Ông Trần Văn Dũng- Chủ tịch UBCK Nhà nước cho biết, trong quý 2/2019, UBCK Nhà nước sẽ đưa sản phẩm chứng quyền có đảm bảo (CW) vào hoạt động.
Sẵn sàng hoạt động
Theo ông Trần Văn Dũng, đến nay sản phẩm chứng quyền có đảm bảo (CW) đã có đầy đủ cơ sở pháp lý về hệ thống giao dịch và sự sẵn sàng của các thành viên. Để sản phẩm CW đi vào hoạt động, cần nhất là các báo cáo kiểm toán của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, phải cuối tháng 3, 4/2018 các doanh nghiệp mới công bố báo cáo kiểm toán. Do vậy, UBCK Nhà nước và các công ty chứng khoán cần phải chuẩn bị ít nhất 1 tháng để đưa sản phẩm CW vào hoạt động cuối tháng 6 hoặc tháng 7/2019.
Cho đến nay, sàn HOSE đã chốt danh sách 23 mã cổ phiếu đáp ứng các điều kiện là chứng khoán cơ sở của CW. Theo đó, các cổ phiếu này đạt tiêu chí về vốn hóa, thanh khoản và khối lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free float). Theo UBCK Nhà nước, danh sách 23 chứng khoán cơ sở được phép phát hành chứng quyền của HOSE đều là các mã bluechips có giá trị vốn hóa lớn, thanh khoản cao giúp tổ chức phát hành dễ dàng hơn trong việc phòng ngừa rủi ro.
Có thể bạn quan tâm
04:25, 23/02/2019
12:15, 12/02/2019
11:08, 31/01/2019
06:02, 12/01/2019
Tuy nhiên, một số cổ phiếu đầu ngành có thanh khoản cao, nhưng có tỷ lệ sở hữu Nhà nước lớn (không đảm bảo yếu tố free float) chưa được đưa vào danh sách đủ điều kiện phát hành trong quý I/2019 như GAS, PLX hay SAB...
"Với lộ trình thoái vốn mạnh mẽ của Chính phủ trong các doanh nghiệp lớn trên sàn, chúng tôi rất kỳ vọng các cổ phiếu trên cũng sẽ sớm được đưa vào rổ cổ phiếu phát hành CW vì đây đều là những công ty, tập đoàn đầu ngành, có tính chất dẫn dắt thị trường và được nhiều nhà đầu tư quan tâm", ông Dũng cho biết.
Hiện nhiều cổ phiếu như VCB, BVH, HBC, KBC, BID cần được bổ sung vào danh sách các mã đủ điều kiện là chứng khoán cơ sở của CW. Nếu bổ sung thêm các mã mới, các công ty chứng khoán sẽ có thêm cơ hội chọn lựa sản phẩm cơ sở để triển khai phát hành CW.
Với tính chất đòn bẩy, khả năng sinh lời cao, cũng như vốn đầu tư thấp, CW sẽ thu hút các nhà đầu tư theo trường phái giao dịch ngắn hạn và chấp nhận rủi ro cao. Thêm vào đó, nhà đầu tư nước ngoài có thể mua CW để hưởng lợi từ việc tăng giá của các các cổ phiếu đã hết room. Đây là một sản phẩm rất mới tại Việt Nam, nhưng sẽ được nhà đầu tư cá nhân đón nhận nhanh chóng do tính ưu việt về khả năng sinh lời và kiểm soát rủi ro của sản phẩm. Sau 1 - 2 đợt phát hành đầu có số mã phát hành tương đối hạn chế tập trung vào những cái tên nổi bật nhất trong rổ VN30 thì đến đầu năm 2019, thị trường sẽ có gần như đầy đủ CW cho tất cả các mã được phép phát hành, tạo sự lựa chọn đa dạng hơn cho nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia của MBS, CW có đảm bảo được cấu trúc như một sản phẩm phái sinh và có tính sinh lời cao nhưng đi kèm với tỷ lệ rủi ro cao một khi giá tài sản đảm bảo biến động. Sau phái sinh thì đây sẽ là một sản phẩm tài chính hiệu quả…
Phòng ngừa rủi ro cho chứng quyền
Để hỗ trợ sản phẩm CW đi vào hoạt động, UBCK cũng vừa ban hành Quyết định số 72/QĐ-UBCK ban hành Quy chế hướng dẫn chào bán và phòng ngừa rủi ro CW. Theo đó, hạn mức tối đa CW đã phát hành và đăng ký phát hành, không tính số chứng quyền đã hủy niêm yết hoặc đã đáo hạn so với vốn khả dụng tương ứng với từng tổ chức phát hành.
Tỷ lệ vốn khả dụng để xét hạn mức là mức tối thiểu liên tục trong 6 tháng gần nhất trước tháng nộp hồ sơ đăng ký chào bán chứng quyền. CW là cuộc chơi giữa nhà đầu tư với tổ chức phát hành là các công ty chứng khoán, khi bên này lãi thì bên kia sẽ chịu lỗ.
Nếu nhà đầu tư có lãi thì phần lỗ sẽ thuộc về công ty chứng khoán và công ty chứng khoán sẽ phải phòng ngừa rủi ro trong trường hợp lỗ cho vị thế bán bằng cách mua tài sản cơ sở trên thị trường cổ phiếu.
Khi tham gia phát hành CW, công ty chứng khoán phải phòng ngừa rủi ro bằng cách giữ cổ phiếu cơ sở theo đúng tỷ lệ và các bên chưa tìm được tiếng nói chung về tỷ lệ này vì cơ quan quản lý luôn muốn sản phẩm mới vận hành an toàn với rủi ro thấp trong khi công ty chứng khoán lại muốn linh hoạt hơn.
Trong đó, hoạt động phòng ngừa rủi ro bao gồm các giao dịch mua, bán, vay và các giao dịch khác phù hợp với quy định pháp luật. Hoạt động này được thực hiện trên tài khoản tự doanh của tổ chức phát hành (được dùng chứng khoán cơ sở hiện có trong tài khoản tự doanh).
Về điều kiện để cổ phiếu niêm yết là chứng khoán cơ sở của CW là các cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE, đáp ứng các tiêu chí sau: Thuộc chỉ số VN30 hoặc HNX30 hoặc chỉ số tương đương thay thế (trong trường hợp tổ chức lại các sở giao dịch chứng khoán); giá trị vốn hóa hàng ngày bình quân trong 6 tháng gần nhất từ 5.000 tỷ đồng trở lên; tổng khối lượng giao dịch trong 6 tháng gần nhất tối thiểu đạt 25% số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng bình quân trong 6 tháng gần nhất; tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng tại ngày chốt dữ liệu xem xét từ 20% trở lên; có thời gian niêm yết từ 6 tháng trở lên tính đến thời điểm xem xét.
Theo chuyên gia các công ty chứng khoán, CW vừa là sản phẩm đầu tư, vừa là công cụ quản lý rủi ro với chi phí hiệu quả. Sản phẩm này có cách thức giao dịch giống như cổ phiếu và không bị hạn chế bởi tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài nên hứa hẹn sẽ đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư...