Ráo riết đầu tư vào ngành nước và hưởng “trái ngọt” khi doanh thu tăng trưởng gấp rưỡi. Tuy nhiên, lợi nhuận của DNP lại ngược chiều giảm mạnh do chi phí tài chính và chi phí hoạt động tăng cao.
CTCP Nhựa Đồng Nai (DNP Corp - Mã: DNP) vừa công bố báo cáo tài chính Quý II/2019. Theo đó, doanh thu hoạt động kinh doanh bắt đầu ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng hơn 53% đạt 709 tỉ đồng; biên lãi gộp tăng gần gấp đôi từ 9,5% lên 17%.
Cùng với doanh thu, chi phí hoạt động của DNP Corp tăng mạnh. Cụ thể chi phí bán hàng tăng 56% lên 39 tỉ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 122% lên 60 tỉ đồng. Ngoài ra, doanh thu hoạt động tài chính giảm 43% (phần lớn đến từ chứng khoán kinh doanh), ngược lại chi phí tài chính tăng hơn 13% lên 53 tỉ đồng.
Đây là những nguyên nhân chính khiến cho lợi nhuận thuần của DNP Corp giảm gần 60% còn chưa đầy 4 tỉ đồng, bất chấp việc lãi gộp tăng tới 2,7 lần lên 120 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ chỉ vỏn vẹn 2,2 tỉ đồng, giảm 88% so với quí II năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, DNP Corp đạt doanh thu thuần 1.249 tỉ đồng, lãi gộp 224 tỉ đồng; cũng giống với kịch bản của quí II, chi phí tài chính cùng các chi phí hoạt động tăng mạnh khiến lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ chỉ còn hơn 8,2 tỉ đồng, tức giảm 72% so với nửa đầu năm 2018.
Những khó khăn của ngành nhựa nói chung và của DNP nói riêng cũng đã được Chủ tịch Vũ Đình Độ đề cập tại Đại hội cổ đông thường niên 2019 diễn ra mới đây. Theo ông Độ, những khó khan chung của ngành nhựa đã ảnh hưởng tới doanh nghiệp tầm trung như Nhựa Đồng Nai. Trong đó, giá nguyên vật liệu tăng theo tốc độ tăng của giá dầu, trong khi lại chiếm từ 60 – 70% giá thành khiến biên lợi nhuận của công ty sụt giảm. Bên cạnh đó, Lãnh đạo công ty cho biết, sự cạnh tranh trong ngành nhựa bắt đầu từ năm 2016 và ngày càng nhìn rõ sự khốc liệt.
Có thể bạn quan tâm
04:16, 15/08/2017
15:06, 03/08/2019
11:17, 03/08/2019
04:21, 03/08/2019
Gặp khó trong ngành nhựa, DNP đang chuyển hướng đầu tư sang ngành nước để tìm kiếm sự tăng trưởng. Theo Ban lãnh đạo công ty, ngành nhựa ngày càng cạnh tranh trong khi nước lại là một ngành giàu tiềm năng, có tính an toàn cao và bản thân DNP Corp cũng có những lợi thế nhất định khi tham gia ngành này. Riêng trong năm 2018, DNP Corp đầu tư vào hơn chục công ty ngành nước và tính đến thời điểm 30/6/2019 đã nắm trong tay 8 công ty con, 9 công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực này. Trong đó có những cái tên nổi tiếng như CTCP Sản xuất Kinh doanh Nước sạch số 3 Hà Nội (NS3) cung cấp nước cho toàn bộ quận Hoàn Kiếm, Cấp thoát nước Bình Thuận, Nước Cần Thơ, Nước Long An, Nước Bắc Giang…
Năm 2018, Nhựa Đồng Nai đạt 2.181 tỷ đồng doanh thu, tăng 31% so với năm trước. Mặc dù doanh thu tăng nhưng sự sụt giảm từ hoạt động tài chính, đặc biệt từ chi phí lãi vay tăng cao đã khiến lãi sau thuế của công ty sụt giảm mạnh xuống còn 14 tỷ đồng. Trong năm nay, DNP Corp đặt kế hoạch doanh thu thuần 2.681 tỉ đồng, trong đó riêng mảng nước đem về 850 tỉ đồng.
Tuy nhiên, một vấn đề mà công ty đang gặp phải chính là việc sử dụng đòn bẩy quá lớn cho các thương vụ M&A. Nợ phải trả hiện đang gấp 2,7 lần vốn chủ, tăng mạnh trong năm 2018. Trong đó, nợ vay ngắn hạn 1.263 tỉ đồng, nợ vay dài hạn 2.901 tỉ đồng; so với đầu năm nợ của DNP Corp đã được cơ cấu theo hướng dài hạn.