Do tác động tiêu cực từ những căng thẳng địa chính trị thế giới, nên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có thể vẫn chịu áp lực điều chỉnh trong tuần này.
Trong tuần qua, do tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, nên TTCK Việt Nam giao dịch kém tích cực trên cả 2 sàn HOSE và HNX. Theo đó, VN-Index chỉ có 2 phiên tăng điểm và 3 phiên giảm điểm, kết thúc tuần giảm tới gần 1,7% xuống mức 974,34 điểm, trong khi HNX-Index cũng giảm tới 0,88% đóng cửa tuần ở mức 102,79 điểm.
Các cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến chỉ số chung trong tuần qua là VHM, GAS và VIC, trong khi các cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index là FPT, HPG, MWG… Đáng chú ý, các nhà đầu tư có xu hướng chốt lời ở những cổ phiếu đã tăng nóng trong thời gian qua và dịch chuyển dòng vốn vào những cổ phiếu đã giảm mạnh, hoặc chưa tăng giá của các nhóm ngành, như cảng biển, y tế, bất động sản, đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp.
Nhờ sự vận động của dòng tiền nói trên, thanh khoản của thị trường khá tích cực, trong đó giá trị giao dịch bình quân trên sàn HOSE đạt 5.429 tỷ đồng/phiên, tăng tới hơn 22% so với tuần trước đó.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 10/08/2019
10:42, 05/08/2019
05:36, 09/08/2019
10:10, 09/08/2019
11:00, 08/08/2019
11:01, 01/08/2019
Tuy nhiên, khối ngoại tiếp tục bán ròng đã tác động tiêu cực đến thị trường trong tuần qua. Tính chung trên toàn thị trường, khối ngoại mua vào 92,4 triệu cổ phiếu, trị giá 4.510,7 tỷ đồng, trong khi bán ra 136 triệu cổ phiếu, trị giá 5.551 tỷ đồng. Theo đó, khối ngoại bán ròng 43,7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng lên đến hơn 1.040 tỷ đồng. Tổng giá trị bán ròng 2 tuần vừa qua của khối ngoại lên tới khoảng 1.500 tỷ đồng- mức bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm nay.
Dù FED và các ngân hàng trung ương Ấn Độ, New Zealand, Thái Lan… đã đồng loạt cắt giảm lãi suất, nhưng chiến tranh thương mại và nguy cơ chiến tranh tiền tệ khi Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ (CNY) và Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ cho quốc gia này lại khiến cho các nhà đầu tư hoảng loạn, giữ tâm lý thận trọng và hạn chế tham gia thị trường. Điều này có thể sẽ còn kéo dài sang cả tuần này.
Không những vậy, đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đảo chiều âm do các nhà đầu tư đẩy mạnh mua trái phiếu để phòng ngừa rủi ro bất ổn kinh tế thế giới, khiến giá trái phiếu tăng mạnh, làm cho lợi suất trái phiếu giảm mạnh, cũng là điều mà các nhà đầu tư đang rất lo ngại vì tín hiệu này đã từng xuất hiện trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Chiến tranh thương mại leo thang sẽ làm cho làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc tiếp tục diễn ra, đẩy giá thuê đất ở các khu công nghiệp tăng trong ngắn hạn. Chỉ những doanh nghiệp có quỹ đất lớn, chi phí đền bù rẻ và tình hình tài chính lành mạnh mới được hưởng lợi nhiều nhất. Mặc dù vậy, các cổ phiếu nhóm ngành này không được khuyến nghị nắm giữ dài hạn, vì rủi ro lớn, như Mỹ đang siết chặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam, nhất là hàng hóa đội lốt xuất xứ Việt Nam; chiến tranh thương mại bất ngờ hạ nhiệt; các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư mới các khu công nghiệp…
Ngoài ra, do dòng tiền đang dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa, nên các nhà đầu tư có thể quan tâm đến các cổ phiếu thuộc nhóm ngành cảng biển, điện, nước, logistics, bán lẻ…
Trong tuần này, hợp đồng tương lai VN30F1908 đáo hạn, nên các cổ phiếu trong rổ VN30 có thể sẽ có những biến động mạnh.
Theo phân tích kỹ thuật, trên biểu đồ tuần, chỉ số Stochastic đang phân kỳ âm từ vùng vượt bán, trong khi RSI đang đi xuống, ADX đi ngang, cho thấy áp lực điều chỉnh ngắn hạn vẫn đang diễn ra. Trên biểu đồ ngày, MACD đã phân kỳ âm, Histogram cũng dịch chuyển xuống dưới đường zero cho thấy tín hiệu tiêu cực… Theo đó, nếu VN-Index giảm xuống dưới vùng 968- 972 điểm, thì có thể xuống tới 953 điểm (MA 200), thậm chí là 935- 940 điểm. Trong khi đó, mức kháng cự đầu tiên vẫn đang ở 983 điểm- đường biên giữa của dải Bollinger trên biểu đồ ngày, kế tiếp là 991- 997 điểm.