Bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không phù hợp, thì vấn nạn mua bán chứng chỉ sẽ lùi vào dĩ vãng.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính cấp cao Học viện Tài chính chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp về cắt giảm những chứng chỉ bồi dưỡng mang tính hình thức, không phù hợp, trong đó có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
- Ông đánh giá như thế nào về việc Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình yêu cầu các bộ, ngành cắt giảm những chứng chỉ bồi dưỡng mang tính hình thức, không phù hợp, trong đó có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học?
Đây là một trong những khâu cải cách hành chính rất quan trọng, và việc này cũng đòi hỏi cần đi vào thực tế trong quá trình xem xét, sử dụng lực lượng lao động.
Từ trước đến nay chúng ta thường vẫn coi trọng hình thức văn bằng, chứng chỉ hay bằng cấp. Tuy nhiên, thực tế nhiều người có đầy đủ các văn bằng nhưng cũng không làm được việc.
Do đó, chúng ta nên để nơi có nhu cầu tuyển dụng cần văn bằng chứng chỉ thì sẽ yêu cầu người dự tuyển chủ động đi học để lấy chứng chỉ đó, ví dụ như chứng chỉ ngoại ngữ, tin học...
- Nhưng trên thực tế, văn bằng chứng chỉ lại là yêu cầu bắt buộc của một số tổ chức tuyển dụng, thưa ông?
Đúng như vậy, văn bằng chứng chỉ từ trước đến nay giống như một vật đảm bảo để cho một người vào vị trí này hay chức vị kia. Nhưng đến khi vào làm thì rất nhiều trường hợp lại không làm được việc.
Vẫn biết có những công việc cần phải có bằng cấp để minh chứng quá trình học tập, như liên quan đến hoạt động nghiệp vụ nghề nghiệp đặc thù như bác sĩ...
Còn với các loại chứng chỉ không cần thiết, đào tạo trong một vài tháng thì nên bỏ và lấy người thật việc thật làm thước đo.
Đơn cử, tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) họ chỉ tuyển những người làm được việc ngay, chứ không kiểm tra xem người xin vào làm có bao nhiêu bằng cấp, chứng chỉ.
Nếu làm được việc thì họ giữ lại, còn không được mời đến doanh nghiệp khác thi tuyển. Người tuyển dụng chỉ cần người lao động làm được việc, họ không quan tâm đến bằng cấp. Làm tốt thì hưởng lương cao, còn hiệu quả kém thì lập tức cho nghỉ việc.
- Theo ông, tại sao lại cần phải loại bỏ những văn bằng chứng chỉ không cần thiết vào thời điểm này?
Trước đây chúng ta cũng đã nói đến câu chuyện này, nhưng vẫn chưa có động thái triển khai mạnh mẽ và đồng bộ.
Còn đến thời điểm này cũng bắt đầu vào một nhiệm kỳ mới, đặc biệt sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, khi nói đến vấn đề đào tạo, sử dụng con người cũng như lựa chọn nhân tài cho đất nước thì việc học thật làm thật có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Và cũng đã đến lúc đất nước cần phải có những người có tài thật, có khả năng làm việc thật để đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Mặc dù đây mới chỉ là bước khởi đầu, nhưng trong vài năm tới việc này sẽ trở thành bắt buộc, khi thi tuyển đầu vào tại các cơ quan đều yêu cầu người làm phải có kiến thức và chuyên môn thật.
- Ông đánh giá thế nào về nguyên tắc bỏ các chứng chỉ nhưng phải gắn với nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức một cách thực chất, nhất là trình độ ngoại ngữ; phù hợp với vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý, tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức...?
Việc này đưa đến câu chuyện công tác đào tạo thời gian tới sẽ không còn mang tính hình thức nữa. Vấn nạn mua bán chứng chỉ sẽ lùi vào dĩ vãng và không còn tồn tại. Vì khi đó, người có hàng chục loại văn bằng chứng chỉ mà không làm được việc thì vẫn không thể tìm được một công việc có thu nhập cao và đòi hỏi trình độ chuyên môn giỏi.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Chính thức bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với công chức hành chínhBộ Nội vụ quy định cụ thể tại Thông tư số 02/2021/TT-BNV ngày 11.6.2021 về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư. Theo đó, so với quy định hiện nay, Thông tư 02/2021 đã chính thức bãi bỏ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ về chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học của công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư. Cụ thể, với ngạch công chức hành chính cao cấp, Khoản 3 Điều 5 Thông tư 02/2021 chỉ yêu cầu: - Bằng tốt nghiệp đại học ngành phù hợp trở lên; - Bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính hoặc giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị tương đương cao cấp lý luận chính trị; - Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước theo chuẩn ngạch chuyên viên cao cấp. Ngạch chuyên viên cũng chỉ cần bằng tốt nghiệp ngành đào tạo phù hợp từ đại học trở lên; Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên chính hoặc có bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính… So với quy định tại Thông tư 11/2014/TT-BNV hiện đang áp dụng, tất cả các ngạch công chức chuyên ngành hành chính không còn cần chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Tương tự, so với quy định hiện nay tại Thông tư số 14/2014/TT-BNV, công chức chuyên ngành văn thư cũng không cần chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Tuy nhiên, hai loại công chức này phải có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản cũng như sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ tương đương với yêu cầu của vị trí việc làm. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1.8.2021. |
Có thể bạn quan tâm