa. Chùa Keo thờ cả Phật và Thánh. Vị Thánh được thờ ở đây là Dương Không Lộ, là nhà sư thời Lý nổi tiếng uyên thâm Phật Pháp (Tiền Phật, hậu Thánh ). Chùa có ban thờ tự những người góp công lớn xây chùa như: Nguyễn Văn Tru, Trịnh Thị Ngọc Lễ, Trần Thị Ngọc Duyên, Hoàng Nhân Dũng, Lê Hồng Quốc.

Chùa Keo

Chùa Keo thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ảnh: FB Tổ Đình chùa Keo Thái Bình

Quang cảnh chùa Keo rất đẹp, đẹp ngay từ cổng chùa cho tới mái đình Nghing Phong nằm phía trước hồ nước như minh đường trước chùa. Chia cổng tam quan làm hai phần: tam quan ngoại trước hồ, còn tam quan nội phía sau hồ là đường dẫn vào chùa.

Gió lồng lộng từ sông thổi qua bờ đê tràn vào không gian chùa, cây cối xanh tươi, hồ nước trong mát, mái chùa cong cong thấp thoáng sau bóng cây. Chùa không quá to hay đồ sộ mà hiền hoà với mái ngói, cột gỗ, rui mè. Hai hồ nước chạy song song hai bên dãy hành lang thuộc quần thể của chùa như máy điều hoà giữ cho ngôi chùa luôn thoáng đãng, mát mẻ.

Ảnh: FB Tổ đình chùa Keo Thái Bình

Ảnh: FB Tổ Đình chùa Keo Thái Bình

Chùa theo kiến trúc cổ kiểu “nội Công, ngoại Quốc”, bên trong là chữ Công, bên ngoài là chữ Quốc - lối kiến trúc phổ biến của dinh thự, đền chùa miếu mạo thời vua Lê Trung Hưng năm 1632. Tên chính thức chùa là Thần Quang Tự nhưng phần lớn mọi người đều gọi là chùa Keo hay chùa Keo trên để phân biệt với chùa Keo dưới nằm bên phía Nam Định hữu ngạn sông Thái Bình.

Lối vào chùa Keo lát gạch nung với rặng cây làm hàng rào gợi nhớ về làng quê Bắc Bộ thời xa vắng. Không gian yên tĩnh, thanh sạch với khuôn viên gần 5 héc ta, 16 toà, 157 gian. Quy mô này là công trình lớn của ngày xưa khi máy móc, công nghiệp chưa phát triển, khối lượng gỗ và vật liệu để dựng chùa bằng sức người và đục đẽo chạm trổ hoàn toàn bằng tay là khối lượng công việc khổng lồ.

Ảnh: FB Tổ đình chùa Keo Thái Bình

Ảnh: FB Tổ Đình chùa Keo Thái Bình

>>Lô Lô Chải - Ấm vàng nơi cực Bắc

Chùa bài trí theo thứ tự Chùa Phật, Tam quan, Toà Thượng điện, Điện thành, hành lang, gác chuông, ở phía sau cùng là nơi ở cho tăng ni.

Trong chùa, hệ thống rui mè, rường cột được chạm trổ tinh xảo bằng tay nên rất có hồn, các pho tượng Hộ pháp uy nghi, bệ vệ, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, La Hán, Tuyết Sơn được chế tác từ hàng trăm năm trước từ thế kỷ 17, 18. Đặc biệt, pho tượng Tuyết Sơn tuy trông gầy gò khắc khổ, nhưng tính thẩm mỹ cũng như sự chính xác về giải phẫu học làm khách viếng thăm phải ngạc nhiên.

Vật liệu gỗ với mái dầy cùng khói hương phảng phất, mùi hương trái phật thủ làm không gian trong chùa thêm linh thiêng huyền bí. Thềm đá rêu phong, cây đại cổ thụ, giếng nước xây từ lâu đời với miệng giếng được quây bằng cối đá xanh - vật dụng thường ngày không thể thiếu được của ngày xưa dùng để giã gạo thổi cơm. Nếu muốn chụp ảnh thì ở góc nào cũng mang hồn cổ kính, từ bậc cửa, hành lang, cho đến dãy hàng lang hun hút.

Ảnh: FB Tổ đình chùa Keo Thái Bình

Ảnh: FB Tổ Đình chùa Keo Thái Bình

Phần đẹp nhất là gác chuông chùa Keo, toà tháp chuông bốn tầng hoàn toàn làm bằng gỗ chạm trổ công phu nằm cuối trục đường Thần Đạo. Tầng dưới cùng treo khánh đá, tầng 2 treo chiếc chuông đại mà mọi người kể rằng khi gõ chuông tiếng chuông vang xa cách vài cây số vẫn nghe rõ mồn một. Tầng 3 và tầng thượng treo chuông đồng nhỏ hơn. Tháp cao hơn 11 mét gắn kết với nhau bằng các mộng thắt, con sơn chồng lên nhau, 12 mái đao loan cong cong vút lên nền trời giữa vùng mây nước đồng bằng châu thổ.

Ảnh: FB Tổ đình chùa Keo Thái Bình

Ảnh: FB Tổ Đình chùa Keo Thái Bình

Người thuyết minh di tích quốc gia chùa Keo kể: Chùa Keo có hai lần hội chính một năm. Hội mùa Xuân ngay mùng 4 tết và hội mùa Thu dịp rằm tháng chín là lễ hội tưởng nhớ Thiền Sư Không Lộ, người sinh ra từ làng Keo và có công xây dựng chùa Keo từ thời thế kỷ 11. Sau vì nước lũ cuốn trôi chùa nên người dân mới dựng lên hai ngôi chùa Keo ở tả ngạn và hữu ngạn sông Thái Bình.

Ảnh: FB Tổ đình chùa Keo Thái Bình

Ảnh: FB Tổ Đình chùa Keo Thái Bình

Tôi may mắn đi cùng đoàn có khách quen được mở cửa leo lên gác chuông cao nhất. Từ ô cửa sổ nhỏ trên tầng thượng của gác chuông nhìn được khắp quanh cảnh khu chùa, thấy như được trở về với không gian ngày xưa với tín ngưỡng cùng cuộc sống sinh hoạt của người dân vùng đồng bằng châu thổ.

Vẻ đẹp của kiến trúc độc đáo, tượng Phật, điêu khắc gỗ cách đây hàng 400 năm làm nên giá trị đặc sắc của chùa Keo. Không chỉ là địa chỉ cho người dân hành hương bái Phật, đây còn là nơi bảo tồn lưu giữ nét văn hoá, kiến trúc như tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam.

Thư thả ra về mua ít quà quê lạc đỏ, vừng đen, nhấm nháp miếng bánh đa nướng trứ danh nơi đây, thấy lòng thật nhẹ nhàng, thanh thản. 

Có thể bạn quan tâm

  • Xanh hoá là mục tiêu quan trọng trong phát triển du lịch

    11:57, 24/04/2024

  • Giá vé máy bay nội địa tăng: Du lịch nói đắt, hàng không kêu “oan”

    00:20, 24/04/2024

  • Kích cầu du lịch trong dịp nghỉ lễ 30/4 -1/5 kéo dài

    02:00, 21/04/2024

  • Quảng bá du lịch Việt Nam qua âm nhạc

    09:18, 20/04/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chùa Keo - nét cổ xưa còn mãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO