Nối tiếp mức tăng trưởng 48% ở 2017, VN-Index kể từ đầu năm 2018 tiếp tục duy trì xung lực mạnh mẽ với thanh khoản đạt kỷ lục 1000 tỷ đồng/ phiên và khối ngoại duy trì đà mua ròng. Những kỳ vọng dành cho cú nhảy lịch sử chạm, thậm chí vượt mốc VN-Index ở đỉnh 10 năm trước đã nhen nhóm.
Theo ông Bạch An Viễn - Trưởng phòng phân tích CTCK KIS, chứng khoán Việt Nam đang hội tụ nhiều yếu tố nâng đỡ để có thể thực hiện “cú nhảy lịch sử” mà các nhà đầu tư trông đợi.
Cụ thể, ông Viễn phân tích, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn vô cùng tích cực. Năm 2017 tăng trưởng GDP đạt 6,81% và đây là mức cao nhất 10 năm kể từ 2007 và vượt chỉ tiêu (6,7%). Đáng chú ý các ngành chủ lực của nền kinh tế bao gồm công nghiệp chế tạo và xuất khẩu đều có mức tăng trưởng 2 con số, tiêu dùng nội địa tăng trưởng vững chắc và cùng với đó, nền kinh tế xuất siêu trở lại ước 2,7 tỷ USD.
Đà tăng trưởng này hứa hẹn dài hơi khi du lịch được xem là động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, thay thế dầu khí đang suy yếu - đúng định hướng phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ trong đó có ngành công nghiệp không khói. FDI và khối tư nhân đều đang mở rộng đầu tư và hòa nhịp cùng sự chuyển dịch của cơ cấu nền kinh tế từ khai thác tài nguyên thô và nông nghiệp sang vai trò trọng tâm của dịch vụ -tiêu dùng.
Trong bối cảnh đó, theo KIS, tăng trưởng GDP 2018 sẽ tiếp tục giữ xung lực và tích cực nối tiếp đà của 2017, tuy nhiên khó vượt mốc 7%. Đây cũng là nhận định mà nhiều định chế tài chính quốc tế dự báo về Việt Nam trong năm mới, đã đưa ra.
Điều hành kinh tế, điểm nhấn không thể thiếu trong bức tranh thu hút đầu tư nước ngoài, tái cơ cấu đầu tư công và xác lập vai trò kinh tế tư nhân như một động lực tăng trưởng bền vững, được dự báo sẽ nâng thêm sức bật cho Việt Nam trong năm nay. Trong đó, chính sách nới lỏng tiền tệ với tăng trưởng tín dụng hơn 17%, tín dụng tiêu dùng bùng nổ và áp lực ngân sách giảm xuống tạo dư địa cho chính sách tài khóa…là những nền tảng quan trọng cho kỳ vọng chung về GDP.
Bên cạnh những yếu tố tích cực của ngành ngân hàng góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và giúp nhóm cổ phiếu ngành này dần trở lại vị thế dẫn dắt VN-Index, ông Bạch An Viễn cho rằng thoái vốn cổ phần Nhà nước ở 2018 là vô cùng quan trọng. Đây cũng là “chìa khóa” then chốt góp phần giải tỏa những áp lực trong điều hành tỷ giá, tăng cung ngoại tệ và tăng thu ngân sách, theo ý kiến của ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước, khi nhìn về tỷ giá 2018.
Thoái vốn cổ phần Nhà nước và sự niêm yết của các doanh nghiệp lớn, theo đánh giá chung, đã là động lực cơ bản góp phần “nâng hạng thị trường” ở 2017 và tác động này sẽ chưa nguội ở năm nay.
Thực tế, các ngành hàng và các nhóm hàng hóa cổ phiếu đều đã tăng trưởng rất mạnh ở năm qua. Trên bình diện chung, Chứng khoán KIS đánh giá, định giá đã không còn rẻ nhưng vẫn đủ hấp dẫn. Giá cổ phiếu đã xác lập mặt bằng cao mới song vẫn thấp hơn nhiều so với đỉnh cao lịch sử và nhà đầu tư vẫn sẵn sàng trả mức giá cao hơn cho các doanh nghiệp niêm yết mới và trong diện thoái vốn. Trường hợp Vinamilk và Sabeco với những bước giá “ngoài tưởng tượng” đặt trong tương quan tăng trưởng giá và VN-Index tại cùng thời điểm là một ví dụ điển hình.
Với dòng tiền vẫn đang “đổ” vào thị trường mạnh mẽ, nhà đầu tư đang chờ đợi cú bật nhảy lịch sử với: VN-Index vận động ở mức cao; nhiều nhóm ngành hưởng lợi từ nền kinh tế bao gồm bất động sản -xây dựng, tài chính ngân hàng, thép, bán lẻ, hàng không, ô tô, dịch vụ -Y tế; cổ phiếu thoái vốn Nhà nước và niêm yết mới; cổ phiếu có xung lực tăng mạnh cùng kết quả kinh doanh lạc quan, định giá hợp lý.
Dù rất lạc quan, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, để chuẩn bị các kịch bản khả quan với bước nhảy dự báo của VN-Index ở 2 “kịch bản”, tăng trưởng 23% hoặc 42% và vượt qua đỉnh lịch sử 1400 điểm, nhà đầu tư vẫn cần lưu ý đến các rủi ro thị trường trong đó có áp lực chốt lời gia tăng, rủi ro pha loãng và kiểm soát chính sách margin. Rủi ro do “sợ hãi” hoặc quá “tham lam” cũng là những yếu tố mà tự thân các nhà đầu tư hiện nay, cần tính.